Ngày 23/9, lãnh đạo các nước và tổ chức đã kêu gọi thế giới chung tay hành động nhằm cải thiện tình trạng có tới 28,5 triệu trẻ em tiểu học không được tới trường, chiếm một nửa trong tổng số 57 triệu trẻ em tiểu học trên thế giới.
Hầu hết những em không được đến trường sống tại các nước có xung đột hay chiến tranh.
Phát biểu tại Hội nghị "Education Cannot Wait" (Giáo dục không thể chờ) trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York, Mỹ, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Giáo dục toàn cầu, ông Gordon Brown, hối thúc lãnh đạo các nước đưa ra những thay đổi mạnh mẽ nhưng thận trọng trên phạm vi toàn cầu ở những nơi xảy ra khủng hoảng nhân đạo vốn rất thiếu đầu tư cho giáo dục.
Theo ông, các nước cần bắt tay ngay vào hành động trên tinh thần giáo dục cho mọi người (giáo dục không biên giới) để mang lại hy vọng và cơ hội cho tất cả trẻ em, ngay kể cả ở những vùng khó khăn nhất.
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Anthony Lake nhấn mạnh tới yếu tố "không thể chờ" của giáo dục. Theo ông, không thể chờ đến khi chiến sự, thảm họa qua đi, hay tới khi có tiền mới lo nghĩ đến giáo dục. "Giáo dục không thể chờ… trẻ em không thể chờ," ông nói.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cho rằng để có nền giáo dục chất lượng phải có đầu tư, kế hoạch, môi trường hòa bình và chiến lược phát triển dài hạn. Muốn vậy, các nước cần tăng cường mạnh trợ cấp cho giáo dục, thúc đẩy bảo vệ trẻ em, giáo viên và cơ sở giáo dục trước các cuộc tấn công.
Các chính phủ cũng cần đặt giáo dục vào vị trí trung tâm trong tất cả các kế hoạch phát triển kể từ sau năm 2015, thời điểm các nước sẽ hoàn tất các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ hiện nay và đề ra bộ mục tiêu phát triển cho giai đoạn mới.
Theo số liệu do Tổ chức Bảo vệ Trẻ em (Save the Children) cung cấp tại hội nghị, số trẻ em tiểu học không được đến trường ở các nước có chiến tranh hay xung đột chiếm 50% tổng số trẻ em thất học trên toàn thế giới, tăng mạnh so với mức 42% của năm 2008. Phần lớn những trẻ em này ở các nước Syria, Cộng hòa Trung Phi, Mali và Cộng hòa dân chủ Congo.
Ngoài ra, đầu tư cho giáo dục chiếm tỷ trọng quá ít (khoảng 1,4%) trong tổng tiền trợ cấp nhân đạo ở các nước có chiến sự cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em không được hưởng đầy đủ quyền lợi được đến trường./.
(TTXVN)
Bình luận (0)