Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Gai cột sống

Tạp Chí Giáo Dục

Nên hạn chế ngồi quá lâu với một tư thế dễ dẫn đến bệnh gai cột sống. Ảnh: T.Hiền

Gai cột sống thường thấy ở thắt lưng và đốt sống cổ. Đó là khẳng định của BS.CKII Vũ Viết Chính – Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tại buổi trò chuyện với thầy thuốc chủ đề “Phòng ngừa và điều trị bệnh gai cột sống” do Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Sở Y tế TP.HCM tổ chức vừa qua.
Theo BS. Chính, gai cột sống là sự phát triển thêm ra của xương (gai xương) trên thân đốt sống, các mỏm khớp sau, dây chằng quanh khớp hay đĩa sụn do viêm khớp cột sống mạn tính, chấn thương hay sự lắng đọng can-xi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống. Vị trí thường mọc gai là mặt trước và hai bên của cột sống, hiếm khi mọc ở phía sau nên ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh. Gai cột sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của cột sống nhưng thường thấy nhất là khu vực thắt lưng và đốt sống cổ. Vì hai vị trí này chịu lực tác động nhiều nhất, dẫn đến tình trạng thoái hóa nhanh nhất.
Các yếu tố tuổi tác (tuổi càng cao thì nguy cơ càng lớn), di truyền, dinh dưỡng kém, nếp sống không lành mạnh, béo phì, dáng điệu đứng ngồi xấu, chấn thương liên tục (do thể thao, tai nạn xe cộ) là những rủi ro đưa tới tình trạng viêm khớp, sự thoái hóa xương khớp và tạo gai nhanh hơn…
“Đa số bệnh gai cột sống không xuất hiện triệu chứng gì rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình vận động khi gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm xung quanh (dây chằng, rễ dây thần kinh) thì bệnh nhân mới thấy đau. Thỉnh thoảng khiến người bệnh rất khó chịu, nhất là cảm giác đau ở vùng thắt lưng, đau tê lan chân, đau cổ hoặc vai, đau tê lan xuống cánh tay và đôi khi làm giới hạn vận động. Để phòng ngừa bệnh gai cột sống, nên hạn chế chất béo (nhất là mỡ động vật) và tăng cường rau xanh, trái cây. Luôn giữ cột sống ở tư thế tốt (ngồi làm việc, lưng cổ có chỗ dựa, điều chỉnh màn hình máy vi tính hay sách vở ngang tầm mắt, luân phiên thay đổi tư thế). Tránh đứng, ngồi quá lâu ở những tư thế không tốt (như ngồi hàng giờ trên bàn làm việc, ngồi xem ti vi hay đọc sách tư thế xấu, màn hình vi tính quá cao hay quá thấp, nằm ngủ tư thế không thoải mái). Đồng thời hạn chế công việc khuân vác nặng, kiểm soát cân nặng – không để quá mập hoặc béo phì. Nằm ngủ với nệm cứng vừa đủ mà không cần gối hay dùng gối đặc biệt. Tránh những môn thể thao quá sức chịu đựng bình thường của bản thân như cử tạ quá nặng, vận động quá khó, nên chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, tập aerobic, yoga. Đặc biệt, tránh chấn thương cột sống và các tư thế gây chấn thương, khi có chấn thương phải điều trị sớm…”, BS. Chính khuyến cáo.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)