Vụ cháy thiêu rụi 5.000m2 tại xưởng gỗ trong KCN Nhị Xuân ở Hóc Môn vào ngày 3-8 vừa qua là hồi chuông cảnh báo tình trạng cháy nổ tiếp tục hoành hành trên địa bàn TP. Bằng chứng là trong 3 tháng qua (từ tháng 5 đến tháng 7) trên địa bàn các quận huyện đã xảy ra tổng cộng 20 vụ cháy liên tiếp.
Vụ cháy thiêu rụi 5.000m2 tại xưởng gỗ trong KCN Nhị Xuân vào ngày 3-8 |
Lặp lại “điệp khúc thờ ơ”
Vụ cháy xưởng gỗ được cơ quan chức năng xác định là xuất phát từ khu chứa gỗ của một công ty tại B4, B5, KCN Nhị Xuân vào lúc 13 giờ 30. Chỉ trong phút chốc cột khói từ đám cháy đã bốc lên cao hàng trăm mét, đám cháy mỗi lúc một lan rộng thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị, toàn bộ tường nhà và mái tôn đổ sập. Đến hơn 17 giờ, đám cháy cơ bản đã được giập tắt. Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PCCC – Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho biết, lực lượng chức năng đã huy động 40 xe cứu hỏa, 270 cán bộ chiến sĩ tiếp ứng tại hiện trường để cứu hỏa. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi khoảng 5.000m2 (trong tổng số 6.400m2 diện tích nhà xưởng). Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ngoài vụ cháy lớn như trên, địa bàn một số quận huyện trong ba tháng qua cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, căn hộ chung cư hoặc nhà xưởng kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP, trong tháng 7 gồm có 6 vụ cháy tại Công ty TNHH TM DV Duyên Phát Composite, huyện Hóc Môn (ngày 1-7); nhà dân trên đường CMT8, quận 10 (ngày 6-7); chi nhánh Công ty CPTM Ngọc Châu quận Tân Bình (ngày 12-7); cháy nhà dân tại P.14, Gò Vấp (ngày 17-7); cơ sở sản xuất và kinh doanh bàn ghế gỗ quận Tân Phú (ngày 22-7); kho chứa sơn PU ở Bình Chánh (27-7). So với tháng 7, thì số vụ cháy trong tháng 5 và tháng 6 có “tần suất” cháy dày đặc hơn.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân gây ra các vụ cháy xuất phát từ ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình chưa được thực hiện tốt. Điều đáng nói là mặc dù các vụ cháy liên tục xảy ra, nhưng không ít người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với công tác PCCC, xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình. Bằng chứng là sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza (quận 8) xảy ra vào tháng 3 gây thiệt hại nhiều mạng người và tài sản, nhiều hộ gia đình đã chủ động mua sắm trang bị PCCC tại chỗ; tham gia các buổi tuyên tuyền; sẵn sàng thông tin phản ánh đến lực lượng chức năng về các sai phạm PCCC tại chung cư mình đang sinh sống… Tuy nhiên đến nay, ý thức PCCC dường như “đâu lại vào đấy”. Tiêu biểu như trên địa bàn có nhiều chung cư tọa lạc như quận 11, vào cuối tháng 7 vừa qua Phòng Cảnh sát PCCC quận đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về PCCC cho chủ đầu tư dự án, ban quản lý và cư dân đang sinh sống nhà chung cư, nhà cao tầng, nhưng số người đến tham dự chỉ đếm trên đầu ngón tay, mặc dù lực lượng chức năng đã gửi kế hoạch và thư mời một cách chu đáo. Thượng úy Lê Quốc Thanh (cán bộ kiểm tra Phòng Cảnh sát PCCC quận 11) trăn trở: “Bao nhiêu mạng người và tài sản đã bị thiệt hại từ vụ cháy chung cư Carina Plaza là bài học hết sức đau lòng, là minh chứng sống về cái giá quá đắt phải trả cho sự chủ quan trong công tác PCCC. Vậy mà, tình trạng người dân không tham dự các buổi tuyên truyền về PCCC vẫn còn tiếp diễn. Thậm chí có trường hợp, chúng tôi tổ chức tuyên truyền và tặng bình chữa cháy ngay tại chung cư nhưng nhiều cư dân vẫn không mảy may quan tâm”.
Phát hiện gần 6.000 cơ sở và khu dân cư có nguy cơ cháy nổ
Đại tá Băng cũng yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC các cơ sở trên địa bàn quản lý, tập trung tổ chức tổng kiểm tra nhà chung cư, nhà cao tầng theo chỉ thị của UBND TP và Bộ Công an. Đồng thời phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng tham mưu UBND TP ban hành quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TP trong thời gian sắp tới. |
Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quan (Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo PCCC TP), trên địa bàn TP hiện có 41.461 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; 33.183 doanh nghiệp và 1.991 khu phố đã được lập hồ sơ theo dõi quản lý về PCCC. Trong một đợt kiểm tra an toàn PCCC tại 14.745 cơ sở và khu dân cư vừa qua, đã phát hiện 5.857 đơn vị và 312 khu dân cư có nguy cơ về cháy nổ. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 1.735 lỗi vi phạm quy định về PCCC, lập 1.597 biên bản vi phạm hành chính và xử phạt với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó đa phần các lỗi vi phạm về trang bị, bảo dưỡng phương tiện PCCC; không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy; vi phạm các điều kiện về thoát nạn; việc thực hiện chế độ kiểm tra về an toàn PCCC… Thông tin từ Cảnh sát PCCC TP cho biết, hiện chưa có số liệu thống kê cho quý II năm 2018, nhưng căn cứ vào số thống kê trong quý I/2018 cho thấy tình trạng cháy nổ trên địa bàn TP.HCM ngày càng diễn biến phức tạp với 119 vụ cháy, gây thương vong về người và tài sản. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện, đốt cỏ rác. Đối tượng xảy ra cháy chủ yếu là nhà dân, căn hộ chung cư, nhà ở kết hợp làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy nổ trên địa bàn TP, Đại tá Nguyễn Văn Băng (Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP) chỉ đạo các đơn vị phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức PCCC cho người dân; phối hợp với mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang tuyên truyền vận động nhân dân ở các khu dân cư tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC; tăng cường công tác điều tra cơ bản, rà soát địa bàn, cơ sở trọng điểm về PCCC.
Vũ Phương
Bình luận (0)