Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gần 1/3 chợ truyền thống ở TPHCM đóng cửa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các chợ truyền thống TPHCM sau khi đóng cửa chỉ được phép hoạt động trở lại khi đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 30/6, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết tính đến ngày 29/6, TPHCM có 70/234 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố phải tạm ngưng hoạt động do có trường hợp liên quan ca nhiễm COVID-19 hoặc chợ không đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

“Trong quá trình thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 10 của UBND TPHCM, chợ truyền thống nào không chấp hành nghiêm chỉnh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì cơ quan chức năng địa phương sẽ tạm ngưng hoạt động chợ và chỉ cho phép chợ mở lại sau khi đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19”, ông Vũ nói.

Đối với các chợ đầu mối, Sở Công thương TPHCM yêu cầu thương nhân phải ghi lại nhật ký bán hàng để khi phát hiện ca nhiễm COVID-19, cơ quan chức năng có nguồn dữ liệu để truy vết. Sở cũng yêu cầu chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) chủ động giảm 400 sạp kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu.Thương nhân tại chợ cũng đồng thuận để đảm bảo không gian trong chợ giãn cách rộng, giảm tiếp xúc gần giữa các khách hàng với nhau và người bán – người mua.

Còn đối với chợ truyền thống thì số lượng khách đến chợ đông nên Sở chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc tiểu thương phải ghi nhật ký bán hàng. Bên cạnh đó, Sở khuyến khích các chợ đầu mối thực hiện quét mã QR code theo từng khu vực để việc kiểm soát chặt chẽ hơn…

Ở kênh bán hàng hiện đại, Sở khuyến khích các cửa hàng tiện lợi tăng cường lực lượng nhân viên phục vụ cho khách xếp hàng mua hàng từ bên ngoài, hạn chế lượng khách vào khu vực bên trong không gian hẹp, máy lạnh nguy cơ lây nhiễm dịch cao. Cách bán hàng này cộng với việc tách biệt từng nhóm nhân viên phục vụ riêng ở khu vực bên trong và bên ngoài cửa hàng cũng sẽ hạn chế nguy cơ có ca nhiễm COVID-19 phải phong tỏa cả cửa hàng.

Nhiều chợ truyền thống TPHCM phải phân luồng để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều chợ truyền thống TPHCM phải phân luồng để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Sở Công thương TPHCM, mặc dù chợ đầu mối Hóc Môn đã ngưng hoạt động nhưng hiện chợ này đã chủ động điều tiết lượng heo về lò giết mổ Xuân Thới Thượng để cung cấp hàng cho thương nhân lấy sỉ khoảng 900 con/đêm, trọng lượng tương đương 67.5 tấn. Bên cạnh đó, mặt hàng rau củ quả khoảng 300 tấn gồm bí, khoai lang do tiểu thương nhập về các kho xung quanh chợ để cung cấp ra thị trường.

Sức mua tại các chợ truyền thống so với ngày thường (trước dịch) hiện giảm 30% – 60%, trong đó ngành hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm giảm 20% – 30%, ngành hàng khác ngưng kinh doanh. Tại hệ thống siêu thị, mãi lực tăng 25% – 30% so với ngày thường.

Theo Sở Công thương TPHCM, Sở tiếp tục phối hợp Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp phép lưu thông liên tục trên địa bàn TP; tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện… đảm bảo luân chuyển hàng hóa trong điều kiện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tạm đóng cửa.

Đồng thời, Sở đề nghị các hệ thống phân phối làm tốt vai trò cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân trên địa bàn, đảm bảo liên tục, xuyên suốt.

Hiện, nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu như: rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị chủ lực của TP với số lượng khá nhiều, giá cả được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định.

Sở Công thương TPHCM tiếp tục theo dõi tình hình doanh thu, mãi lực tại các hệ thống phân phối, đặc biệt tại các địa bàn có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp. Trường hợp xảy ra biến động hàng hóa, tổ chức triển khai phương án xử lý kịp thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân tại địa phương.

Liên quan việc cung ứng hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh vào TPHCM đang bị gián đoạn do quy định của tỉnh này sẽ cách ly người đi lại giữa TPHCM và Tây Ninh, ông Vũ cho biết, trong sáng nay (30/6) Sở đã làm việc với tỉnh Tây Ninh để khảo sát, tạo ra “vùng đệm” giáp ranh giữa TPHCM và Tây Ninh để chuyển hàng hóa giao thương thuận lợi giữa hai địa phương, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Cụ thể, tài xế chở hàng đến “vùng đệm” này sẽ thực hiện khử khuẩn xe và quay đầu lại, tài xế bên phía còn lại sẽ nhận hàng và vận chuyển tiếp.

Theo Nguyễn Cẩm/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)