Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Gần 30 năm làm cô giáo không lương

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Đỏ (còn được gọi là bà Ba Đỏ), 68 tuổi, ngụ KV2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, vẫn âm thầm dạy học cho học trò nghèo mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào.

Xem học trò như con cháu trong nhà, bà dạy bằng tất cả nhiệt tâm của người thầy.
Bà Ba Đỏ dạy chữ cho học trò nghèo tại nhà. Thiếu dụng cụ dạy học, bà phải lấy cửa tủ nhà mình làm bảngẢnh: Thanh XuânBà Ba Đỏ dạy chữ cho học trò nghèo tại nhà. Thiếu dụng cụ dạy học, bà phải lấy cửa tủ nhà mình làm bảng .
Bà Đỏ cho biết trước đây sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long, do hoàn cảnh gia đình có nhiều xáo trộn nên bà phải gác lại ước mơ trở thành cô giáo. Hơn mười năm vào khu kinh tế mới ở huyện Cờ Đỏ lập nghiệp, gia đình bà quyết định quay về nơi chôn nhau cắt rốn ở miệt Lái Hiếu mở quán nước nhỏ ven sông kiếm sống qua ngày, tranh thủ lúc nhàn rỗi dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo trong xóm. “Lúc đầu nhiều người thấy tôi dạy học thì trố mắt nhìn với vẻ ngạc nhiên. Bởi không ai nghĩ dân từ vùng kinh tế mới bước ra lại biết dạy học” – bà Ba Đỏ kể.
Tin bà Ba Đỏ mở lớp học miễn phí lan nhanh khắp xóm. Nhiều trẻ con vùng sâu, trẻ lang thang cơ nhỡ đang “khát” chữ biết chuyện cũng kéo nhau đến quán nhỏ của bà ngỏ ý xin cho học ké vì sợ dốt chữ. Không chút đắn đo, bà Ba Đỏ vui vẻ thu nhận hết, không từ chối đứa nào. Bà quan niệm: “Trước đây mình vất vả ăn học, giờ để kiến thức bị mai một thì uổng phí nên phải để lại cái gì đó cho đời.
Nghĩ vậy tôi mới quyết tâm mở lớp học tình thương dạy học trò nghèo”. Cứ thế lớp học của bà ngày một đông dần, số lượng học trò có lúc lên đến 100 em, đủ mọi lứa tuổi ngồi chen chúc trong quán nước để được bà dạy học. Quán nhỏ, trò đông, bà lo sập quán nên phải chia lớp làm hai nhóm dạy hai buổi sáng, chiều. Ngoài môn chủ lực là toán, bà Đỏ còn dạy cả tiếng Việt, tiếng Anh, lý, hóa từ lớp 1 đến lớp 9. Đều đặn hằng tháng bà tổ chức cho học trò thi thử để kiểm tra kiến thức đã học. Trò nào đạt điểm cao nhất sẽ được bà tặng tập, viết nhằm khích lệ tinh thần học tập.
Anh Bùi Chí Tâm có hai con đang học lớp học tình thương của bà Đỏ nói: “Cô Ba Đỏ rất yêu trẻ, dạy học sinh ngày càng tiến bộ, lễ phép nên phụ huynh rất an tâm khi gửi con nhờ cô dạy. Ngay cả lãnh đạo địa phương cũng gửi con cho cô Ba kèm cặp”. Khi được hỏi dạy không công mấy chục năm có thiệt thòi gì cho mình không, bà Ba nhỏ nhẹ bảo: “Không thiệt thòi thứ gì. Thấy học trò ham học và được học trò thương, càng dạy tôi càng thấy khỏe. Ở cái tuổi gần 70 nhiều người khuyên tôi nên nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già, nhưng tôi thấy học trò vẫn đang cần mình nên không sao bỏ được. Ước vọng của tôi là có sức khỏe tốt để có thể dạy thêm mười năm nữa”.
Gần 30 năm mở lớp học tình thương, bà Ba Đỏ không nhớ hết đã dạy bao nhiêu học trò, chỉ nhớ có đứa được bà dạy suốt chín năm liền. Nhiều học trò của bà nay đã có gia đình và bà đang tiếp tục dạy lớp thế hệ con học trò cũ của mình trước đây. Bà Đặng Minh Phượng, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Lái Hiếu, cho biết lớp học tình thương của bà Ba Đỏ ngoài việc giúp học sinh củng cố kiến thức còn là điểm phổ cập xóa mù chữ, mái ấm tình thương cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến lớp.
THANH XUÂN (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)