Sự kiện giáo dụcTin tức

Gần 50 công trình xét giải thưởng khoa học – công nghệ dành cho giảng viên trẻ năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

Các công trình tham gia xét giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ  năm nay tập trung vào 6 lĩnh vực gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

TS. Hoàng Hoa Cương (Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT) phát biểu tại lễ khai mạc 

Ngày 14-9, vòng sơ khảo giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục ĐH năm 2024 đã được Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai mạc tại Trường ĐH Mở TP.HCM.

Đây là diễn đàn học thuật bổ ích dành cho các giảng viên trẻ không quá 35 tuổi trong các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam.

TS.Hoàng Hoa Cương (Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT) cho biết, giải thưởng được tổ chức 3 năm 1 lần nhằm biểu dương những thành tích xuất sắc; khuyến khích các giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học; khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ông Cương nhận định giảng viên trẻ không quá 35 tuổi trong các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay ít đi so với thời gian trước đây; đây là vấn đề cần quan tâm. Năm nay giải thưởng nhận được 47 hồ sơ xét giải từ 29 đơn vị tập trung vào 6 lĩnh vực gồm: Khoa học tự nhiên (5 công trình); kỹ thuật công nghệ (10 công trình); khoa học y dược (3 công trình); khoa học nông nghiệp (5 công trình); khoa học xã hội (20 công trình) và khoa học nhân văn (4 công trình).

Các hội đồng họp đánh giá, lựa chọn những công trình xuất sắc tiếp tục vào vòng trong

Bên cạnh đó, giải thường còn có sự tham gia của gần 100 sản phẩm công bố khoa học và chuyển giao của các giảng viên trẻ từ 29 cơ sở giáo dục ĐH trên toàn quốc. Các cơ sở giáo dục ĐH khu vực phía Nam dự giải đông nhất với 14 đơn vị và 26 công trình; khu vực phía Bắc có 9 đơn vị và 14 công trình; khu vực miền Trung có 6 đơn vị và 7 công trình.

Các công trình dự giải thưởng phải thể hiện tính mới mẻ, sáng tạo; có giá trị khoa học và thực tiễn; được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 1 năm (tính đến thời điểm nộp hồ sơ); chưa tham gia hoặc nhận bất cứ giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế.

Công trình xét giải được đánh giá bởi thang điểm 100 theo 3 tiêu chí. Cụ thể, tiêu chí 1 đánh giá giá trị về khoa học/công nghệ với điểm tối đa là 40; tiêu chí 2 đánh giá giá trị thực tiễn với điểm tối đa là 45; tiêu chí 3 đánh giá về sản phẩm công bố khoa học và sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ (nếu có) từ kết quả của công trình với điểm tối đa là 15.

GS.TS Nguyễn Minh Hà (Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM) phát biểu

Phát biểu tại lễ khai mạc vòng sơ khảo giải thưởng, GS.TS Nguyễn Minh Hà (Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM) cho hay, là một trường công lập đa ngành với hơn 700 giảng viên cơ hữu và 33.000 sinh viên, Trường ĐH Mở TP.HCM luôn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên; trong đó có đối tượng giảng viên trẻ. Bên cạnh đào tạo, trường cũng có năng lực nghiên cứu mạnh với hơn 20 công bố quốc tế uy tín hàng năm và liên tục nhiều năm nằm trong nhóm các trường có công bố quốc tế mạnh của Bộ GD-ĐT.

Trong đó, công trình được chọn vào vòng chung khảo có điểm trung bình đạt từ 85 trở lên; công trình được xét giải ba có điểm trung bình đạt từ 80 đến dưới 85; công trình được xét giải khuyến khích có điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 80. Công trình không được xét giải nếu đạt dưới 70 điểm hoặc bị phát hiện hồ sơ không hợp lệ.

Được biết, vòng sơ khảo giải thưởng lần này có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ hơn 20 trường ĐH, viện nghiên cứu trên cả nước. Vòng chung khảo dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm nay tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Lễ tổng kết và trao giải sẽ được phối hợp với giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên, dự kiến tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào tháng 11 năm nay.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)