Y tế - Văn hóaThư giãn

Gần 30 năm miệt mài sưu tầm ảnh Bác Hồ

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 30 năm nay, ông Đinh Văn Thân (85 tuổi, ngụ xã Gia Phú, H.Gia Viễn, Ninh Bình) dành dụm toàn bộ số tiền lương hưu ít ỏi, miệt mài với công việc sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác Hồ.
Gần 30 năm miệt mài sưu tầm ảnh Bác Hồ 85 tuổi, ông Thân vẫn đam mê với việc sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ – Ảnh: Đinh Dụng
Ngôi nhà ngói đơn sơ của ông Thân treo trang trọng rất nhiều ảnh Bác Hồ. Ông Thân kể, ông bắt đầu cất công đi khắp các làng quê, đô thị để sưu tầm ảnh và tư liệu quý về Bác Hồ từ năm 1986, sau khi nghỉ hưu. “Dự định của tôi là sẽ đến những nơi Bác đã từng sống, từng công tác, cả những nơi Người đã tới thăm, để tìm và xin những tấm ảnh quý về một vị lãnh tụ rất đỗi bình dị nhưng vĩ đại vô cùng”, ông Thân nói.
Theo ông Thân, trong suốt quá trình công tác, từ khi trở thành người lính cho đến những năm chuyển ngành về địa phương làm Trưởng phòng Y tế H.Gia Viễn và Trưởng phòng Y tế H.Yên Mô (Ninh Bình), ông may mắn 3 lần được gặp Bác Hồ. Sau những lần được gặp Bác, trong lòng người cán bộ y tế cơ sở trào dâng sự ngưỡng mộ và tôn kính. Ông tự nhủ, khi về nghỉ chế độ, sẽ cố gắng đi đến thật nhiều nơi để sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác.
Những năm đầu, ông Thân đạp xe rong ruổi khắp thị xã Ninh Bình, đến các cơ quan nhà nước, rồi đến gõ cửa nhà dân trên địa bàn tỉnh để mua lại ảnh, xin ảnh, hoặc thuê người chụp lại. Sau đó, ông bắt đầu hành trình xuyên Việt, đi khắp các tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc, từ miền xuôi ngược lên miền núi.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là chuyến đi lên Khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang). “Thấy tôi già yếu nhưng vẫn lặn lội đi tìm ảnh Bác, chị phụ trách ở đây đã bật khóc. Rồi chị mời tôi về nhà, lo cho tôi ăn uống, nghỉ ngơi và giúp tôi rất nhiều trong việc sưu tầm. Bây giờ, thi thoảng, chị ấy vẫn gọi điện hỏi thăm và khi tìm được tấm ảnh hay tư liệu quý về Bác, chị ấy lại gửi bưu điện về cho tôi”, ông Thân xúc động nhớ lại.
Những chuyến đi-về không ngừng nghỉ, cộng với sự giúp sức của nhiều người, kể cả những người ông chưa hề gặp gỡ, đã giúp ông có được một “gia tài” vô giá: gần 3.000 tấm ảnh và tư liệu về Bác Hồ.
Tặng hơn 2.000 tấm ảnh cho bảo tàng
Công cuộc sưu tầm của ông Thân phải tạm ngừng khi cách đây 3 năm, ông bất ngờ bị tai biến và liệt nửa người. “Mấy tháng đầu đổ bệnh, tôi buồn và suy sụp kinh khủng. Không phải tôi sợ chết. Tôi buồn vì không được tiếp tục theo đuổi ước nguyện của mình”, ông tâm sự. Sau một thời gian, ông “ngộ” ra rằng, ngồi ở nhà, vẫn có thể sưu tầm được ảnh. Những con người ông đã từng gặp trên suốt hành trình mấy mươi năm qua, vì cảm mến việc làm tốt đẹp của ông, mỗi khi có ảnh, có tư liệu mới về Bác, lại gửi về cho ông qua đường bưu điện.
Ông Thân rất trân trọng, luôn nâng niu gìn giữ những tấm ảnh, tư liệu về Bác. Nhưng ông không muốn giữ những tấm ảnh, tư liệu quý giá ấy cho riêng mình. Năm 2013, ông đã trao tặng toàn bộ trên 2.000 ảnh và tư liệu về Bác Hồ đã sưu tầm được cho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Số ảnh và tư liệu này được ông tập hợp vào 2 quyển album lớn, chú thích đầy đủ và sắp xếp theo từng chủ đề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, không khỏi xúc động khi nhắc đến trường hợp của ông Thân: “Việc làm của bác Thân không chỉ thể hiện tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ, mà còn là ý thức của người dân trong việc giữ gìn di sản văn hóa quý báu”. Ông Khang cũng cho biết, Bảo tàng Ninh Bình sẽ có trách nhiệm gìn giữ và giới thiệu 2 cuốn album trên đến với đông đảo công chúng.

Đinh Dụng (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)