Hàng ngày, chỉ cần bật truyền hình lên, từ đài truyền hình Trung ương đến các đài địa phương, khán giả có thể thấy vô số các game show truyền hình “tung hoành” trên sóng. Cách đây một vài năm, game show truyền hình là một món ăn tinh thần không thể thiếu cho khán giả xem đài với khá nhiều game show thú vị, mang tính giáo dục cao. Nhưng hiện tại, sân chơi này đang có sự phát triển rầm rộ về mặt số lượng nhưng lại không có gì mới mẻ đã khiến cho khán giả bị bội thực, không còn quan tâm nhiều.
“Chết yểu”
Có khá nhiều game show truyền hình có tuổi thọ rất lâu, được khán giả yêu thích bởi mang tính xã hội, nhân văn cao, giúp người xem có sự đồng cảm về tình tương thân tương ái cũng như thu thập được những kiến thức bổ ích cho bản thân như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Những mảnh ghép cuộc đời, Mái ấm tình thương, Câu chuyện ước mơ, Theo dòng lịch sử, Rung chuông vàng, Đấu trường 100, Đuổi hình bắt chữ… hay những game show chỉ đơn thuần mang tính chất giải trí nhưng khá thú vị và hấp dẫn như Chiếc nón kỳ kiệu, Tam sao thất bản, Nốt nhạc vui… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều game show bị “chết yểu” do nội dung không thu hút được sự chú ý của khán giả, format chương trình không mới mẻ và nhất là sự rút lui của các nhà tài trợ. Thế giới vui nhộn là một thí dụ. Những trò chơi trong game show này có “vui nhộn” nhưng lại quá nhố nhăng, không phù hợp với cách làm, cách nghĩ của người dân Việt Nam, đã vậy các ca sĩ – nghệ sĩ là những người chơi chính giống như đang làm hề cho khán giả của mình. Ba MC của chương trình này lại quá phản cảm từ cách ăn mặc cho đến cách dẫn dắt chương trình nên xuất hiện trong một thời gian ngắn, game show này đành nói lời từ biệt khán giả. Hay game show Tìm người bí ẩn với cách chơi cũng rất vô lý, khán giả được quyền “quyết định tối cao” khi bấm bàn phím loại bất kỳ người chơi nào ra khỏi cuộc chơi mà họ cảm thấy… không có cảm tình. Game show này từng bị báo chí chỉ trích khá nhiều nên cũng đã rút lui không có sự tiếc nuối nào. Tương tự Ai là ai cũng đã “lên đường sớm” bởi không thuyết phục được khán giả xem đài qua những phần chơi đầy rẫy sự bất thường, không thú vị. Các game show khác như Nhịp sống sôi động, Chinh phục thời gian, Thử thách, Kim Tự Tháp… sau một thời gian lên sóng cũng đã âm thầm ra đi vì khiến khán giả nhàm chán bởi quá nhạt nhẽo, không có sự làm mới kịp thời. Tiếc nhất là hai game show Rồng vàng và Chuyện nhỏ, cách làm khá hay và thu hút được sự yêu thích của khán giả nhưng cũng chẳng duy trì được lâu, chẳng biết do nhà tài trợ không tiếp tục đồng hành hay do những người sản xuất đã hết “chiêu” nên đành phải chịu “bó tay”?
Ngày càng đi vào lối mòn, đuối sức
Với hàng trăm game show đủ các đề tài, thể loại như hiện nay càng khiến cho khán giả hoang mang vì không biết phải trung thành hay “dừng chân” với game show nào là thích hợp nhất. Với một vài game show như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Những mảnh ghép cuộc đời…, khán giả phải rơi nước mắt trước những mảnh đời bất hạnh, vượt lên số phận để khẳng định mình là người có ích cho xã hội. Dù vẫn từng ấy những nhân vật, những câu chuyện nhưng qua cách làm, cách dẫn chuyện sáng tạo vẫn khiến khán giả cảm thấy luôn luôn mới, luôn luôn hấp dẫn… Còn lại, hầu hết các game show đều bị đi vào lối mòn, nhàm chán, sự duy trì của nó chẳng qua vì có nguồn tài trợ cao, quảng cáo nhiều.
Game show Chung sức ngày càng đuối sức thấy rõ. Vẫn những phần chơi rất cũ, đôi khi rất vô lý không thể chấp nhận được. MC cũng không có một chút gì làm mới mình, ngày càng xuống phong độ. Những câu hỏi thuộc về kiến thức “chơi chơi” của game show này đôi khi cứ lặp đi lặp lại, chỉ có người chơi là mới. Suốt nhiều năm dài với một chương trình, những người thực hiện không bị “đuối” mới là chuyện lạ! Khán giả thích thì bật lên xem, không thích thì bật qua kênh khác. Miễn phải bàn luận vì chẳng có thể làm thay đổi được gì. Hay như Hội ngộ bất ngờ, tiêu chí là giúp khán giả xem đài tìm lại kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam cũng như những làn điệu dân ca, trò chơi dân gian. Phần hấp dẫn nhất của game show này chính là Thử tài biểu diễn – ca sĩ hát một đoạn ca khúc được chuẩn bị trước, người chơi sẽ trình bày lại với những sáng tạo bất ngờ để khán giả tại phim trường chấm điểm. Thời gian đầu, các ca sĩ còn trình bày các ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình khá phù hợp với chương trình. Nhưng thời gian sau này, để “làm mới”, những người thực hiện đã cho các ca sĩ hát những ca khúc nhạc trẻ đang hot, có phần minh họa múa sinh động nhằm mục đích thu hút khán giả tuổi teen. Điều này vô tình đã “phá hỏng” những ý tưởng vốn mang đậm tính chất dân gian của chương trình. Hát với ngôi sao thì ngày càng khiến cho khán giả khó chịu, bởi quanh đi quẩn lại chỉ có ngần ấy các ngôi sao, có ngôi sao lại xuất hiện đến vài lần. Thời gian gần đây, game show này lại mời những tên tuổi “lạ huơ lạ hoắc” tham gia, làm sao khán giả có thể chấp nhận khi tên của chương trình rành rành là Hát với ngôi sao???
Những game show mới xuất hiện gần đây như Nào ta cùng hát, Khuấy động nhịp đam mê, Ngôi sao của bạn, Cầu vồng nghệ thuật… cũng không có gì đặc biệt, na ná như nhau từ người chơi cho đến hình thức nội dung. Khán giả ngao ngán vì cứ ngỡ như đó là những đôi song sinh.
SONG MINH
Có thể nói, thời gian này quả là “thời” của game show. Các game show cứ ồ ạt ra đời với tốc độ chóng mặt, ồ ạt lấy tài trợ, ồ ạt lấy quảng cáo còn khán giả ai nhớ, ai quên, mặc ai??! |
Bình luận (0)