Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gánh nợ cho DN: Áp lực nợ công tăng cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Đối ngoại – Bộ Tài chính, cho biết hiện có tình trạng nhiều DN, thậm chí cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ không trả được nợ.

Bộ Tài chính chỉ tạm ứng trả nợ thay

Bộ Tài chính đã bảo lãnh cho 16 dự án xi măng với 1,365 tỉ USD. Tuy nhiên, đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho DN vay lại thì tới nay, trong số hơn 500 dự án vay lại, tỉ lệ nợ xấu chỉ vào khoảng 0,7%. Trong tổng số 74 dự án đang được Chính phủ bảo lãnh, chỉ có sáu dự án đang gặp khó khăn về trả nợ. Đây là các dự án có khó khăn tạm thời chứ không phải mất khả năng thanh toán.

Nói rõ hơn, ông Đô cho biết Bộ Tài chính chỉ trả nợ thay chứ không phải cho không các dự án này. Vì theo quy định của Luật Quản lý nợ công, trường hợp người được bảo lãnh không có khả năng trả nợ kịp thời, đầy đủ đối với người cho vay, dẫn đến việc Bộ Tài chính phải trả nợ thay; nếu người được bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời không trả được nợ lãi trong vòng ba kỳ trả nợ, Bộ Tài chính yêu cầu đại diện chủ sở hữu hoặc công ty mẹ của người được bảo lãnh trả nợ thay. Trường hợp đại diện chủ sở hữu hoặc công ty mẹ không có khả năng trả nợ thay, Bộ Tài chính được phép tạm ứng từ quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ. Trên ba kỳ trả nợ thì Bộ Tài chính phải trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý.
“Tuy nhiên, việc trả nợ được Bộ Tài chính thực hiện theo hình thức tạm ứng trả và DN (người được bảo lãnh) phải nhận nợ đối với quỹ tích lũy trả nợ và trả lại Bộ Tài chính khoản đã tạm ứng sau đó. Bộ Tài chính không trả thay cho DN” – ông Đô nhấn mạnh.
Lo ngại nợ công tăng lên
Tỉ lệ nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP tại thời điểm 31/12/2010 là 42,2%. Dư nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của DN được Chính phủ bảo lãnh tại thời điểm 31-12-2010 là 32,5 tỉ USD.
(Nguồn: Bộ Tài chính)

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2010, tổng dư nợ nước ngoài là trên 42% GDP. Xu hướng nợ nước ngoài tăng khá nhanh trong thời gian gần đây do thời gian qua có nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai với các khoản vay lớn từ nước ngoài. Mặt khác, các DN vay thương mại nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả cũng có xu hướng tăng nhanh, nhất là nợ ngắn hạn.

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, nhận định vấn đề của chúng ta bây giờ là phải nghiên cứu kỹ xem việc vay nợ công để làm gì, khi vay thì có hiệu quả gì và phải hoàn trả ra sao. Chứ đừng vay rồi lại để giải quyết tiếp nợ những dự án vay không hiệu quả trước đó. Thực tế ở Nhật, nợ công đến 200% GDP, Pháp gần 100%… Nói như thế không phải tạm bằng lòng với con số 42% GDP của chúng ta.
Ông Bùi Kiến Thành cũng đưa ra cảnh báo: Nếu Nhà nước ra tay giúp các DN làm ăn thua lỗ thì sẽ xảy ra tình trạng không ai sợ bị phá sản cả. Không ai sợ cách quản lý của mình vì kiểu gì cũng có người cứu vớt. Các DN dù của Nhà nước hay tư nhân cũng đều phải hoạt động bình đẳng trước pháp luật chứ không có chuyện anh cứ làm đi rồi nếu khó khăn thì sẽ có Nhà nước giúp đỡ. Còn vấn đề của các công ty xi măng, Chính phủ không hề bảo lãnh cho họ. Các công ty này tự đi vay, giờ mất khả năng thanh toán và xin Chính phủ đứng ra gánh giùm. Nếu Nhà nước cứ đứng ra gánh hộ nợ cho các DN làm ăn không hiệu quả thì chắc nợ công sẽ không dừng lại ở con số 42% GDP.
Để kiểm soát việc vay nợ nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục giám sát chặt chẽ, không vượt quá kế hoạch. Chủ trương huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay cần gắn liền với việc xây dựng hạn mức nợ, xác định mức vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ, đảm bảo an toàn nợ…
Nguồn PHÁP LUẬT TP.HCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)