Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gần 2.000 học sinh ngoại thành được tư vấn tuyển sinh, phân luồng

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 2.000 học sinh lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn Q.12, huyện Hóc Môn tiếp tục được tư vấn tuyển sinh, phân luồng sau THCS. Sáng 10-4, tại Trường THCS- THPT Trần Cao Vân (Q.12) đã diễn ra Ngày hội “Tuyển sinh, Hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2021. Ngày hội do Tạp chí Giáo dục TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của nhiều trường TC, CĐ trên địa bàn TP, thu hút gần 2.000 học sinh lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn Q.12, huyện Hóc Môn tham gia.


Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.12 phát biểu tại Ngày hội

Hoạt động nằm trong nỗ lực phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS được Tạp chí Giáo dục TP.HCM bền bỉ thực hiện suốt 6 năm qua. Không chỉ cung cấp kịp thời đến học sinh lớp 9 những thông tin chính xác về kỳ thi tuyển sinh 10 tại TP.HCM năm 2021, Ngày hội còn là cầu nối đưa các trường THPT ngoài công lập, TC, CĐ trên địa bàn TP đến gần với học sinh, phụ huynh khối 9, từ đó giúp học sinh phụ huynh chọn được các hướng đi sau THCS phù hợp nhất, từng bước giúp công tác phân luồng tại TP.HCM đạt hiệu quả cao theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Ông Trần Văn Mạnh, Đại diện Tạp chí Giáo dục TP.HCM tặng hoa cho các chuyên gia tư vấn

Phát biểu tại Ngày hội, ông Khưu Mạnh Hùng- Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 đánh giá cao ý nghĩa, tinh thần của Ngày hội khi hỗ trợ học sinh giải đáp được những băn khoăn, lo lắng về kỳ thi tuyển sinh 10 sắp tới, giúp các em xác định được đúng đắn các hướng đi tương lai của mình. “Trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động hướng nghiệp, phân luồng được thực hiện thường xuyên, liên tục qua các môn học, các hoạt động giáo dục. Qua Ngày hội này là cách thức giúp công tác phân luồng, hướng nghiệp ở các đơn vị được thực hiện một cách sâu xát, có hiệu quả. Điều quan trọng là giúp thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh, hiểu được rằng lao động trong lĩnh vực nào cũng là cần thiết, được tôn trọng và đãi ngộ xứng đáng nếu như có tay nghề và làm việc hết mình trách nhiệm”.

Thấu đáo trong đặt nguyện vọng

Thông tin chi tiết đến học sinh về kỳ thi tuyển sinh 10 tại TP.HCM năm 2021, TS. Nguyễn Đặng An Long- Chánh văn phòng Đảng uỷ, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm 2021 kỳ thi cơ bản vẫn giữ tính ổn định, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng trường THPT. Với thí sinh thi chuyên, ngoài 3 nguyện vọng trường thường, thí sinh còn được đăng ký 4 nguyện vọng chuyên. Các nguyện vọng được tính theo thứ tự ưu tiên.


TS. Nguyễn Đặng An Long, Chánh văn phòng Đảng uỷ, Sở GD-ĐT TP.HCM tư vấn cho học sinh trong Ngày hội

“Thay đổi lớn nhất của kỳ thi năm nay là thay đổi hệ số ở hai môn thi Ngữ văn và Toán, đưa cả 3 môn thi đều được tính theo hệ số 1. Số câu hỏi trong đề thi Tiếng Anh cũng tăng từ 36 lên 40 câu, thời gian làm bài thi môn Tiếng Anh được tăng từ 60 phút lên 90 phút. Với những thay đổi này, thí sinh cần chú ý xây dựng cách thức học tập khoa học, học đều ở cả 3 môn thi. Đồng thời, khi đặt nguyện vọng, các em cũng cần chú ý, suy nghĩ thấu đáo, lựa chọn trường phù hợp với năng lực học tập của mình, phù hợp với điều kiện di chuyển, không nên chọn trường quá xa nhà”.

Ngoài việc tham gia kỳ thi tuyển sinh 10 TP.HCM tới đây, TS. Nguyễn Đặng An Long cũng cho hay, phụ huynh học sinh có thể lựa chọn các hướng rẽ khác sau THCS như: học THPT ngoài công lập, học trung tâm GDNN-GDTX, GDTX, học TC, CĐ, miễn sao phù hợp với năng lực học tập của con em mình.

Nhìn từ góc độ chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn- Nguyên Phó Giám đốc, Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM khẳng định, nền tảng của nguồn nhân lực chất lượng cao là văn hóa và nghề nghiệp. Dù lựa chọn con đường, hướng rẽ nào sau THCS đều phải chú trọng đến yếu tố hoà nhập được với thị trường lao động. Với những học sinh có nhu cầu rẽ sang học nghề, chuyên gia này cho hay, người học có thể tham khảo các nhóm ngành về công nghệ kỹ thuật, xây dựng, thiết kế, du lịch nhà hàng khách sạn, kinh doanh thương mại, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ nông nghiệp, văn hoá nghệ thuật… bởi đây là những nhóm ngành nghề đang rất “khát” nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0.


