Tháng 6-2024, TP.HCM sẽ thí điểm triển khai học bạ số với gần 132.719 học sinh lớp 1 toàn thành phố năm học 2023-2024. Đến năm học 2024-2025, học bạ số sẽ được TP.HCM “chạy” hết ở cấp tiểu học.
Gần 133.000 học sinh lớp 1 TP.HCM năm học 2023 -2024 sẽ được thí điểm học bạ số
Thông tin được ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại hội nghị thí điểm học bạ số và xây dựng, khai thác kho học liệu số cấp tiểu học ngày 16-4.
Cụ thể, ông Quốc cho biết, tháng 6-2024, TP.HCM sẽ bắt đầu thí điểm nhập và khởi tạo học bạ số đối với toàn bộ học sinh lớp 1 năm học 2023-2024. Đến năm học 2024-2025, học bạ số sẽ được “chạy” hết ở cấp tiểu học.
Theo ông Quốc, việc thí điểm với khối 1 nhằm rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho việc triển khai đại trà ở cấp tiểu học trong năm học tới. Các nhà trường cần thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng, công tác bảo mật thông tin, rà soát hạ tầng mạng, trang thiết bị, trang bị chữ ký số… để tham gia triển khai học bạ số.
“Học bạ số là thành phần quan trọng trong đồng bộ chuyển đổi số giáo dục trong nhà trường. Giúp thuận lợi và linh hoạt trong chuyển trường cũng như xác nhận, chứng thực kết quả học tập cũng như giúp công tác quản lý được đồng bộ, thống nhất và kết nối với cơ sở dữ liệu cá nhân quốc gia…” – ông Quốc đánh giá.
TP.HCM sẽ sử dụng mã định danh học sinh là mã định danh học bạ số
Thông tin thêm, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM đã sẵn sàng từ phần mềm, các giải pháp để thí điểm triển khai học bạ số cho học sinh lớp 1 năm học 2023-2024. Để triển khai học bạ số, TP.HCM đã có quá trình nghiên cứu trong 2 năm nay, UBND TP cũng đã giao cho Sở GD-ĐT triển khai nội dung này khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Theo báo cáo của các phòng giáo dục, tới tháng 12-2023, tất cả giáo viên đều đã có chữ ký số.
“Khó khăn nhất của TP.HCM khi triển khai học bạ số đó là giáo viên chưa quen sử dụng chữ ký số trên hệ thống. Hầu hết vẫn còn lăn tăn, chưa hiểu rõ về chữ ký số để sử dụng trong công vụ hay chữ ký số cá nhân. Tới đây Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư để triển khai học bạ số, trước khi có thông tư này thì chậm nhất đến ngày 20-5, Sở GD-ĐT TP sẽ ban hành quy chế tạm thời triển khai học bạ số trên địa bàn TP.HCM, nhằm đảm bảo đầy đủ tính pháp lý khi triển khai thí điểm, giúp thầy cô an tâm triển khai…”- ông Minh nói.
Ngoài ra, cho biết Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ phối hợp với các phòng giáo dục và các đơn vị triển khai tập huấn đến tận tay giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớp 1, liên quan đến việc sử dụng chữ ký số, các thao tác ký trong học bạ.
Sử dụng mã định danh học sinh là mã định danh học bạ số
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, TP.HCM sẽ sử dụng mã định danh học sinh để định danh học bạ số cho từng học sinh.
Cơ sở dữ liệu học bạ số do Sở GD-ĐT quản lý cho phép tiếp nhận học bạ từ các nhà trường, cho phép nhà trường thu hồi hoặc báo cáo thay thế học bạ số trong thời gian chưa chốt dữ liệu học bạ. Do đó, học bạ số chỉ có thể được sửa chữa nếu có sai sót trước ngày chốt dữ liệu. Kể từ thời điểm chốt dữ liệu, học bạ số được xem là có hiệu lực sử dụng và không thể sửa, thay đổi được nội dung. Đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về thông tin học bạ thuộc về nhà trường nơi phát hành học bạ.
Ông Hồ Tấn Minh khẳng định, TP.HCM không độc quyền cho đơn vị nào khi triển khai học bạ số
“Trước đây với học bạ giấy thì kết thúc một bậc học hoặc khi chuyển trường phụ huynh mới được biết về toàn bộ quá trình, kết quả học tập của con cũng như những đánh giá, nhận xét của giáo viên. Đối với học bạ số, kể từ thời điểm triển khai, phụ huynh có quyền tra cứu kết quả học tập của con em mình trong năm học, từ đó phối hợp với nhà trường cùng giáo dục các em. Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cũng cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD-ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể” – ông Minh phân tích.
Đồng thời khẳng định, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ không độc quyền cho một đơn vị nào triển khai học bạ số mà chỉ đưa ra nội dung, đơn vị đáp ứng yêu cầu. Các trường chủ động lựa chọn đơn vị triển khai phù hợp. Ông đề nghị các đơn vị khi triển khai học bạ số phải có giao diện thân thiện, dễ dàng cho nhà trường, giáo viên thao tác… Nhà trường có trách nhiệm tập huấn, đổi mới tư duy cho thầy cô, cùng tương tác trên môi trường số, tạo kênh đồng thuận của phụ huynh học sinh. Mỗi trường phải có hệ thống, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin của đơn vị.
Phụ huynh có mất tiền khi sử dụng học bạ số?
Theo Bộ GD-ĐT, học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.
Học bạ số bao gồm các thông tin cá nhân của học sinh và kết quả học tập rèn luyện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, học bạ số được bổ sung các trường thông tin không có trong học bạ giấy như: mã số tra cứu học bạ, mã số định danh, ngày hiệu lực của học bạ số.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tùy theo giải pháp bảo trì, bảo lưu, lưu trữ học bạ số có thể cần đến các giải pháp xã hội hóa hoặc là tính toán đến tính năng nào đó của học bạ số cần xã hội hóa. Còn cơ bản, học bạ số là được miễn phí.
Yến Hoa
Bình luận (0)