Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Game online làm hại giới trẻ: Tại ai?

Tạp Chí Giáo Dục

Game online Special Force của FPT mang đầy tính bạo lực kích thích tuổi teen tham gia chơi rất nhiều

Mấy năm trở lại đây, chát chít đã được coi là dĩ vãng, thay vào đó là đủ các loại hình game online đang bùng nổ trên thị trường, rầm rộ chưa từng có. Hết Đế chế, MU, Haflife, Thế giới hoàn mỹ, Thiên long bát bộ lại đến Audition, Võ lâm truyền kỳ rồi Đột kích… Nhưng ưa thích nhất với các game thủ vẫn là các game chiến, game có nối mạng kiểu như “Đế chế” hay “Đột kích”. Những phiên bản game mới nhất luôn được các game thủ tìm tòi, cập nhật liên tục cho khỏi lỗi mốt, quê độ với “anh hùng hảo hán giang hồ”.
Đối tượng mà các loại hình game hướng tới chính là giới trẻ, những người đang trong độ tuổi đi học. Họ chưa có đầy đủ nhận thức về các vấn đề xã hội nhưng lại luôn thích tìm tòi, khám phá, thích phiêu lưu, mạo hiểm. Dù đó chỉ là trong thế giới ảo, không có thật.
Có mặt tại một cửa hàng game trên phố Trần Bình (Hà Nội), tôi chứng kiến hàng chục em học sinh với đồng phục của một trường THPT gần đó đang cần mẫn cày ải bên những chiếc máy tính đời mới. Ông chủ cửa hàng cho biết, cửa hàng liên tục phải bảo dưỡng, nâng cấp máy móc phục vụ cho các game thủ, sao cho các “chiến hữu” (ông chủ cũng là một tay game có hạng) có thể múa may, tung hoành một cách oanh liệt và nhuần nhuyễn nhất trên các bàn phím máy tính. Đây chính là một chiêu thu hút khách của cửa hàng, bởi “nếu máy móc chẳng ra gì thì có ngồi cả ngày cũng chẳng có ma nào vào chơi. Bây giờ quán nét nhan nhản, nếu máy mình không tốt là khách bỏ đi liền. Lần sau chẳng quay lại nữa”. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi kèm cũng luôn được cung cấp một cách chu đáo như nước lọc, trà đá cho game thủ ít “xiền”; trà xanh O0, sting, lipton, thuốc lá… cho những tay chơi có điều kiện hơn.
Sang một con phố khác gần đó, phố Hồ Tùng Mậu. Con phố tuy chỉ dài chừng 1km nhưng lại chi chít những quán net, cửa hàng game với chằng chịt những biển hiệu bắt mắt mời gọi các game thủ. Nào là “Cửa hàng game siêu tốc, internet nối mạng cáp quang” rồi “Nhân dịp khai trương, cửa hàng giảm giá 30%…”. Nằm trên con phố này là một loạt các trường đại học lớn của Hà Nội như Đại học Thương mại, Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Múa, Trường Xiếc Việt Nam. Chính vì thế, các cửa hàng internet, game ở đây luôn đông khách, chủ yếu là sinh viên các trường trên. Việc làm ăn thuận lợi, những ông, bà chủ quán nơi này lại càng tích cực nâng cấp máy móc, linh kiện và cũng không quên cập nhật các phiên bản game mới nhất để phục vụ các thượng đế. Có những tay game chơi thâu đêm suốt sáng, ăn ngủ ngay tại cửa hàng cũng được chăm sóc một cách đặc biệt. Đói thì có cơm hộp đem đến tận nơi. Ăn giữa giờ là bánh mì hoặc mì ăn liền với trà đá, nước lọc. Nhưng chỉ có những người đã nhẵn mặt với chủ quán, mòn dép với cửa hàng thì mới có được sự ưu đãi như vậy. Thậm chí, có game thủ còn được chủ quán cho chơi chịu thoải mái, cuối tháng nhận “lương” từ bố mẹ rồi thanh toán luôn một thể. Có người sau khi thanh toán tiền net chỉ còn lại đôi ba trăm chi tiêu cho cả tháng, rồi lại về phòng ca bài ca muôn thuở, “bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường”.
Không những vậy, hiện nay các loại hình dịch vụ game rất đa dạng và dễ dàng thanh toán. Chi phí cho mỗi lần mua thẻ và đăng ký thành lập account chỉ vào khoảng mấy chục ngàn đồng. Các nhân viên hay cộng tác viên kinh doanh của các công ty game thường đến tận các cửa hàng ký hợp đồng làm đại lý cung cấp thẻ. Thủ tục nhanh gọn, hoa hồng hấp dẫn cho nên các ông, bà chủ quán net thường là đồng ý ngay, bởi họ chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Hậu quả cuối cùng là những học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết và chính gia đình của họ mà thôi.
Thời gian đã dành hết cho các cửa hàng internet, việc học hành bỏ bê, kết quả học tập yếu kém cũng là điều dễ hiểu. Không những vậy, nhiều người trong số đó còn lâm vào con đường tù tội, do thiếu tiền chơi game mà vi phạm pháp luật. Chỉ đến khi đó, nhiều bậc phụ huynh mới tá hỏa ra rằng con mình đã từ một học sinh, sinh viên ngoan ngoãn, học giỏi trở thành một tên tội phạm. Không ít người mẹ đâm ra lẩn thẩn, thất thần, vất vưởng.
Bản thân internet không có lỗi. Nó đơn thuần chỉ là một sản phẩm công nghệ cao, hiện đại và giàu tính ứng dụng. Bản thân các loại hình game online cũng vậy. Chúng được sáng tạo ra nhằm mục đích giải trí là chính. Nhưng trong trường hợp này thì chúng đã được sử dụng một cách thái quá, trên mức cần thiết. Mà cái gì quá thì cũng không tốt, phải “vui có chừng, dừng đúng lúc” mới hay. Hơn nữa, sức đề kháng và khả năng miễn dịch của thế hệ trẻ nước nhà là tương đối yếu, tư tưởng và bản lĩnh chính trị cũng chưa vững vàng.
Nguyễn Danh Phương

 

Bình luận (0)