Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học JAMA góp phần giải thích vì sao có tới 4 triệu người Mỹ đã rời bỏ lực lượng lao động sau đại dịch và vì sao COVID-19 kéo dài có thể gây thiệt hại đến 3.700 tỉ USD cho nước này.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong 2 năm đầu của đại dịch, khoảng 6,2% bệnh nhân COVID-19 đã trải qua ít nhất 1 trong 3 nhóm triệu chứng chính của COVID-19 kéo dài vào 3 tháng sau đó. Trong số này, khoảng 15% vẫn chưa khỏi hẳn sau một năm, tương ứng với 1% tổng số bệnh nhân COVID-19.
Bức tường tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch COVID-19 ở thủ đô London – Anh. Ảnh: Reuters
Kết quả trên được đúc kết từ dữ liệu của 1,2 triệu bệnh nhân COVID-19 tại 22 quốc gia. Hơn 200 tình trạng bệnh lý được chẩn đoán liên quan đến COVID-19 kéo dài nhưng các tác giả đã thu thập thông tin chi tiết về 3 nhóm triệu chứng phổ biến.
Cụ thể, cuộc nghiên cứu ghi nhận 3,7% bệnh nhân có các vấn đề về hô hấp; 3,2% bị mệt mỏi dai dẳng kèm đau cơ thể hoặc thay đổi tâm trạng; 2,2% có vấn đề về nhận thức.
Tuy nhiên, các triệu chứng COVID-19 kéo dài không phải là mối lo hậu đại dịch duy nhất. Theo nghiên cứu, tỉ lệ bệnh tiểu đường, đau tim, đột quỵ, bệnh thận ở bệnh nhân COVID-19 cao hơn người chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2.
"Đại dịch sẽ nâng nguy cơ bệnh tật lên một cấp độ mới" – ông Ziyad Al-Aly, một đồng tác giả cuộc nghiên cứu và là chuyên gia tại Trường ĐH Washington, nhận định.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)