Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Game show kém duyên khi chèn quảng cáo vô tội vạ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều game show được đầu tư về hình ảnh, kịch bản, nhưng vì chèn quá nhiều quảng cáo và cách chèn thô kệch khiến chương trình kém duyên.

Game show 2 ngày 1 đêm là một trong số ít chương trình truyền hình thực tế được người xem dành nhiều tình cảm. Mỗi tập, dàn khách mời tham gia đều mang tới nhiều tiếng cười lẫn truyền tải kiến thức bổ ích, quảng bá các thắng cảnh đẹp, ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. 

Sau gần 20 tập lên sóng, chất lượng chương trình được giữ vững, và lượng người xem vẫn giúp 2 ngày 1 đêm nằm trong tốp các game show “ăn khách”. Tuy nhiên, không ít ý kiến khán giả cho rằng chương trình sẽ hay hơn, nếu nhà sản xuất bớt chèn quảng cáo, hoặc có cách chèn tinh tế hơn. Trong 2 ngày 1 đêm, sản phẩm từ các nhãn hàng tài trợ không chỉ được quay cận cảnh, cho hiện rõ thương hiệu, mà còn xuất hiện trong nhiều nội dung chính của chương trình. 

Tình huống Phương Anh Đào hướng dẫn bí quyết dưỡng da trong 2 ngày 1 đêm

Tình huống Phương Anh Đào hướng dẫn bí quyết dưỡng da trong 2 ngày 1 đêm

Dù kịch bản cố tạo ra các tình huống để sản phẩm xuất hiện một cách tự nhiên nhất, nhưng đáng tiếc là những gì thể hiện trên truyền hình lại cho thấy cách lồng ghép khiên cưỡng. Đến phân đoạn có quảng cáo sản phẩm, khán giả chỉ muốn chuyển kênh để bớt phải thấy nghệ sĩ đang cố tạo tình huống để giới thiệu kem dưỡng da, sữa rửa mặt, bột giặt, nước rửa tay, kem… Không chỉ giới thiệu, nghệ sĩ còn trực tiếp sử dụng sản phẩm và cùng nhau khen ngợi chất lượng.

Việc lồng sản phẩm của nhà tài trợ, quảng cáo vào chương trình thực ra là bình thường. Ngay chính trong phiên bản gốc, các nghệ sĩ Hàn Quốc cũng quảng bá sản phẩm của nhà tài trợ. Tuy nhiên, cách đưa hình ảnh, lời giới thiệu của nhà sản xuất chừng mực, tinh tế hơn. Họ không quá xoáy sâu vào sản phẩm, không tạo cảm giác rằng nghệ sĩ đang cố tương tác để lấy lòng nhãn hàng. Với các chương trình truyền hình thực tế mang tính trải nghiệm như 2 ngày 1 đêm, có khá nhiều tình huống thuận lợi để quảng bá, nhưng nếu không cẩn thận, dễ tạo tác dụng ngược, làm giảm cảm xúc hào hứng của khán giả khi xem.

Hiện tại, một số game show khác đang hoặc đã phát sóng cũng bị nhận xét thiếu tinh tế, giảm độ thu hút khi chèn logo thương hiệu quá to, thậm chí phản cảm trong chương trình. Sân khấu của cuộc thi âm nhạc Bài hát hay nhất – Big song big deal 2022, Siêu tài năng nhí, Trò chơi trời cho... đang được thiết kế với cùng một ý tưởng, đó là đặt logo chương trình với kích thước lớn, ngay ở vị trí dễ thấy nhất. Trong quá trình quay, logo này xuất hiện liên tục, gần như trong mọi khung hình đều nhìn thấy. Do đó, dù không nhắc đến, khán giả cũng đủ biết nhãn hàng nào là nhà tài trợ chính cho chương trình.  

Thương hiệu xuất hiện hoành tráng trong chương trình Siêu tài năng nhí mùa 3.

Thương hiệu xuất hiện hoành tráng trong chương trình Siêu tài năng nhí mùa 3.

Chèn hay không chèn quảng cáo trong chương trình, không phải là yếu tố quyết định chất lượng nội dung. Hiện có nhiều chương trình khá “sạch” quảng cáo, nhưng nội dung tẻ nhạt, thiếu sáng tạo. Số lượng này không ít, và đang góp phần làm giảm chất lượng của thị trường game show Việt nói chung. Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà sản xuất chương trình nhận được tỷ suất người xem cao có thể tự tin chèn quảng cáo một cách vô tội vạ, bất chấp sự phù hợp và hình ảnh của nghệ sĩ.

Ở những chương trình vốn đã có kịch bản hay, thương hiệu được yêu mến sẵn từ quốc tế, nếu có cách lồng ghép sản phẩm phù hợp, sáng tạo, thông minh, khán giả sẽ có cảm tình hơn với sản phẩm, dịch vụ. Tiết chế quảng cáo như thế nào là điều khó đối với nhà sản xuất, nhưng vẫn phải tìm ra cách làm, nếu không, tác dụng có thể là ngược lại. 

Theo Khánh An/PNO

 

 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)