Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gần 100.000 thí sinh TP.HCM làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 25-6, gần 100.000 thí sinh TP.HCM đã làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại 171 điểm thi.

Năm nay, kỳ thi tại TP.HCM có quy mô lớn với 99.578 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 8.891 thí sinh so với năm trước. Trong đó, 97.940 thí sinh dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 1.638 thí sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đặc biệt, số lượng thí sinh tự do tăng 5.000 so với năm trước, đặt ra những thách thức mới trong công tác tổ chức.

Để đáp ứng quy mô này, thành phố đã bố trí 171 điểm thi với tổng cộng 4.242 phòng thi được phân bố hợp lý trên toàn địa bàn. Cụ thể, 168 điểm thi với 4.180 phòng thi dành cho thí sinh theo chương trình 2018 và 3 điểm thi với 62 phòng thi cho thí sinh theo chương trình 2006. Mỗi điểm thi đều được bố trí 3 phòng dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh.

Trong buổi làm thủ tục dự thi, thí sinh được cán bộ coi thi sinh hoạt quy chế thi và đính chính các thông tin dự thi nếu có sai sót.

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), thầy Nguyễn Minh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – Trưởng điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết, điểm thi có 25 phòng thi với 600 thí sinh dự thi. Ngoài 2 môn bắt buộc là toán, văn, điểm thi có 6 môn thi tự chọn là lịch sử, hóa học, vật lý, sinh học, địa lý và tiếng Anh.

Đối với môn toán, ngữ văn có 600 thí sinh dự thi; riêng các môn tự chọn thì số liệu dự thi theo từng môn khác nhau, trong đó ca 1 là 582 thí sinh; ca 2 là 583 thí sinh. Sinh học có số thí sinh dự thi đông nhất, với 249 thí sinh; tiếng Anh là môn có thí sinh dự thi ít nhất – chỉ với 1 thí sinh.

Điểm thi bố trí 2 phòng chờ vào, 2 phòng chờ ra và 3 phòng dự phòng, đảm bảo đúng nguyên tắc tổ chức.

Song song đó, điểm thi bố trí khu vực riêng bảo quản đồ cá nhân của thí sinh tham gia dự thi.

Theo thầy Minh, năm nay là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018 nên công tác tổ chức thi, quy chế thi có nhiều điểm khác so với các năm trước.

Trong ngày thi đầu tiên (26-6) với môn toán và ngữ văn thì công tác tổ chức không thay đổi, song ngày thi 27-6 với các môn tự chọn thì công tác tổ chức có nhiều điểm khác, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt là phân tích đặc thù của từng phòng thi môn tự chọn để cán bộ làm công tác coi thi nắm rõ, nắm chắc, thực hiện đúng, đảm bảo kỳ thi tổ chức nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh.

“Theo Chương trình GDPT 2018, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc văn, toán và 2 môn tự chọn. Do đó trong ngày thi thứ 2, sẽ có phòng thi thí sinh dự thi ca 1 mà không tham gia thi ca 2; có phòng thi thí sinh thi ca 2 nhưng không thi ca 1; có phòng thi trong phòng chỉ có 1 môn lựa chọn nhưng có phòng thi lại có tới 2, 3 môn lựa chọn. Nghiệp vụ coi thi đặc thù này được điểm thi sinh hoạt, phổ biến, quán triệt đặc biệt kỹ với cán bộ coi thi, để đảm bao tổ chức đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi thí sinh” – thầy Nguyễn Minh nói.

Một số hình ảnh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền chiều 25-6:

Yến Hoa

Bình luận (0)