Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Game online vẫn bủa vây trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh mặc đồng phục vào tiệm net chơi game online là hình ảnh không còn xa lạ

Vấn đề các tiệm game online tập trung ở xung quanh trường học gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, lối sống của bộ phận học sinh tưởng chừng ngã ngũ khi chế tài xử phạt trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh dịch vụ internet của Chính phủ có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tiệm game công khai hoạt động với khoảng cách với trường học chưa đầy 200 mét. Tại đây học sinh sẵn sàng bỏ học chữ để vào các tiệm net học… luyện game.
Tại khoản 3 điều 11 Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 1 tháng 6 năm 2006 về quản lý trò chơi trực tuyến quy định: “Chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ở các địa điểm cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến THPT) tối thiểu 200m, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào”. Quy định là thế, nhưng thực tế nhiều tiệm net tổ chức trò chơi trực tuyến vẫn công khai hoạt động.
Bất chấp quy định
Sau nhiều ngày đi thực tế tìm hiểu các tiệm net trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghi nhận những tiệm gần trường học có số lượng game thủ phần lớn là học sinh. Có mặt tại tiệm Game Playstation 2 trên đường Hòa Hiệp, quận Tân Bình (gần cổng sau của Trường THPT N. chưa đầy 100m), quán đang đông nghẹt người chơi. Trong đó, nhiều bạn trẻ còn mang trên người bộ đồng phục của trường đang chăm chú vào màn hình. “Game thủ” ngồi bên cạnh tôi lâu lâu lại văng tục vì trúng đạn của đối thủ hoặc xuýt xoa vì bắn trật mục tiêu.
Theo cô Hoa bán đồ ăn trước tiệm game này thì học sinh trốn ra đây chơi game là chuyện thường, hầu như ngày nào cũng có. Trong khi đó, ở đường Hiệp Nhất (đối diện cổng Trường THPT N.) tiệm net Tin Tin Games cũng đông không kém. Chúng tôi vào tiệm tầm 10h sáng và tận mắt chứng kiến hầu hết các máy đều có người chơi game. Cũng giống như nhiều tiệm game khác, bên ngoài tiệm này trương bảng giới thiệu các loại game đang thịnh hành, đường truyền và game thủ có thể mua thẻ game tại đây.
Không riêng gì tại trung tâm thành phố mà các trường học ở các quận ven và huyện ngoại thành như Bình Chánh, Gò Vấp, quận 9, 12, Thủ Đức… có nhiều tiệm game hoạt động suốt ngày đêm.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) cho biết: “Tác hại của việc nghiện game online ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, học tập và việc định hình nhân cách của học sinh, đây là một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua. Các ngành chức năng nên phân loại rõ ràng từng loại game với các nhóm đối tượng khác nhau, có những chế tài xử phạt đơn vị vi phạm và các tiệm game nên cách trường vài cây số chứ 200m không giải quyết được vấn đề nghiện game online của học sinh hiện nay”.
Học sinh nghiện game ngày càng tăng
Trong khi các tiệm net vô tư hoạt động, các ngành chức năng làm chưa tròn trách nhiệm thì số lượng giới trẻ nghiện game tăng một cách báo động. Trong đó, lứa tuổi nghiện ngày càng trẻ hóa và chủ yếu là học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh trốn học, ăn trộm tiền của gia đình để có tiền chơi game.
Bà Trần Thị Kim Liên, Phó giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, cho biết: “Nghiện game online hiện nay được xem là vấn nạn của xã hội, đây là căn bệnh rất khó chữa và tác hại của nó còn hơn cả ma túy. Người nghiện game nếu không được cai kịp thời thì sẽ để lại hậu quả xấu cho cả gia đình và xã hội. Thực tế có rất nhiều gia đình tan nát, xáo trộn vì có con nghiện game”. Bà Liên cũng cảnh báo rằng, số lượng học sinh nghiện game ngày càng tăng, nhiều phụ huynh bế tắc trong cách cai game cho con em mình. Sức “tàn phá” của game online là rất lớn nó có thể biến một học sinh ngoan hiền, học giỏi thành một người mất trí, tâm thần… và nhiều triệu chứng khác của một người nghiện game. Nghiện game thì dễ nhưng để cai game là cả một quá trình dài, nhiều thử thách, đòi hỏi sự quyết tâm và chung tay của cả xã hội.
