Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gần 7,4 tỷ USD vốn ODA dành cho Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2011 (CG 2011) với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo” đã diễn ra hôm qua 6-12 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị. Kết thúc hội nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chính thức công bố: tổng vốn viện trợ ODA được cam kết dành cho Việt Nam trong năm tài chính 2012 là 7,386 tỷ USD.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định

Đa số ý kiến các nhà tài trợ tại hội nghị đều ghi nhận những thành tựu quan trọng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong 3 “trụ cột” quan trọng nhất: ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Những thành tựu này càng ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều sóng gió.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam bày tỏ sự đồng tình cao với kế hoạch cải cách nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam và nhấn mạnh, khu vực doanh nghiệp nhà nước tuy đã được cổ phần hóa nhiều nhưng tiến trình này vẫn cần được chú trọng hơn nữa. Một điều quan trọng để thành công trong cải cách kinh tế là thiết lập và đảm bảo kỷ cương đối với khối này.

Quang cảnh hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011.

Đại sứ Australia Allaster Cox đề nghị Chính phủ quan tâm đến “sự phối hợp theo cả chiều ngang và chiều dọc giữa các cơ quan công quyền để phân bổ đúng nguồn lực cũng như đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực còn hạn hẹp”. Một số chính sách được vị đại sứ coi là chưa thích hợp như các quy định về lao động nước ngoài tại Việt Nam, các quy định nhằm khơi nguồn lực từ khối doanh nghiệp tư nhân…

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam D. Shear bày tỏ quan ngại về các biện pháp hành chính trong điều hành lĩnh vực thương mại. Đại sứ Mỹ mong muốn Việt Nam giải quyết tốt hơn nữa một số vấn đề xã hội như bất bình đẳng giới, bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục…

Lưu ý Việt Nam rằng “hội nhập sâu hơn cũng có nghĩa là tăng sự phụ thuộc lẫn nhau và kinh nghiệm từ khối đồng tiền euro cho thấy rất rõ những phức tạp có thể phát sinh”, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu đưa ra khuyến nghị cụ thể về 3 lĩnh vực: phát triển nền kinh tế “xanh”, đối phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các đối tượng nghèo kinh niên và nghèo mới; đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.
Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta nhìn nhận, mặc dù thắt chặt chi tiêu ngân sách là việc làm quan trọng nhưng không nên cắt giảm đầu tư cho công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trấn áp tệ nạn tham nhũng và thất thoát, tạo điều kiện cho các tổ chức dân sự tham gia rộng hơn, sâu sắc hơn vào quá trình phát triển… là những khuyến nghị từ vị đại diện tổ chức này.

Đẩy mạnh công khai minh bạch các hoạt động kinh tế

Phát biểu với các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam lắng nghe những ý kiến rất trách nhiệm và mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng thông báo với các nhà tài trợ những nét lớn về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2011 và đường hướng phát triển trong năm 2012. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Chúng tôi không chọn mục tiêu tăng trưởng cao mà chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời với việc điều hành theo hướng đó, Chính phủ Việt Nam sẽ quyết liệt tiến hành tái cơ cấu kinh tế, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực cao để đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân”. Theo đó, Việt Nam phấn đấu mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, tạo khoảng 1,6 triệu việc làm mới/năm; có chính sách và giải pháp phù hợp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch trong các hoạt động kinh tế, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng chia sẻ với các nhà tài trợ rằng, tuy Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình nhưng vẫn ở mức thấp, hậu quả chiến tranh vẫn còn nặng nề và theo nhiều dự báo, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, vốn ODA trong những năm sắp tới vẫn là một nguồn lực hết sức quan trọng giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển của mình. Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, giúp nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra, đồng thời cam kết sẽ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác.

Trao đổi với các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều thực hiện quyền tự do dân chủ theo hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, đồng thời sẵn sàng đối thoại với các đối tác, qua đó góp phần tăng cường hiểu biết nhau hơn.

Tại phiên bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, nhiều khuyến nghị của các nhà tài trợ đã được Chính phủ Việt Nam tiếp thu với tinh thần cầu thị. Một số vấn đề đã được quyết đáp ngay, đơn cử như việc tổ chức một hội nghị để bàn thảo sâu hơn và có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết đối với Nghị định 46 của Chính phủ về lao động nước ngoài.

A. THƯ (SGGP)

Bình luận (0)