Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Gần hơn với những giai điệu mùa thu

Tạp Chí Giáo Dục

Không riêng Giai điệu mùa thu, những ai quan tâm các chương trình khác về giao hưởng, cổ điển… thời gian qua sẽ cảm nhận được sự biến chuyển trong nhu cầu khán giả đối với loại hình nghệ thuật hàn lâm này.

Nếu những năm trước, Giai điệu mùa thu là nơi hội ngộ, trở về của rất nhiều “sao” hàn lâm trong và ngoài nước, thì lần này, chương trình “hướng nội” và “chuyên sâu” hơn. Nói như NSƯT Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HSBO), đó không chỉ là những ngày hội tưng bừng mà chuyển sang giai đoạn mới – đi vào chiều sâu với việc thể hiện trọn vẹn những tác phẩm lớn, nhất là của các nghệ sĩ trẻ VN.

Nghệ sĩ violon Sergei Sivolgin (trái) diễn cùng dàn nhạc – Ảnh: N.V

Trong gala đầu tiên – Hòa nhạc giao hưởng (17.8, tại Nhà hát TP.HCM), công chúng đã có cơ hội thưởng thức tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Việt Anh viết cho dàn nhạc giao hưởng – Vàng son, được nghe bản Concerto cho violon và dàn nhạc của Nguyễn Mạnh Duy Linh (tác phẩm đưa anh đến giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất của Liên hoan Âm nhạc quốc tế lần 4 tại Nga)… Hay trong gala 2 – Ballet và múa đương đại, khán giả của Giai điệu mùa thu được thưởng thức tác phẩm múa đương đại Từ trường của các nghệ sĩ VN và nước ngoài: Bùi Ngọc Quân, Quách Phương Hoàng, Samuel Lefeuvre, Francesca Imoda, một nỗ lực trong “giai đoạn mới” để trẻ trung hóa và gần gũi hơn với khán giả của Giai điệu mùa thu. Tiếc là, vì thể loại này còn quá mới với khán giả, lại không được “đôi lời giới thiệu” nên cảm giác người xem khá “căng thẳng” và chưa cảm nhận trọn vẹn tác phẩm.

"Thế hệ của chúng tôi đang làm công tác chuẩn bị, cố gắng xây dựng – hình thành lớp khán giả của loại hình nghệ thuật này"

Nhạc sĩ Việt Anh

Đáng nói hơn, sự xuất hiện của các “yếu tố ngoại” trong Giai điệu mùa thu lần này đều tạo được cảm xúc đẹp từ sự kết hợp hài hòa và tinh tế của họ khi biểu diễn cùng với các nghệ sĩ chủ nhà. Đó là sự hòa điệu đầy ấn tượng của nghệ sĩ violon Sergei Sivolgin (Nga) trong tác phẩm của Nguyễn Mạnh Duy Linh.

Tín hiệu vui từ không gian cổ điển

Với Giai điệu mùa thu 2011, trừ đêm đầu hơi vắng (có lẽ vì đây là đêm khai diễn, ưu tiên cho vé mời, hoặc có thể vì gala này là hòa nhạc giao hưởng – được tách từng thể loại chứ không xen kẽ như những chương trình trước), 2 đêm sau, khán phòng của nhà hát gần như kín chỗ.

Trước đây, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM chỉ diễn định kỳ mỗi tháng/suất, sau đó tăng lên 2 suất/tháng. Từ tháng 5.2011, có thêm suất diễn thứ 3 vào ngày 29 (nhà hát kết hợp với Thành Đoàn TP.HCM thực hiện đêm diễn này phục vụ miễn phí nhằm quảng bá nghệ thuật hàn lâm đến với thanh thiếu niên). Gần đây, những đêm diễn của vở múa Chuyện kể những chiếc giày (vũ đoàn Arabesque), Nhật ký dương cầm (của Trang Trịnh) cũng được đón nhận nồng nhiệt…

Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh (phụ trách Phòng Hành chính – Tổng hợp của nhà hát, thành viên của ê-kíp thực hiện các chương trình này, cùng Việt Anh, Trần Nhật Minh, Nguyễn Phúc Hải, Phúc Hùng) cho biết, không phải vì miễn phí mà khán giả đông, trong những chương trình ngày 9, 19, số vé ưu đãi dành cho sinh viên (60.000đ) cũng đều bán hết; và đó là tín hiệu đáng mừng. Và “nếu tình hình vẫn khả quan, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì 3 suất/tháng”, anh chia sẻ.

Nhạc sĩ Việt Anh cũng rất vui khi thấy các đêm diễn định kỳ của nhà hát đông dần lên. “Nhưng, với loại hình này, chúng ta không thể vội vàng, muốn có khán giả là được, mà cần thời gian. Thế hệ của chúng tôi đang làm công tác chuẩn bị, cố gắng xây dựng – hình thành lớp khán giả của loại hình nghệ thuật này”, anh nói.

Nguyên Vân (Theo TNO)

 

Bình luận (0)