Với suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”, gần 40 năm qua, chú Bùi Văn Oanh (ngụ Q.4, TP.HCM) đã âm thầm mai táng miễn phí cho biết bao người bất hạnh qua đời ở mọi vùng miền trên cả nước. Tấm lòng của chú đã làm lay động trái tim của nhiều người, giúp người sống được ấm lòng, người ra đi được tươm tất.
Chú Oanh kể về từng hoàn cảnh trong ảnh được mình treo trong nhà
Giúp người để báo hiếu cho cha
Đến xóm chùa thuộc Q.4, TP.HCM, hỏi tên chú Ba Oanh – người chuyên tặng quan tài và mai táng miễn phí cho người bất hạnh qua đời không ai mà không biết. “Ông Oanh chuyên tặng hòm và mai táng miễn phí cho người nghèo đó hả? Ông này làm được một việc đáng ngưỡng mộ lắm nghen. Ai có nhu cầu mai táng chỉ cần tấm đơn có xác nhận gia đình khó khăn của chính quyền là ổng đều giúp mặc dù gia đình của ổng không dư giả gì. Cô đến xem có giúp gì được cho ổng thì giúp chứ ổng tốt bụng lắm!” – một người dân khen ngợi.
Nhờ sự chỉ dẫn của người dân, tôi mới tìm đến được “trại hòm” của chú Oanh. Nói là “trại” nhưng thật ra chỉ là tầng trệt của một căn nhà được chú thuê 5 triệu đồng/tháng. Nơi đây có diện tích rất khiêm tốn nhưng được sắp xếp đâu ra đó. Bàn thờ Phật được chú đặt ở giữa, còn lại là nơi chứa chiếc quan tài lớn, nhỏ để dành cho những người bất hạnh qua đời cùng với vật dụng phục vụ cho mai táng. Trên một bức tường của căn phòng, chú Oanh treo rất nhiều tấm ảnh của những hoàn cảnh đặc biệt đáng thương mà chú từng giúp. Mỗi tấm ảnh là mỗi hoàn cảnh khác nhau. “Những tấm ảnh này người ta tặng cho tôi. Họ mất mà gia đình mua không nổi cái quan tài vì không có tiền. Cũng có người mất mà không có người thân bên cạnh. Người ta nói “nghĩa tử là nghĩa tận” thì thôi mình giúp được thì giúp để họ ra đi thanh thản nơi chín suối” – người đàn ông ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” xúc động khi nói về các mảnh đời bất hạnh.
“Hồi trước, cha tôi cũng qua đời nhưng không có tiền mua quan tài. Chạy ngược chạy xuôi mượn nợ tôi mới có thể lo được cho cha mình, mãi đến mấy năm sau mới trả nổi số tiền đã vay mượn. Vì vậy mà với tôi mỗi khi giúp được một hoàn cảnh nào đó tôi xem đó là sự báo hiếu cho cha mình” – chú Oanh xúc động khi nhớ đến hoàn cảnh của cha. |
Trong các hoàn cảnh, chú Oanh thương nhất là người bị chết trôi, phân hủy nặng. Họ ra đi mà cơ thể không còn nguyên vẹn, khi vớt lên bờ từng miếng thịt rớt ra khỏi xương. Vì vậy với những trường hợp này chú luôn cẩn thận để thi thể của họ được nguyên vẹn. Đáng thương nhất là những thai nhi đã tượng hình nhưng bị phá bỏ tại bệnh viện hay những đứa trẻ qua đời vì bạo bệnh. Chú Oanh cho biết, mỗi lần nhìn thấy những hoàn cảnh như thế chú lại nhớ đến cha mình.
Hạnh phúc khi được lo chu toàn cho người mất
Chú Oanh cho biết, công việc mai táng chẳng ai dạy chú. Để có thể làm được công việc này, chú phải mất gần 5 năm theo dõi, học lóm thủ tục mai táng, chôn cất người mất. “Hễ ở đâu có đám tang tôi đều đến nhìn và để ý học cách người ta làm. Mình làm thì phải làm cho bài bản, người theo đạo nào phải mai táng theo đạo đó. Chính vì vậy mà trong nhà tôi lúc nào cũng có quan tài dành cho người theo đạo Phật, đạo Công giáo… Những chiếc quan tài này được tôi mua lại từ các trại hòm, sau đó về tu bổ lại. Chiếc lớn có giá 3 triệu đồng, còn loại nhỏ dành cho trẻ em là 1 triệu đồng” – chú Oanh cho biết.
Gần 40 năm qua, chú Oanh đã nguyện làm công việc mà ít ai làm được đó là tặng quan tài, an táng cho người bất hạnh qua đời. Đồng hành cùng chú là những người con, cháu ruột thịt và cả những người cùng suy nghĩ với chú. Ở đâu có người cần giúp, đội mai táng của chú đều có mặt bất kể ngày hay đêm. “Lúc mới làm việc này vợ tôi giận tôi dữ lắm vì gia cảnh khó khăn mà tôi lo chuyện bao đồng. Suốt nhiều năm trời vợ tôi không ngó ngàng gì đến tôi. Tới năm 2007, bả mới hiểu được việc làm của tôi và ủng hộ. Thấy bả hiểu được tôi mừng lắm” – chú Oanh thầm cảm ơn trời vì vợ hiểu được lòng mình.
Chú Oanh bên cạnh những chiếc quan tài dành cho người bất hạnh qua đời
Trong cuộc trò chuyện về công việc của mình, chú Oanh liên tục nhắc và cảm ơn những người đã đồng hành cùng chú trên hành trình đưa người mất về đất mẹ. Họ là những người xa lạ, biết chú qua những lần mai táng ở đâu đó rồi xin đồng hành như ông Hữu Chiến, ông Hoàng Thành, cháu Vinh, cháu Trang… Với chú, được mọi người hiểu và đồng hành cũng là động lực để giúp chú vượt qua khó khăn. “Nếu không có những tấm lòng vàng này thì tôi khó mà duy trì được công việc này. Có những lúc người mất nhiều, tôi phải vay mượn quan tài từ trại hòm rồi sau đó kiếm tiền trả họ. Nhưng những năm gần đây, được sự giúp đỡ của nhiều người nên tôi đã đỡ được phần nào” – chú Oanh cảm ơn các mạnh thường quân.
Niềm hạnh phúc nhất của chú Oanh là được lo chu toàn cho người bất hạnh qua đời. Sau mỗi lần tiễn một người đã khuất về nơi chín suối, chú về nhà ngồi lạy trước bàn thờ Tam Bảo để cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát cũng như cầu cho chú luôn được khỏe mạnh để giúp đời. “Nếu ơn trên thương cho tôi sức khỏe tôi nguyện làm công việc này cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng nếu chẳng may bị bệnh tật hay ngồi xe lăn, còn làm được tôi vẫn làm. Niềm mơ ước của tôi bây giờ là có căn nhà để chứa quan tài chứ tôi đã chuyển trọ trên 10 lần rồi. Tôi có một căn nhà nhưng chỉ đủ để vợ con ở, không có chỗ để chứa đồ mai táng” – chú Oanh bộc bạch.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)