Một số giống lúa gạo trước đây bị đánh giá là phẩm cấp thấp, bị người tiêu dùng chê thì nay lại đắt hàng do tính đa dụng cùng sự khan hiếm…
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số giống lúa loại bình dân phổ biến hiện nay như IR50404, ML202, lúa đá… gần đây có giá tương đương lúa thơm. Lúa tươi IR50404 tại ĐBSCL ngày 29-8 được bán với giá ở 5.400-5.600 đồng/kg, chỉ thấp hơn các giống lúa thơm thường 100-500 đồng/kg. Trong khi đó, 3 năm trước, giá lúa tươi IR50404 thấp hơn lúa thơm thường khoảng 1.000 đồng/kg.
Thiếu gạo bình dân
Rao tìm nguồn cung gạo IR50404 trên nhiều diễn đàn và nhóm kết nối lúa gạo – nông sản suốt 1 tuần qua, ông Phan An, chủ một công ty thương mại nông sản tại TP HCM, đành phải bỏ đơn hàng vì không đàm phán được giá. "Có một khách nước ngoài nhờ tôi tìm mua gạo để họ làm bột nhưng giá gạo loại bình dân của Việt Nam hiện cao quá. Mấy năm trước, gạo này luôn có giá 9.000 đồng/kg, nay đã hơn 10.000 đồng/kg. Đối tác quyết định chuyển sang nhập khẩu gạo Ấn Độ với giá rẻ hơn đáng kể" – ông An tiếc nuối.
“Gạo đa dụng” là nguyên liệu cần thiết cho các nhà máy chế biến bột gạo
Ông T.V.K, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại TP HCM, cho hay gần đây doanh nghiệp của ông tăng nhập khẩu cám gạo, tấm gạo và gạo giá rẻ từ Ấn Độ để phục vụ thị trường trong nước. "Chất lượng những sản phẩm này của Ấn Độ không bằng hàng Việt Nam nhưng giá rẻ hơn nhiều, các nhà máy có thể phối trộn một phần để giảm giá thành sản phẩm" – ông T.V.K nhận xét.
Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), thời gian gần đây, khi bắp, lúa mì, khoai mì tăng giá mạnh, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh công thức sản xuất bằng cách dùng tấm, gạo thay thế những nguyên liệu giá cao để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu phù hợp và giá rẻ tại thị trường trong nước không nhiều.
"Trước đây, gạo IR50404 luôn có giá rẻ nhất, cạnh tranh rất tốt ở phân khúc "gạo đa dụng" nhưng nay giá tăng cao vì khan hiếm. Nhiều thời điểm giá gạo này còn cao hơn gạo thơm. Nguyên nhân do diện tích trồng giống lúa giảm trong khi nhu cầu của các cơ sở làm bánh tráng, bún, bánh, phở tăng" – ông Hòa chỉ rõ.
Ông Hòa góp ý nông dân không nhất thiết phải trồng lúa chất lượng cao mà có thể lựa chọn canh tác những giống lúa đa dụng, năng suất cao, dễ trồng và giá thành thấp để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm.
"Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp liên kết cùng nông dân xây dựng vùng trồng lúa gạo IR50404 thì có nguy cơ xảy ra tình trạng doanh nghiệp không đủ năng lực thu mua khi vùng trồng thu hoạch đồng loạt. Đó là lý do vì sao các mô hình cánh đồng lúa lớn những năm gần đây có xu hướng thu hẹp" – ông Hòa đặt vấn đề.
Cần cách nhìn khác
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, sản lượng xuất khẩu lúa gạo năm 2025 đạt khoảng 5 triệu tấn (những năm gần đây từ 6-6,5 triệu tấn/năm). Trong đó, gạo thơm, đặc sản và gạo Japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm chất trung bình và thấp là 15%, sản phẩm từ gạo 5%. Đáng chú ý, tỉ lệ xuất khẩu có thương hiệu chiếm 20%. Như vậy, các dòng gạo dùng cho chế biến chưa được quan tâm, nhìn nhận và định danh thích hợp.
Theo TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, trước đây, gạo IR50404 tiêu biểu cho dòng gạo giá rẻ do được nông dân trồng rất nhiều. Đây là giống lúa dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao nên dù giá bán thấp hơn các giống khác thì nông dân vẫn chuộng bởi hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, có những giai đoạn giống lúa này được trồng quá nhiều, tiêu thụ không hết, buộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải khuyến cáo nông dân chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao.
TS Đào Minh Sô cho rằng đã đến lúc cần nhìn nhận đúng về những giống lúa gạo được xem là phẩm chất trung bình và thấp (theo Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030 – PV). Từ đó, ông Sô đề xuất sử dụng khái niệm "gạo đa dụng" để nói về những giống lúa này.
"Mỗi giống gạo có một phân khúc và lợi thế cạnh tranh. "Gạo đa dụng" có thể phục vụ đa mục tiêu, ví dụ kinh doanh dịch vụ cơm bình dân, chế biến bún, bánh phở và dùng làm thức ăn chăn nuôi. Hiện có vùng chuyên trồng lúa khô phục vụ làng nghề bánh tráng như huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) hay chuyên trồng lúa cho gia cầm ăn trực tiếp như huyện Củ Chi (TP HCM)" – ông Sô dẫn chứng.
Cũng theo TS Đào Minh Sô, những năm gần đây, do Việt Nam định hướng phát triển gạo thơm nên thiếu sự quan tâm đối với những giống "gạo đa dụng" dù trước đó đã có những giống rất tốt. Chẳng hạn, giống IR50404 sau 30 năm trồng đã bắt đầu thoái hóa, khả năng kháng bệnh giảm và đây là một trong những lý do khiến diện tích trồng giống lúa này giảm. Do đó, rất cần nhà nước quan tâm thực hiện những chương trình phục tráng giống, giúp nông dân có những giống lúa tốt, khả năng kháng bệnh cao.
Giới chuyên gia đánh giá với đặc điểm dễ trồng, năng suất cao và mức giá không kém gạo thơm, người trồng lúa đa dụng có thể thu lợi kép. "Thị trường cần nguồn cung "gạo đa dụng" để phục vụ nhu cầu kinh doanh cơm bình dân, chế biến bún, phở, miến và làm thức ăn chăn nuôi. Đây có thể là thị trường ngách hấp dẫn để nông dân hồi phục canh tác những giống lúa bình dân" – một chuyên gia nhìn nhận.
Bún hữu cơ từ gạo lúa mùa
Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng (TP HCM), cho biết doanh nghiệp vừa phát triển thêm sản phẩm chế biến từ gạo hữu cơ. Theo ông Tú, sản xuất bún cần sử dụng loại gạo khô nhưng thị trường gạo hữu cơ phần lớn là gạo dẻo, chỉ phù hợp để nấu cơm. Do vậy, công ty đã phát triển vùng trồng gạo hữu cơ Nàng Keo – một giống lúa mùa bản địa ở tỉnh Bến Tre, cho ra gạo khô đạt yêu cầu. Sau thu hoạch, gạo được để khoảng 4-6 tháng rồi mới đưa vào sản xuất để cho ra sợi bún chất lượng cao.
|
VƯƠNG NGỌC (theo NLĐ)
Bình luận (0)