Hậu quả khôn lường
Có thể nói tác hại của việc nghiện game online là rất ghê gớm, nó có thể biến một học sinh giỏi, đứa con ngoan thành đứa trẻ hư, thành tích học tập sa sút và nghiêm trọng hơn là không kiểm soát được bản thân. Nhiều bạn trẻ bị cuốn vào thế giới ảo internet dẫn đến xa rời cuộc sống thực tại nên có những hành vi khác người, vi phạm những chuẩn mực đạo đức hoặc gây nên những sai lầm trong cuộc sống, học tập… Ranh giới giữa chơi thử cho biết và trở thành con nghiện là rất mong manh, điều đó cho thấy ma lực của các trò chơi trực tuyến là rất lớn.
Trường hợp của M.T (con của bà V.M.N ở Gò Vấp) là minh chứng cụ thể của việc nghiện game. Bà V.M.N cho con tiếp cận máy tính từ lớp 5, giám sát rất kỹ nhưng không ngờ rằng con của bà bị nghiện nặng nên phải đưa vào Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam để cai. “5 năm liền ở cấp 1, cháu M.T đều đạt học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến bỗng trở thành “tín đồ” của những trò chơi trên mạng. Tất cả thành tích, cố gắng trước đây đều đổ xuống sông, xuống biển. Tôi hụt hẫng lắm, không nghĩ rằng con mình lại nghiện game, lúc đó tôi tưởng chừng mình sắp mất cháu T.”, bà V.M.N thổ lộ.
Tương tự, P.L.H.Đ 16 tuổi ở quận Thủ Đức cũng bị các trò chơi trên mạng “hút hồn”. Giữa học kỳ năm lớp 8, thấy thành tích học tập bị sa sút, nhiều lần trốn học bà L.T.H (mẹ của P.L.H.Đ) mới phát hiện ra con mình nghiện game. Số tiền bà cho để đóng tiền học thêm bấy lâu nay được cậu con trai “nướng” vào những giờ chơi game. Không có tiền, P.L.H.Đ còn lấy sách của ba đem đi bán để có tiền chơi game.
Hiện nay trên thị trường game online chưa phân loại rõ ràng đối tượng nào được chơi và ngược lại. Các thông tin về tác hại của game chưa được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc thiếu sân chơi cho trẻ em, áp lực gia đình, học tập… trong cuộc sống hiện đại vô tình là “mồi lửa” tạo điều kiện để các em học sinh lao vào thế giới ảo để giải tỏa. Sự mất kiểm soát bản thân rất dễ gây nên những hành động sai trái và mang yếu tố phạm tội, vi phạm pháp luật.
Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có công văn yêu cầu các trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường đánh giá thực trạng học sinh tham gia các trò chơi trực tuyến nhằm ngăn chặn, hạn chế những tác động xấu từ game online. Theo thầy Vượng, để tạo sự “miễn dịch” của các em học sinh đối với game online thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội. Phải tạo ra nhiều sân chơi, tổ chức sinh hoạt tập thể cho thanh thiếu niên để tăng cường nhận thức thông qua đó giúp các em trau dồi kỹ năng sống, định hướng được cách ứng xử, giao tiếp phù hợp với những trường hợp khác nhau. “Khi mình dứt bỏ game online ở các em thì bắt buộc mình phải thay vào chỗ trống đó những trò chơi khác hấp dẫn hơn, bổ ích hơn, quan trọng hơn hết phải có sự đồng bộ của toàn xã hội vì vấn đề game online hiện nay là vấn đề xã hội chứ không riêng gì nhà trường”, thầy Vượng kiến nghị.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)