Học sinh đặt câu hỏi trong Ngày hội

Liên quan đến câu chuyện làm sao để ổn định tâm lý trước kỳ thi, TS. Bác sĩ Vũ Thiện Toàn chia sẻ, nhiều học sinh cho rằng bản thân đã ôn bài kỹ nhưng bước vào phòng thi vẫn hồi hộp, lo lắng. Trên thực tế, tâm lý bất an thường đến từ việc học tủ, học không chắc kiến thức hoặc bất an về lựa chọn nguyện vọng của mình. “Để hạn chế những bất an thì không gì khác ngay từ lộ trình trước đó các em đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự phù hợp, phù hợp từ việc chọn nguyện vọng cho đến phù hợp về phương thức học tập…”.

Theo TS. Toàn, kỳ thi tuyển sinh 10 THPT công lập là một kỳ thi mang tính cạnh tranh cao, vì thế học sinh phải hết sức cân nhắc khi đặt nguyện vọng. Ngoài điểm số phù hợp, học sinh cũng cần phải chú ý trường học phù hợp với lộ trình, cự ly di chuyển để có khả năng theo học. Nếu lựa chọn học trường THPT ngoài công lập thì cần nghiên cứu môi trường học tập phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình. “Để bước vào kỳ thi một cách tự tin nhất, việc ôn thi các em cũng phải đảm bảo sức khoẻ, không nên thức quá khuya để học bài. Các em cần phải có một chiến lược học tập khoa học, phù hợp, trước hết chú trọng học những kiến thức giáo viên đã trang bị, việc học thêm phải có sự cân đối, tiết chế, không nên quá ôm đồm. Trong khoảng thời gian ôn thi nên hạn chế việc lướt web, xem phim, lên facebook, tập trung cho việc học…”.

Sau việc học vẫn là việc làm…

Đứng trước nhiều ngã rẽ sau THCS, các chuyên gia tư vấn nhấn mạnh rằng, dù chọn hướng rẽ nào thì sau việc học vẫn là việc làm. Điều quan trọng hướng tới vẫn là chọn được công việc phù hợp với năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội.

“Để tìm được hướng đi phù hợp, các em nên cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến của gia đình, thầy cô giáo, nhìn nhận thật rõ về năng lực, sở thích của bản thân. Tuy nhiên, dù lựa chọn hướng đi nào, học tiếp lên THPT hay rẽ sang TC, CĐ thì các em cũng phải học một cách nghiêm túc. Có việc làm hay không không phụ thuộc vào việc các em rẽ hướng đi nào. Thực tế, nhà tuyển dụng luôn thiếu nhân lực song nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Hãy chọn và học thế nào để phù hợp với yêu cầu của nguồn nhân lực”, ThS. Võ Công Trí- Phó Giám đốc Tuyển sinh truyền thông, Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn chỉ rõ.


Đông đảo học sinh lớp 9 tại Q.12, huyện Hóc Môn tham gia trong Ngày hội

Với hướng rẽ học TC, CĐ, các chuyên gia cho hay, người học sẽ được đào tạo song song văn hoá và nghề, tốt nghiệp sẽ nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT và bằng TC, CĐ nghề chính quy. Ngoài chuyên môn ngành nghề, người học còn được chú trọng đào tạo về kỹ năng mềm thông qua các hoạt động, CLB, tạo điều kiện để thích ứng với công việc trong tương lai, tăng cơ hội tìm việc làm sau này. Đây được xem là bước đệm để người học xác định rõ hơn về mong muốn bản thân, học lên tiếp hay gia nhập vào thị trường lao động. Thông tin đến học sinh về điều kiện tuyển sinh, đại diện các trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn, Phổ thông Cao đẳng FPT,  TC Kinh tế Kỹ thuật Q.12, TC Mai Linh cho biết, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS, có hạnh kiểm từ khá trở lên. Các ngành nghề được đào tạo theo nhu cầu của xã hội, người học cần nghiên cứu tìm hiểu kỹ về sở thích của bản thân để có sự phù hợp.

Giải đáp thêm đến học sinh về điều kiện tuyển sinh vào Trường THCS, THPT Trần Cao Vân, thầy Nguyễn Đình Long- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2021-2022 trường tuyển sinh lớp 10 ở cả 4 cơ sở, với 4 loại hình lớp học: lớp hai buổi, lớp bán trú, lớp bán nội trú, lớp nội trú. Nằm trong hệ thống giáo dục ngoài công lập, Trường THCS, THPT Trần Cao Vân được đầu tư về cơ sở vật chất, với trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Khuôn viên trường được xây dựng hồ bơi, phòng tập gym, sân bóng đá, sân bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, tạo điều kiện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất, văn hoá, phát huy năng khiếu. Chương trình giáo dục của trường chú trọng đến hoạt động giáo dục ngoại khoá, chuyên đề, kỹ năng sống…, hướng đến giáo dục toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh, tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)