Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Gần 2.000 học sinh Long An được “tiếp sức”

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Trần Thanh Thưởng trao đổi thông tin với học sinh Trường THPT Tân An

Trong hai ngày 2 và 3-3, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 8 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tiếp tục đến tỉnh Long An tư vấn cho gần 2.000 học sinh các trường: THPT Tân An, THPT Thủ Thừa, THPT Đức Hòa và THPT Võ Văn Tần.

Nghịch lý năng lực và giấc mơ của cha mẹ

“Việc tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp như thế này sẽ giúp học sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi, góp phần quyết định con đường tương lai của các em”, cô Huỳnh Thị Bích Châu nói.

Cô Trần Thị Bửu Luật (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thừa) nhìn nhận, trong chương trình tư vấn, rất nhiều học sinh đã chủ động đặt câu hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, số học sinh chủ động này chỉ chiếm 1/3 học sinh toàn khối 12, là những em học khá và đã có định hướng cụ thể về ngành nghề. Trong khi đó, số học sinh còn lại phần lớn đều chưa xác định được năng lực bản thân, ngành nghề mình sẽ chọn sau này. Thông thường, các em sẽ chọn nghề theo số đông hoặc đi theo định hướng của cha mẹ chứ chưa mạnh dạn lựa chọn theo chính kiến của bản thân. Đây cũng là vấn đề khiến nhà trường đau đầu trong nhiều năm qua.

Cô Trần Thị Bửu Luật (trái) đang trao đổi với bà Lê Ý Cơ (Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) về hiệu ứng từ chương trình tư vấn

Chương trình tư vấn quy mô lớn đầu tiên tổ chức tại trường

Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Bửu Luật (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thừa) cho biết từ tháng 1, một số trường ĐH, CĐ đã lần lượt xuống trường tiếp cận với học sinh trong giờ chào cờ đầu tuần. Tuy nhiên, do lượng thời gian quá ít nên thông tin trao đổi với các em không được nhiều. “Chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức là chương trình có quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại trường. Đây cũng là lần đầu tiên, các em học sinh lớp 12 của trường được tiếp cận với Ban tư vấn là các chuyên gia giàu kinh nghiệm và tâm huyết đến từ Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ uy tín”, cô Luật nói.

“Trong số những em chọn ngành theo định hướng của phụ huynh, có rất nhiều em có lực học chỉ đạt trung bình, trung bình khá. Trong khi phụ huynh có tâm lý muốn con mình “làm thầy” chứ không thể “làm thợ” nên chỉ muốn con mình vào ĐH. Vô tình phụ huynh đã tạo ra một áp lực cho chính con mình khi năng lực của các em không đủ để vào ĐH hoặc có vào được thì cũng rất chật vật để theo học. Trong những năm qua, dù nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp như phân loại học sinh sau mỗi học kỳ, để giáo viên chủ nhiệm phân tích khả năng của nhóm học sinh này trong các buổi họp phụ huynh, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong các giờ sinh hoạt chủ nhiệm…, nhưng đây chỉ là những giải pháp mang tính định hướng chứ không thể thay đổi suy nghĩ của phụ huynh trong một sớm một chiều. Thông qua chương trình tư vấn có quy mô lớn như thế này, tôi hi vọng các em có thể nhìn nhận lại bản thân mình để đưa ra những lựa chọn phù hợp”, cô Luật trải lòng.

Trong khi đó, tại Trường THPT Tân An, cô Huỳnh Thị Bích Châu (Phó Hiệu trưởng trường) cho biết năm 2015, trường có 70% học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, những thông tin về kỳ thi 2016 vẫn còn rất mới mẻ với nhiều học sinh lớp 12 năm nay. “Với những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016, việc tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp như thế này sẽ giúp học sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi, góp phần quyết định con đường tương lai của các em. Những tâm tư, nguyện vọng liên quan đến chủ trương, quy định của Bộ GD-ĐT về mùa tuyển sinh 2016 hay những thắc mắc về ngành nghề, nhóm ngành được đào tạo tại các trường; cơ hội việc làm sau khi ra trường đã được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ, qua đó giúp các em lựa chọn ngành học, trường học phù hợp để phát huy tốt năng lực, sở trường của mình”, cô Châu chia sẻ.

Học sư phạm kỹ thuật: Cơ hội việc làm tăng gấp 3

Tại các buổi tư vấn, hầu hết những câu hỏi của học sinh đều tập trung vào những nhóm ngành sư phạm và kỹ thuật. Em Huỳnh Trọng Phước (học lớp 12/2 Trường THPT Tân An) bày tỏ: “Em có ý định nộp hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhưng không nắm rõ sự khác biệt giữa các ngành thuộc khối công nghệ và sư phạm. Năm nay, trường còn tuyển sinh khối ngành sư phạm hay không?”. TS. Trần Thanh Thưởng (Phó Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) giải thích: Năm 2016, trường tuyển sinh 28 ngành (thuộc 2 hệ đào tạo: chương trình đại trà (28 ngành) và chương trình chất lượng cao (18 ngành), xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, có 4.000 chỉ tiêu không sư phạm với nhóm ngành kỹ sư công nghệ, cử nhân kinh tế (kế toán, quản lý công nghiệp, thương mại điện tử, ngôn ngữ Anh) và 400 chỉ tiêu sư phạm (1 chương trình sư phạm tiếng Anh và 12 chương trình sư phạm kỹ thuật).

Chính sách vay vốn cho học sinh, sinh viên được áp dụng đến 2020

Tại Trường THPT Tân An, em Lê Thái Hiển (học lớp 12A1) hỏi: “Em nghe nói chính sách vay vốn cho học sinh, sinh viên thuộc diện nghèo của Nhà nước sắp kết thúc. Nếu em trúng tuyển vào trường ĐH, CĐ, em có còn cơ hội được vay vốn này không?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Trà Thanh Trung (Phó Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM) khẳng định: Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, chính sách vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2020, với lãi suất từ 0,5 đến 0,65%/ năm. Như vậy, nếu em nằm trong diện theo quy định của Nhà nước thì hoàn toàn có thể làm thủ tục vay vốn. Sau khi làm hồ sơ nhập học, em có thể liên hệ phòng công tác học sinh, sinh viên của trường để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết.

L.Vy (ghi)

Ông Thưởng cho biết thêm, điểm khác nhau ở 2 chương trình không sư phạm và sư phạm là: Chương trình không sư phạm và sư phạm tiếng Anh học 4 năm, 12 chương trình sư phạm kỹ thuật học 4,5 năm. Sinh viên tất cả các ngành sư phạm đều được miễn 100% học phí. Trừ ngành sư phạm tiếng Anh phải đăng ký ngay từ đầu, các em muốn vào 12 ngành sư phạm trước hết phải đậu vào các ngành công nghệ. Sau khi nhập học một tháng, trường sẽ tổ chức tuyển chọn vào hệ sư phạm kỹ thuật. Các sinh viên hệ sư phạm kỹ thuật khi tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng kỹ sư và chứng chỉ sư phạm bậc 2. Cơ hội việc làm sẽ tăng lên gấp 3 vì các em có thể làm kỹ sư ở công ty, phụ trách đào tạo ở các doanh nghiệp hoặc dạy ở các trường ĐH, CĐ, TCCN. Các sinh viên hệ kỹ sư công nghệ cũng có thể lấy thêm chứng chỉ sư phạm bằng cách đăng ký học các tín chỉ sư phạm trong học kỳ hè hoặc buổi tối.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)