Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Găng tay chuyển ngữ giúp trò chuyện với người khiếm thính

Tạp Chí Giáo Dục

Nhận thấy khó khăn trong giao tiếp giữa người bình thường và những người khiếm thính, Lê Ngọc Anh nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm 'lạ': găng tay chuyển ngữ.

Găng tay chuyển ngữ giúp trò chuyện với người khiếm thính
Lê Ngọc Anh giới thiệu sản phẩm găng tay chuyển ngữ – Ảnh: HUỲNH HÀ

Vô tình xem được đoạn clip trên kênh YouTube giới thiệu mô hình đôi găng tay chuyển ngữ của nhóm sinh viên Mỹ, Ngọc Anh (sinh viên chuyên ngành kỹ thuật cơ điện tử ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng) dành trọn ba tháng nghỉ hè tìm tòi, học hỏi, lắp ráp, dần hoàn thiện sản phẩm cho người khiếm thính Việt Nam.

Ngọc Anh tìm đến các câu lạc bộ dạy ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ hình thể ở TP Đà Nẵng, trực tiếp tiếp xúc với người mắc chứng câm điếc, Anh nghiên cứu logic chuyển động của bàn tay.

Sản phẩm được làm với hình dạng đôi găng tay, thực hiện chuyển ngữ thông qua các ký hiệu, cử động tay, sau đó phát ra tiếng nói để những người bị câm có thể hiểu, hoặc phát lên dòng chữ trên màn hình LCD để người bị điếc có thể đọc và hiểu được cuộc giao tiếp.

Dựa trên các cảm biến uốn cong được thiết kế cho từng ngón tay, Ngọc Anh sử dụng một cảm biến gia tốc để thuật lại các chuyển động nhỏ nhất của bàn tay. Các dữ liệu hình thể này được vi xử lý Arduino Nano kiểm tra độ chính xác so với bảng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam.

Với 27 ký tự chữ cái của hệ ngôn ngữ Việt, Ngọc Anh vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, cải thiện khả năng, thao tác nhanh hơn để phù hợp với người khuyết tật.

“Do thuận tay phải nên lúc sáng tạo mình đã làm găng tay bên phải, lúc xử lý tín hiệu trên máy tính phải sử dụng tay trái nên rất bất tiện. Ngoài ra, mình còn gặp khó khăn ở việc tìm được một người bạn cộng sự cùng đam mê” – Ngọc Anh bộc bạch.

“Với giá thành chỉ 300.000 đồng một chiếc găng tay thông minh, mình hi vọng sản phẩm sẽ phần nào thực hiện giấc mơ giao tiếp của những con người không may mắn trong xã hội. Hi vọng sẽ lan tỏa đến những người đam mê công nghệ như mình, cùng nhau chế tạo sản phẩm phục vụ cộng đồng” – Ngọc Anh hào hứng nói.

TS Nguyễn Danh Ngọc (giảng viên khoa cơ khí ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Ý tưởng của Ngọc Anh đã được đánh giá rất cao. Sản phẩm nhân văn này sẽ là công cụ đắc lực phục vụ giao tiếp cho nhiều người khiếm thính”.

Sản phẩm vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2017 do Đoàn Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng phối hợp cùng Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng tổ chức.

 

HUỲNH HÀ/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)