Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Game online có thể giúp truyền bá lịch sử đất nước

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các chuyên gia cho rằng sản xuất trò chơi trực tuyến có nội dung lịch sử VN là một cách hay để giúp người chơi hiểu biết về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, kinh phí và kỹ thuật lại là thách thức rất lớn.

Trong hàng loạt cuộc hội thảo, tọa đàm về game online gần đây, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc phải đưa yếu tố giáo dục vào trò chơi, để thông qua hình thức giải trí này truyền bá những nội dung lành mạnh cho game thủ. Đáng chú ý, lịch sử nước nhà được coi là một nguồn nội dung ưu tiên khi phát triển game nội địa.

“Tôi rất hoan nghênh việc này”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ. “Các quốc gia khác đã làm và họ gặt hái nhiều thành công. Việc sản xuất game online lịch sử không nằm ngoài xu hướng phát triển đúng đắn”.

Cơ quan quản lý cũng chia sẻ quan điểm trên. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết: “Bộ Thông tin Truyền thông ủng hộ phát triển trò chơi trực tuyến có yếu tố lịch sử. Đây là dòng sản phẩm phát huy mặt tích cực và truyền bá lịch sử đất nước cho người chơi thông qua việc khám phá game”.

Bên trong một studio sản xuất game của VNG. Ảnh: Hoàng Huy.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đang kinh doanh game tại VN, việc xây dựng một trò chơi trực tuyến rất khó khăn. “Sản xuất một game chi phí thấp nhất phải bỏ ra là trên 20 tỷ đồng trong vòng 3 năm. Vấn đề con người cũng rất quan trọng, khi nhân lực phát triển game của Việt Nam có trình độ còn thua kém các quốc gia trên giới”, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, chia sẻ.

Vị đại diện của VNG còn cho biết, để hoàn thành được sản phẩm Thuận thiên kiếm (trò chơi trực tuyến dã sử đầu tiên của VN), họ phải mất rất nhiều thời gian, công sức trong việc tạo hình nhân vật, quần áo, phối cảnh. “Chúng tôi đã phải đi khắp miền Bắc để chụp và dựng lại các địa danh nổi tiếng như thành Thăng Long, Văn miếu Quốc tử giám…, mời các chuyên gia lịch sử, thời trang để cố vấn sao cho bối cảnh và hình ảnh trong game đúng nhất”.

Chia sẻ với doanh nghiệp, Cục trưởng Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lưu Vũ Hải khẳng định: “Chúng tôi từ lâu đã nêu ý kiến cần ủng hộ về chính sách và tài chính cho đơn vị trong nước phát triển game. Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp nêu rõ khó khăn gặp phải để có những quyết sách cụ thể trong vấn đề sản xuất game online Việt”.

“Nhà phát triển cần sự hỗ trợ của những chuyên gia để sao cho có sản phẩm đúng với lịch sử về mặt nội dung, kiến trúc… Nhà nước cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chinh sách, thuế. Nếu xúc tiến thì phải có những đề tài đầu tư nghiêm túc”, ông Dương Trung Quốc bổ sung.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn rằng lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc có nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Nếu phải loại bỏ những hình ảnh chiến đấu ra khỏi game để hạn chế tính bạo lực như một số quan điểm gần đây thì sẽ gây khó khăn khi xây dựng cốt truyện trò chơi. “Không nên đồng nhất các hành vi tốt, xấu khi nói đến yếu tố bạo lực trong game lịch sử. Cần phân biệt rõ đúng sai”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích. "Ngoài ra, lịch sử dân tộc ta đâu chỉ có chiến tranh mà còn vô số giá trị văn hóa khác".

Theo ông Lưu Vũ Hải, mọi ý kiến của cá nhân hay một tổ chức đưa ra liên quan đến yếu tố bạo lực ở thời điểm này chỉ mang tính tham khảo: “Trong dự thảo mới về quản lý trò chơi trực tuyến sắp trình Thủ tướng ký có quy định cụ thể về vấn đề này. Chắc chắn nó sẽ không ngăn cản sự phát triển game online Việt”.

Về việc một số công ty nước ngoài đang phát triển game mang nội dung lịch sử VN như Đất Việt truyền kỳ của Zealot Digital (Đài Loan), Cục trưởng cho rằng: “Họ chỉ góp phần đưa những yếu tố giáo dục, định hướng cái tốt chứ không giúp phát triển đội ngũ sản xuất game trong nước. Cần phải kích thích doanh nghiệp nội địa mạnh dạn đầu tư, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt và đào tạo nguồn nhân lực làm game mạnh trong tương lai”.

Hoàng Huy (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)