Cuối tuần qua, tại Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa nhà trường (NT) và doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ hội nhập”. Tham dự hội thảo không chỉ có đại diện các cơ sở đào tạo mà còn các đơn vị sử dụng lao động…
NT+DN= sản phẩm chất lượng cao
Là một điển hình gắn kết chặt chẽ giữa NT và DN là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Thời gian qua, trường đào tạo 1.038 kỹ sư cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam, hiện đã có 519 kỹ sư ra trường. Hình thức đào tạo, 70% khối lượng kiến thức theo chương trình đào tạo chuẩn của trường và 30% kiến thức theo thực tế của đơn vị đặt hàng. Chương trình đào tạo được rà soát lại hàng năm theo yêu cầu của đối tác.
PGS.TS Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – cho biết: “Trong số các kỹ sư đã ra trường có nhiều người đang đảm nhiệm chức vụ quan trọng. Bên cạnh đó, trường còn có nhiều nghiên cứu khoa học được áp dụng thành công trong sản xuất, phục vụ cộng đồng. Điển hình là sản xuất, chế biến cà phê và hạt điều”…
Năm 2015, Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ ký kết thỏa ước hợp tác với Ban quản lý Khu chế xuất (KCX) & Khu công nghiệp (KCN) Cần Thơ. Bản thỏa ước này là nền tảng để triển khai các hoạt động phối hợp giữa hai đơn vị cũng như tạo điều kiện tiếp cận các DN trên địa bàn TP.Cần Thơ trong tương lai…
Còn Trường ĐH Cần Thơ, TS. Nguyễn Văn Cương – Phó Trưởng khoa Công nghệ – chia sẻ: “Thời gian qua, Khoa Công nghệ đã lấy ý kiến phản hồi của DN để xác định mục tiêu và thiết kế lại chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho phù hợp yêu cầu của xã hội. Các DN trong và ngoài nước đã tài trợ nhiều mô hình, thiết bị đào tạo; hỗ trợ sinh viên (SV) nâng cao năng lực chuyên môn thông qua học phần thực hành, thực tập tại nhà máy và phát triển các kỹ năng mềm cần thiết thông qua những buổi hội thảo do các công ty tổ chức tại trường. SV được mở rộng mối quan hệ, tăng sự tự tin và cơ hội trong tìm việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Trường ĐH dân lập Cửu Long ký kết hợp tác với 12 DN khu vực ĐBSCL để thực hiện liên kết và thành lập trung tâm ngoại ngữ để đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ Anh văn cho SV các ngành thủy sản, CNTT, sinh vật. Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt – Phó Hiệu trưởng NT – cho biết thêm: “Chúng tôi vừa sang Nhật tìm hiểu nhu cầu lao động, hiện Nhật rất cần nhân lực ngành điều dưỡng và cơ khí. Trường đã ký kết hợp đồng đào tạo, cung cấp nhân lực hai ngành này với một số DN của bạn”.
Tuy nhiên, việc gắn kết giữa NT và DN vẫn còn nhiều hạn chế. Theo TS. Dương Thái Công – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ – thì: “Nguyên nhân khiến các DN không mặn mà với SV thực tập là nhiều em không đáp ứng yêu cầu công việc, khiến DN cảm thấy việc tiếp nhận SV thực tập như mang thêm gánh nặng. Nhiều cơ sở đào tạo có tâm lý phó mặc SV cho DN; NT cũng chưa tạo được niềm tin cho DN. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể về công tác gắn kết NT và DN nên việc vận dụng các mối quan hệ, thỏa thuận giữa NT và DN vào công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của NT còn gặp nhiều khó khăn”.
DN mong NT bỏ bớt lý thuyết
Về phía DN, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Trưởng ban Quản lý các KCX&KCN Cần Thơ – phân tích: “Các DN, công ty cho biết nhiều SV có chuyên môn tốt, hoàn thành công việc được giao nhưng cũng có khá nhiều người không đạt yêu cầu, họ thiếu những kỹ năng như nhạy bén, sáng tạo trong công việc. Riêng ngoại ngữ là hạn chế rất phổ biến của đại đa số SV…”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Quốc – Giám đốc Vườn ươm công nghiệp VN – Hàn Quốc tại Cần Thơ – cho biết: “Có 6 DN Hàn Quốc đã đến Cần Thơ tìm hiểu và đàm phán đầu tư. Họ rất cần người biết tiếng Anh và nhất là tiếng Hàn. Tại những hội thảo do vườn ươm tổ chức phải kiếm phiên dịch tiếng Hàn từ TP.HCM và kiếm rất khó… Trong tương lai gần, các công ty Hàn Quốc tại Cần Thơ cần tuyển dụng đội ngũ nhân lực lớn. Do vậy mong các trường chú ý đào tạo ngoại ngữ cho SV”.
Đối với vấn đề tiếp cận thiết bị kỹ thuật tiên tiến trong đào tạo, các DN thừa nhận: Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, Nhà nước không thể có kinh phí để “chạy theo” những tiến bộ đó trong việc đầu tư thiết bị thực hành cho các trường. Do vậy, cách tốt nhất là SV tiếp cận thiết bị hiện đại tại các DN trong phần thực tập. Tại hội thảo, một số DN cho biết sẽ tiếp nhận SV đến thực tập. Điều này cũng giúp các DN có điều kiện tuyển được người giỏi.
Ông Tăng Hồng – Giám đốc DN tư nhân cơ khí Sông Hậu – khẳng định: “SV học lý thuyết cả trăm tiết cũng không bằng thời gian ngắn trực tiếp điều hành thiết bị. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận SV đến xưởng để thực tập, để các em không bỡ ngỡ khi ra trường”.
Thạc sĩ Trương Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học & Công nghệ Cần Thơ – thẳng thắn: “Theo tôi, NT nên dành nhiều thời gian hơn cho phần thực hành, để SV có chuyên môn và kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường khi tốt nghiệp”.
Đan Phượng
Bình luận (0)