Tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn do người tiêu dùng ngày càng “thắt lưng buộc bụng”.
Ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu chưa kịp lắng xuống thì nay giá điện, gas lại đua nhau tăng từ ngày 1-8 khiến doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng càng chật vật trong ứng phó hơn. Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, giá hàng hóa tăng theo, sức mua sẽ giảm, sản xuất, kinh doanh càng ế ẩm.
Doanh nghiệp lo hàng tồn kho
Ông Đào Duy Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Việt Nam, cho biết ngành sản xuất nhựa hiện nay sử dụng thiết bị chủ yếu bằng điện. Tỉ trọng cơ cấu giá điện trong giá thành sản xuất nhựa chiếm khoảng 10%. Ngoài ra, chi phí lưu thông vận chuyển trong cơ cấu giá sản phẩm nhựa chiếm thêm 4%-5% nữa.
Theo ông Kha, giá điện tăng tuy không ảnh hưởng ngay đến tốc độ giải phóng hàng tồn kho vì lô hàng cũ cần một thời gian nữa mới bán hết nhưng nếu sản xuất với giá điện tăng thêm 5% thì tiêu thụ sản phẩm mới trong thời gian tới sẽ khó khăn. “Với giá điện cũ nhưng sản phẩm làm ra đã khó tiêu thụ thì tăng giá điện, xăng dầu dù với mức tăng không quá lớn… cũng sẽ khiến tiêu thụ sản phẩm gặp khó” – ông Kha lo lắng.
Đại diện ngành thép, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng muốn hay không muốn thì giá điện cũng phải tăng để bảo đảm giá bán ngang bằng với giá thành sản xuất, kinh doanh bởi ngành điện hiện nay đang kêu lỗ. Thế nhưng, muốn tăng giá phải có sự tính toán để bảo đảm lộ trình tăng hợp lý, nhất là thời điểm tăng.
Ngành may sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào, trong đó có giá điện. Ảnh: HỒNG THÚY
Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết sản xuất cán thép tiêu thụ 80-100 KWh điện/tấn, sản xuất phôi thép tiêu thụ 400-450 KWh điện/tấn sản phẩm. Tăng giá điện 5% sẽ khiến đầu vào sản xuất ngành thép tăng thêm 50.000 đồng/tấn phôi thép. “Tuy tăng không quá lớn nhưng DN ngành thép chắc chắn vẫn bị dồn lên vai nhiều khó khăn vì nhiều DN hiện đã bán hàng dưới giá thành, tăng thêm bao nhiêu thì khó khăn bị chồng thêm bấy nhiêu” – ông Nghi nói.
Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX TM May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), cho hay: Không chỉ giá điện, xăng mà nhiều loại chi phí đầu vào khác cũng tăng nhưng đơn giá hàng may mặc không tăng hoặc tăng chậm nên các DN phải cắn răng chịu đựng. DN nào không chịu nổi thì phải đóng cửa, phá sản. “Tình hình này khiến chỉ những đơn vị làm ăn giỏi mới tồn tại được” – ông Nguyễn Ân nói.
Người tiêu dùng “thắt”… hết cỡ
Theo quy luật, khi điện, xăng, gas… tăng giá sẽ tác động dây chuyền đến giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác và bồi thêm gánh nặng áp lực chi phí cho người tiêu dùng.
Chị Đặng Thảo, nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM, tâm sự đọc báo thấy giá điện tăng 5% là phát rầu. Kiểu này, thế nào chi tiêu mỗi tháng cũng bị đội thêm ít nhất vài trăm ngàn đồng.
Chị Thảo tính toán: Năm 2012, giá gas tăng liên tục và xảy ra nhiều vụ cháy nổ gas nên gia đình chị chuyển sang dùng bếp điện. Thời gian đầu, tiền điện mỗi tháng chỉ 700.000-800.000 đồng. Qua mấy đợt tăng giá điện, tiền điện mỗi tháng đã lên đến 1-1,1 triệu đồng. Giờ giá điện tăng 5%, mỗi tháng phải trả thêm vài chục ngàn đồng nữa. Tiền xăng thì từ đầu tháng 7 đến giờ đã tăng thêm 160.000 đồng.
Đi chợ, rau củ, thịt cá mỗi thứ tăng chút ít nhưng cũng thêm khoảng 300.000-400.000 đồng/tháng. “Hai vợ chồng đều làm công ăn lương, thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho gia đình 5 người đã gần hết, phải dè sẻn lắm mới để dành được chút đỉnh. Tháng nào có nhiều đám tiệc hoặc mua sắm quần áo, vật dụng ngoài kế hoạch là không có dư nên cứ nghe giá tăng là rầu” – chị Thảo ngao ngán.
Tương tự, chị Kim Anh (quận 7, TP HCM) kể rằng từ đầu năm nay, vợ chồng chị đã tiết kiệm tối đa: ăn sáng ở nhà, mang theo cơm trưa, thỉnh thoảng săn voucher giảm giá để đưa con đi ăn, đi chơi chứ không dám ăn uống bên ngoài tùy hứng như trước đây. Giờ không còn khoản nào để cắt nên rất khó.
Cũng bức bối vì thu nhập tăng không kịp giá, chị Huỳnh Ngọc Trân, nhà ở quận 6, TP HCM, than: “Buôn bán ngày càng ế ẩm, nguồn thu chính của cả nhà từ sạp hóa mỹ phẩm ở chợ Phú Lâm chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tiền điện, gas, gạo, sữa cho con… mỗi tháng mỗi tăng, tôi xoay như chong chóng mà cũng không đủ chi tiêu”…
Tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê, cho biết giá điện bình quân tăng 5% sẽ có tác động trực tiếp làm CPI tháng 8 tăng thêm 0,12% ở vòng 1. Bên cạnh đó, một yếu tố khác làm CPI tháng 8 tăng tốc là lực đẩy của 2 đợt tăng giá xăng dầu trong các ngày 28-6 và 17-7. Tính chung 2 đợt điều chỉnh này, CPI sẽ tăng thêm gần 1% ở vòng 1. Mức tăng giá sẽ cộng hưởng nhiều hơn ở các vòng quay tiếp theo trong quá trình sản xuất, lưu thông sử dụng nhiên liệu điện và xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng tuy lạm phát không còn là “con ngựa bất kham” do trong 7 tháng, CPI chỉ tăng 2,69% nhưng nguy cơ tiềm ẩn tái lạm phát vẫn còn vì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát của chúng ta chưa có nền tảng vững chắc. Xăng dầu, điện là những nguyên liệu vật tư đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và người tiêu dùng, làm chi phí đầu vào tăng, khiến giá thành bị đẩy cao, gây khó khăn cho tiêu thụ và ảnh hưởng xấu đến tồn kho doanh nghiệp, sau đó là ảnh hưởng tới CPI cuối năm.
T.Hà – P.Nhung
|
Người Lao Động
Bình luận (0)