Hội nhậpGiáo dục phát triển

Gần gũi hơn với Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Hầu như chẳng học sinh nào lại không nhớ và thuộc lòng Năm điều Bác Hồ dạy. Và ở Trường THCS Tăng Bạt Hổ A – quận 4, năm điều dạy ấy còn gần gũi hơn trong những tiểu phẩm. Nội dung mỗi câu chuyện là những gì gần gũi, gắn bó quanh ta đã diễn ra trong cuộc sống hàng ngày và đó là những tấm gương sáng về thầy cô, ông bà, cha mẹ…

Sáng thứ hai, buổi chào cờ đầu tuần ở ngôi trường này bên cạnh việc tổng kết công việc dạy và học của một tuần còn có chương trình văn nghệ với những tiểu phẩm không quá 10 phút diễn xuất. “Mỗi lớp sẽ xây dựng ít nhất một tình huống, lên kịch bản và chọn cách thể hiện nhưng phải phù hợp với chủ đề chung của ngày hôm đó”, cô Thùy Trang, Tổng phụ trách Đội (TPT) cho biết. Từ cuộc phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cô và trò ngôi trường thân yêu này đã và đang phát động không những ở CB, GV, CNV nhà trường mà rộng ra là các em học sinh những “chủ nhân” tương lai của đất nước. Nhà trường không chỉ đào tạo ra những học trò giỏi mà bên cạnh việc học giỏi các em phải là con người có nhân cách tốt. Đó là chủ đề xuyên suốt trong thời gian 4 năm các em được học tập và rèn luyện dưới mái trường Tăng Bạt Hổ A. Nhà trường đã chọn chủ đề cho các em là học và làm theo “Năm điều Bác Hồ dạy”. Mỗi tháng có một chủ đề riêng. Nội dung tiểu phẩm hoàn toàn được chính các em lên ý tưởng, viết thành kịch bản và thông qua giáo viên chủ nhiệm và TPT trước khi lên sàn tập. Những câu chuyện rất gần gũi với mái trường với những sinh hoạt bình thường của tuổi học trò nên không quá mất thời gian tập luyện hay nhớ thoại. Chẳng hạn như với lời dạy “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, nhiều tiểu phẩm về việc quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hay câu chuyện các bạn nhỏ cùng đến giúp đỡ một cụ già neo đơn. Điều “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” đã có hàng loạt tiểu phẩm học trò đưa lên sàn diễn hoặc là bức xúc với việc quay cóp bài trong thi cử, lười biếng trong học tập; sự dũng cảm trước một việc làm sai trái của bạn; là câu chuyện nhặt được của rơi trả người bị mất… Còn rất nhiều những tình huống được góp nhặt từ cách nhìn và cảm nhận của tuổi học trò về những điều quanh mình: thói quen vứt rác trong sân, viết vẽ bậy lên bàn học… Cứ thế, Năm điều Bác Hồ dạy nhẹ nhàng đi vào lòng mỗi bạn, không gượng ép. Nhưng nếu mỗi tiểu phẩm chỉ có thế, những lời dạy của Bác sẽ không được hiểu sâu và nhớ lâu. Sau khi xem tiểu phẩm, các bạn có một tuần để suy nghĩ và nói lên cảm tưởng, cùng những việc mà chính các em thấy cần và phải rút ra những bài học bổ ích cho bản thân. Buổi chào cờ tuần tiếp theo, học sinh được thoải mái bày tỏ những suy nghĩ của mình trước toàn trường. Bạn Minh Tâm, lớp 9A3 tâm sự: “Ai vào trường cũng nhìn và thấy Năm điều Bác Hồ dạy được kẻ ngay ngắn treo trên tường hoặc in rất đẹp treo trang trọng ngoài sân trường. Nhưng hiểu rõ, nhìn nhận, gắn bó và ứng dụng với tuổi học trò như thế nào vào cuộc sống và học tập mới quan trọng. Mỗi buổi sinh hoạt, xem tiểu phẩm dưới cờ đã giúp cho từng học sinh chúng em phải suy ngẫm và tự rút ra cho mình bài học.” Còn bạn Thành Lân, lớp 8A5 cũng đồng quan điểm và em đã tự rút ra những điều nên và không nên làm cho bản thân.

Cô Nguyễn Võ Minh Thư, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Trước khi thực hiện một cách quyết liệt việc tuyên truyền “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trường chúng tôi đã thực hiện nhiều kế hoạch, phong trào nhằm đẩy mạnh việc rèn luyện, học tập về văn hóa cũng như trau dồi đạo đức cho học sinh. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng thành công nhất là từ khi nhà trường có những cách làm sáng tạo hơn để các em bộc lộ những khả năng về văn hóa, văn nghệ cũng như mạnh dạn chia sẻ những suy nghĩ của mình về thầy cô, bạn bè. Qua những tiểu phẩm dưới cờ vào sáng thứ hai, các thầy cô rất vui khi nhận thấy ý thức đạo đức của học sinh được nâng lên rõ rệt.  Từ thành công của năm học trước, các thầy cô Trường THCS Tăng Bạt Hổ A quyết định triển khai tiếp mô hình này trong năm học 2008-2009. Ngoài các tiểu phẩm về Năm điều Bác Hồ dạy, còn có một số tiểu phẩm gắn với chủ đề thực hiện nếp sống văn minh đô thị của TP.HCM. Sự quan tâm, thương yêu của thầy cô và những điều tốt đẹp nhất dành cho các em. Không những trong năm học này mà trong những năm tiếp theo khi các em ngày một trưởng thành thì thầy cô và mái trường thân yêu này là “điểm tựa” để các em trở thành những con người có ích cho xã hội”.

Quốc Linh

Bình luận (0)