Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gần 6% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Năm 2022 có 17,94% cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 65,02% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 11,26% hoàn thành nhiệm vụ; 5,78% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 254.757 công chức).
Tại báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức, vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã tuyển dụng 2.242 công chức để kịp thời bổ sung số công chức nghỉ hưu, nghỉ việc, thôi việc.
Đáng lưu ý, đến nay đã tuyển dụng được 334 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (gồm 167 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và 167 cán bộ khoa học trẻ).
Người đứng đầu ngành nội vụ cũng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2022 có 17,94% cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 65,02% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 11,26% hoàn thành nhiệm vụ; 5,78% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 254.757 công chức).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Đánh giá chung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, công tác quản lý cán bộ, công chức đã có nhiều đổi mới. Cơ chế, chính sách về công tác công vụ, công chức được sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất với quy định của Đảng.
Mặc dù vậy, các quy định về quản lý cán bộ, công chức tuy đã được thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời, nhưng trong bối cảnh Đảng đang đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo thì vẫn còn có nội dung chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, chưa có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ. Việc thể chế hóa chủ trương tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo còn chưa rõ nét.
Đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm còn chậm, chưa đồng bộ. Vẫn còn tình trạng bổ nhiệm khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chất lượng chưa cao, chưa có nhiều đổi mới…
Đáng lưu ý, trong số các nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, toàn tâm, toàn ý, cống hiến trong quá trình thực thi công vụ.
Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế; năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại nhiều nơi chưa được coi trọng đúng mức.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện các quy định về quản lý cán bộ, công chức tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12-2023 để báo cáo Quốc hội các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức cho phù hợp.
Tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công vụ và các quy tắc ứng cử của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực; xử lý nghiêm minh, kịp thời những sai phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính.
ANH PHƯƠNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)