Chị Thủy mỗi ngày với gánh ve chai nuôi con ăn học |
Đã hơn 10 năm qua, ngày nào chị Nguyễn Thị Thủy cũng rảo bước khắp phố phường Đà Lạt mua, bán ve chai để nuôi cả gia đình và cho 3 con vào đại học…
Tôi tìm đến căn nhà giữa lúc chị Thủy đang chạy vạy mượn tiền cho cô con gái út về TP.HCM dự thi đại học (đợt II). Trong căn nhà cấp 4 của chị chẳng có gì đáng giá, ngoài chiếc xe đạp cũ, vài thứ đồ dùng sinh hoạt rẻ tiền và đôi quang gánh còn chất đầy chai lọ, nhôm, nhựa, giấy vụn…
Nghèo vẫn hoàn nghèo
Chị Thủy cho biết, năm 1986 gia đình chị rời Mê Linh (Hà Nội) vào huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) lập nghiệp. Sau 10 năm (1986-1996) cần cù gây dựng cơ nghiệp tại đây, cuộc sống gia đình chị vẫn cứ nghèo. Chồng chị – anh Nguyễn Xuân Tiến thường xuyên đau ốm bệnh tật, các con thì đang tuổi ăn học. Để tạo điều kiện thuận lợi cho con học hành, từ năm 2000 chị Thủy đưa bốn đứa con lên Đà Lạt sinh sống, đồng thời mua lại căn nhà ván làm nơi cư trú cho mấy mẹ con. Đến năm 2007, khu đất nhà chị Thủy ở bị thu hồi để cho một công ty kinh doanh thuê, chị chỉ được hỗ trợ vài triệu đồng nên không đủ để tìm chỗ ở khác. Giữa lúc tưởng chừng bế tắc, gia đình chị được bà Lại Thị Mùa có căn nhà số 42/1- đường Phan Đình Phùng, TP.Đà Lạt (không sử dụng) cho ở nhờ trông coi nhà giùm.
Quyết tâm đầu tư việc học cho con
Đưa con lên Đà Lạt sinh sống, lúc đầu, chị Thủy đi làm cho Công ty XQ (Xuân Quân – Đà Lạt), nhưng do mắt kém không đảm bảo được công việc nên chị đành nghỉ. Từ đó, người mẹ này bắt đầu những năm tháng mua gánh bán bưng để có tiền trang trải cuộc sống: khi thì bán trái cây, khoai lang chín, lúc lại buôn chuối dọc đường… Nhiều lần chị bị công an tịch thu mất cả vốn. Cuối cùng, chị Thủy quyết định chuyển sang mua bán ve chai. Công việc này đòi hỏi chị phải đi bộ nhiều, len lỏi trên từng con hẻm, góc phố, đến từng nhà dân mua gom vật dụng thừa rồi gánh về bán lại cho cơ sở kiếm lời. Mỗi ngày dù nắng hay mưa, chị Thủy đều thức dây từ 4 giờ sáng mua thức ăn chuẩn bị sẵn trong ngày cho con rồi lặng lẽ lên đường cho đến tối mịt mới về. Vất vả cả ngày mà chị chỉ kiếm được mấy chục ngàn đồng. Thế nhưng ngay cả lúc ốm đau, mệt mỏi rã rời chị cũng không dám nghỉ bởi nguồn thu chính của mấy mẹ con chị đều trông chờ vào những gánh ve chai.
Bù lại, những người con của chị học hành rất chăm chỉ. Con gái đầu của chị – Nguyễn Thị Kim Thanh (sinh năm 1984) tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM đã được 2 năm nay, về công tác tại Công ty Thiết kế tàu biển Habaco TP.HCM và đang học tiếp cao học; con trai kế Nguyễn Đình Trọng đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, rồi cô út Nguyễn Lan Hương năm nay thi vào Đại học Luật.
Ngoài việc chạy vạy kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học thành tài, vợ chồng chị Thủy còn phải cực khổ chăm sóc cô con gái thứ hai (23 tuổi) bị bệnh tâm thần phân liệt bẩm sinh. Dù cực khổ, thiếu thốn nhưng gia đình chị vẫn luôn tràn ngập niềm vui bởi các con đều biết thương yêu nhau, hiếu thảo với cha mẹ. Chị Thủy xúc động: “Biết tôi cực khổ lo cho cả nhà, Trọng vừa đi học vừa đi dạy kèm, phụ việc tại các quán ăn… dành dụm tiền nhưng không dám xài để gửi về cho mẹ”. Cầm những đồng tiền do con trai gửi về, nước mắt chị Thủy lặng lẽ rơi…
Bài, ảnh: Dương Thanh Hồng
Người ta nói, đầu tư cho việc học hành của con cái là sự đầu tư thiết thực nhất cho tương lai. Chị Nguyễn Thị Thủy tuy không hiểu nhiều, nhưng lại sẵn lòng hy sinh cho việc học hành của con cái bởi theo chị đó là tình yêu thương, trách nhiệm và là niềm hạnh phúc giản dị của một người mẹ. |
Bình luận (0)