Huyện Bình Chánh (TP.HCM) có 18 trường THCS với 5.537 học sinh lớp 9. Với số lượng này, trong năm học 2019-2020 sẽ có khoảng 70% đậu vào các trường THPT công lập, đồng nghĩa với việc 30% học sinh còn lại buộc phải chuyển sang hướng khác. Tuy nhiên, học phổ thông có phải là con đường duy nhất hay không? Nếu không tiếp tục học phổ thông thì các em làm gì?
Bà Nguyễn Đặng An Long (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) tư vấn cho học sinh 18 trường THCS trên địa bàn huyện Bình Chánh
Đây là băn khoăn của ông Nguyễn Trí Dũng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh) cũng như các em học sinh 18 trường THCS trên địa bàn tại Ngày hội “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 diễn ra ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Chánh ngày 30-3. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh tổ chức với sự đồng hành của 14 đơn vị tư vấn là các trường THPT, TC, CĐ.
Trường THPT thường có chương trình tích hợp
Theo thông tin từ bà Nguyễn Đặng An Long (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM), những học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tại TP.HCM trong độ tuổi quy định đều được tham gia dự tuyển vào các trường THPT công lập. Đối với các trường chuyên, học sinh phải có học lực cả năm học ở lớp 6, 7, 8 từ khá trở lên, tốt nghiệp THCS phải đạt loại giỏi. Để vào trường chuyên, lớp chuyên, học sinh phải thi 4 môn: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và môn chuyên. Điểm xét tuyển vào lớp chuyên gồm: điểm ngữ văn + điểm toán + điểm ngoại ngữ + (điểm môn chuyên nhân 2). Riêng trường chuyên nhưng lớp không chuyên, điểm xét tuyển gồm: điểm ngữ văn + điểm toán + điểm ngoại ngữ.
Phụ huynh của em Nguyễn Lê Thiên Nga (học sinh Trường THCS Tân Túc) trao đổi với đại diện Trường TC Trần Đại Nghĩa
Ngoài ra, bà An Long cũng cho biết một số trường còn có thêm chương trình tích hợp đối với 3 nhóm học sinh. Ở nhóm thứ nhất dành cho những học sinh có tham gia chương trình tích hợp bậc THCS; học sinh có tham dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT; học sinh đăng ký 2 nguyện vọng tích hợp. Căn cứ vào điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và điểm thi chương trình tích hợp, những học sinh này sẽ được ưu tiên bố trí vào những trường có dạy chương trình tích hợp. Nhóm thứ hai dành cho học sinh tham dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT có trường, lớp chuyên; học sinh đăng ký 2 nguyện vọng (nguyện vọng 1 dành cho trường, lớp chuyên, nguyện vọng 2 dành cho trường tích hợp). Theo đó, cách tính điểm tích hợp gồm: điểm ngữ văn + điểm ngoại ngữ + điểm toán + (điểm trung bình của chương trình tích hợp nhân 2). Nhóm thứ ba dành cho học sinh tốt nghiệp THCS từ khá trở lên. Điểm số từng kỹ năng của năm lớp 9 tăng cường tiếng Anh đạt 6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ B tiếng Anh; chứng chỉ Cambridge PET đạt từ 140/210 điểm trở lên. “Vào THPT công lập không phải là con đường duy nhất. Tùy vào khả năng, điều kiện gia đình, các em có thể vào trường THPT dân lập, trung tâm GDNN-GDTX, học TC… Thành công không phải là học ở trường nào, vấn đề là sau khi ra trường chúng ta có được công việc ổn định hay không?”, bà An Long nhắn nhủ.
Nhà không có điều kiện thì học trường nào?
Tại ngày hội, phụ huynh của em Nguyễn Lê Thiên Nga (học sinh Trường THCS Tân Túc) lo lắng: “Nhiều năm liền con tôi là học sinh xuất sắc, tôi rất muốn con học hết lớp 12 rồi lên ĐH. Tuy nhiên, gia đình lại không có điều kiện. Tôi nghe nói học nghề sẽ được vừa đi học vừa đi làm có tiền trang trải cuộc sống. Vậy tôi phải làm gì trong trường hợp này?”. Trả lời câu hỏi, ông Võ Xuân Vinh (Trưởng phòng Hành chính, Trường TC Trần Đại Nghĩa) cho biết: Đối với trường hợp trên phụ huynh nên lựa chọn cho con vào trường nghề để vừa rút ngắn thời gian học mà lại nhận được nhiều ưu đãi. Trường TC Trần Đại Nghĩa có đào tạo ngắn hạn (từ 3-6 tháng đối với nghề điện lạnh, sửa xe gắn máy, hàn, tiện, kỹ thuật chăm sóc sắc đẹp) và đào tạo bậc TC (2 năm đối với ngành cơ khí, điện tử công nghiệp, kế toán, tin học). Nếu học sinh chọn học nghề, Nhà nước miễn 100% học phí, được xét nhận học bổng mỗi học kỳ. Không chỉ vậy, các em còn được nhà trường ưu tiên giới thiệu việc làm, 80-90% học sinh sau khi ra trường có việc làm ngay với mức lương từ 5-8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trong quá trình học, nhà trường còn tạo điều kiện để các em đi thực tập tại doanh nghiệp, được hỗ trợ lương 200.000 đồng/ngày.
Học sinh THCS trên địa bàn huyện Bình Chánh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường trong ngày hội
Tương tự, một học sinh nữ của Trường THCS Tân Kiên thắc mắc: “Em nghe nói Trường CĐ Quốc tế TP.HCM là ngôi trường duy nhất của TP cấp bằng CĐ chính quy chỉ sau 3,5 năm đối với học sinh tốt nghiệp THCS. Vậy quy trình đào tạo của trường như thế nào?”. ThS. Võ Viết Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) giải đáp: Nhà trường sẽ đào tạo các em qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, các em sẽ học 2 năm đối với 7 môn văn hóa: toán, lý, hóa, văn, sử, địa, sinh để nhận bằng TC chính quy. Giai đoạn 2, các em học 1,5 năm để tốt nghiệp CĐ chính quy. Giai đoạn còn lại dành cho những em muốn liên thông lên ĐH hoặc đi du học. “100% sinh viên ra trường có việc làm ngay, có trình độ tiếng Anh vững vàng”, ThS. Hưng nhấn mạnh.
Kiều Khánh
Bình luận (0)