Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gạo mốc gây bệnh lạ?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28.4, sau khi đi thực tế và đến thăm một số bệnh nhân mắc bệnh tại xã Ba Điền, H.Ba Tơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn khảo sát của Bộ Y tế gồm hơn 40 chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học, xét nghiệm, lâm sàng đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Bộ trưởng Y tế thăm ông Phạm Văn Nhọc ở xã Ba Điền, bị bệnh lạ rất nặng đang nằm nhà
chờ chết – Ảnh: Hiển Cừ
Tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Lân, Cục phó Cục Y tế dự phòng, nói qua khảo sát thấy các hộ ở gần nhau, dùng chung nguồn nước giếng hoặc nước tự chảy lấy từ trên núi nhưng không phải gia đình nào cũng có người mắc bệnh. Điều này cho thấy chưa có bằng chứng lây bệnh qua đường không khí và lây từ người sang người. Theo ông Lân, nguyên nhân gây bệnh là nghi bị nhiễm độc. “Qua khảo sát có đến 68% hộ ăn gạo không trắng (gạo ủ) bị mắc bệnh, 32% hộ ăn gạo trắng lại không bị bệnh”, ông Lân cho biết.
 
 
19 người tử vong
Theo báo cáo của UBND H.Ba Tơ, tính đến 28.4, có 178 người mắc bệnh lạ viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, trong đó có 19 trường hợp tử vong. Hiện số bệnh nhân mắc bệnh lạ đang điều trị tại các bệnh viện là 29 trường hợp, trong đó có 2 ca diễn biến bệnh rất nặng.
 
Ông Trần Hậu Khang, Viện trưởng Viện Da liễu T.Ư, là người đã trực tiếp 3 lần vào xã Ba Điền khảo sát bệnh lạ cũng đồng quan điểm trên. Theo ông Khang, sau khi lấy 7 mẫu gạo phân tích thì có 4 mẫu có chỉ số nấm mốc lớn hơn giới hạn cho phép. “Nhà nào ăn gạo mốc có nhiều người mắc bệnh hơn. Cụ thể, trong số 12 hộ, có 4 hộ đều ăn gạo ủ thì có người mắc bệnh, còn 8 hộ ăn hoàn toàn gạo trắng hoặc trộn gạo trắng với gạo ủ lại không mắc bệnh”, ông Khang dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, hoài nghi: “Từ bao đời nay đồng bào dân tộc thiểu số ở Ba Tơ gặt lúa về đều không phơi mà chỉ ủ vào chòi lúa. Đến khi xay ra gạo mới đem phơi nên gạo có mùi (gọi là gạo ủ – PV). Từ đời ông, đời cha đến đời chúng tôi ăn hoài gạo như thế nhưng có sao đâu. Vậy liệu gạo mốc có phải là nguyên nhân gây bệnh. Đề nghị Bộ Y tế cần xác định rõ”.
Tiếp tục nghiên cứu
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến thời điểm này đã có 3 đoàn công tác về xã Ba Điền, H.Ba Tơ để khảo sát tìm nguyên nhân căn bệnh viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân cũng như đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. “Bộ sẽ tiếp tục cử một đoàn nghiên cứu khác cũng “hùng mạnh” cỡ 30- 50 người vào Ba Tơ trong thời gian 7-10 ngày theo một thiết kế nghiên cứu chặt chẽ như các tổ chức quốc tế về dịch tễ, căn nguyên và lâm sàng. Trong đợt khảo sát này cũng phải chờ kết quả phân tích về vi sinh, độc chất… để tìm tác nhân gây bệnh”, Bộ trưởng nói.
Trong lúc chưa tìm ra nguyên nhân bệnh, trước mắt Bộ Y tế sẽ cố gắng khống chế số bệnh nhân tử vong, bằng cách cung cấp các trang thiết bị về chống độc gan, lọc máu cho Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đồng thời chỉ đạo các bệnh viện T.Ư ở khu vực tiếp nhận bệnh nhân nặng; đưa ra phác đồ điều trị mới, tăng cường cán bộ từ bệnh viện T.Ư vào Quảng Ngãi hỗ trợ công tác điều trị.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần hỗ trợ gạo trắng cho người dân ở vùng mắc bệnh lạ ăn, thay gạo mốc trong một thời gian đồng thời tiếp tục dùng hóa chất khử sạch môi trường, cung cấp dinh dưỡng cho người dân… 
Hiển Cừ
Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)