- 1 Gameshow giáo dục về giao thông cho sinh viên
Chương trình gameshow tìm hiểu về an toàn giao thông với chủ đề “Uống 0 lái” đã thu hút hàng ngàn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM tham gia. Chương trình nhằm giảm tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên vi phạm quy định nồng độ cồn, qua đó lan tỏa, hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”.

Tuyên truyền một cách trực quan
Mở đầu chương trình, sinh viên đã được khởi động qua minigame với tên gọi “Hỏi nhanh – Đáp nhanh” với 3 vòng chơi liên quan đến kiến thức về an toàn giao thông. Mỗi vòng trên màn hình hiển thị các thử thách và nhiệm vụ các đội phải tìm ra câu trả lời. Đội chiến thắng đã nhận được phần quà đặc biệt.
Tiếp theo, các em được xem video mô phỏng tình huống giao thông. Đoạn video này được thực hiện dựa trên những tình huống giao thông, vụ án vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đã được xét xử, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Sau khi xem xong, các em sinh viên đã cùng nhau tương tác trả lời các câu hỏi từ Ban Tổ chức. Song song với phần trả lời, tổ chuyên gia gồm các đồng chí đến từ các đơn vị chuyên môn, chuyên trách như CSGT, thẩm phán tòa án nhân dân, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật giải đáp kỹ hơn về các tình huống pháp lý có trong video và chọn ra “người chơi” có câu trả lời hợp lý, chính xác nhất với mỗi câu trả lời đúng được nhận quà của chương trình.
Với câu hỏi giả định, Nguyễn Văn Tiến là học sinh, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô tham gia giao thông nhưng vẫn được giao xe, điều khiển phương tiện và gây tai nạn chết 1 người. Theo bạn, người giao xe cho Tiến sẽ bị xử lý như thế nào?
Một sinh viên đã đưa ra câu trả lời đúng là: Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào giao phương tiện giao thông cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, người giao phương tiện giao thông có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu người gây tai nạn vi phạm một trong các lỗi sau: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Tiếp theo, sinh viên thảo luận về phiên tòa giả định thông qua gameshow cùng khách mời và chuyên gia. Những kiến thức mà khách mời, chuyên gia cung cấp đã giúp sinh viên có cái nhìn cụ thể hơn về Luật Giao thông cũng như những quy định khi tham gia giao thông.
Thay đổi tư duy, hành vi
Ông Lê Kim Thành – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, chương trình “Uống 0 lái” giúp các em sinh viên, đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nhà trường nâng cao nhận thức pháp luật. Qua đó góp phần thay đổi tư duy, hành vi của mỗi cá nhân, hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh, bền vững.
TS. Huỳnh Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết: “Chương trình tìm hiểu về an toàn giao thông với chủ đề “Uống 0 lái” rất ý nghĩa. Chúng tôi mong muốn phối hợp nhiều hơn để triển khai các chương trình như thế, góp phần thực hiện tốt việc chấp hành pháp luật về giao thông”. |
“Mô hình phiên tòa giả định được tổ chức là một phương pháp sáng tạo và hiệu quả, giúp các bạn sinh viên, đoàn viên, thanh niên tiếp cận kiến thức pháp luật một cách trực quan, sinh động”, ông Thành đánh giá.
Theo ông Thành, thay vì chỉ tiếp thu thông tin thuần túy một chiều, qua sách hay các bài thuyết trình, các bạn trẻ có cơ hội quan sát, phân tích một phiên tòa được tái hiện chân thực. Ở đó các em được trực tiếp tương tác, được nghe luận giải từ tổ chuyên gia, từ đó hiểu rõ hơn về hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với sự an toàn của bản thân và cộng đồng.
“An toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành kêu gọi sinh viên, đoàn viên, thanh niên, những đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ, tầng lớp trí thức và tinh hoa của đất nước hãy tiên phong, gương mẫu, thể hiện trách nhiệm của mình. Điều này không chỉ thể hiện bằng việc chấp hành nghiêm, mà còn bằng cách lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đến gia đình, bạn bè và cộng đồng “Đã uống rượu bia – Không lái xe”. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về nhận thức, góp phần thay đổi hành vi, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
TS.Huỳnh Ngọc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ, nhà trường hiện có 4 cơ sở, điều kiện giao thông phức tạp. Do đó, thời gian qua, nhà trường chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, Công an TP.HCM tuyên truyền Luật Giao thông đến sinh viên nhà trường.
“Chương trình tìm hiểu về an toàn giao thông với chủ đề “Uống 0 lái” rất ý nghĩa. Chúng tôi mong muốn phối hợp nhiều hơn để triển khai các chương trình như thế, góp phần thực hiện tốt việc chấp hành pháp luật về giao thông, TS. Ngọc Anh bày tỏ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)