Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gạo ngoại “đè” gạo nội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chuyện khó tin lại đang hiển hiện nhiều năm qua tại thị trường VN: gạo ngoại nhập chiếm lĩnh hầu hết các điểm cung cấp lương thực cho người tiêu dùng trong nước!

 
Không phải tới thời điểm hiện nay gạo ngoại mới xâm nhập thị trường tại các thành phố lớn, thậm chí ở ngay vựa lúa cả nước là ĐBSCL, gạo ngoại từ lâu đã len lỏi vào bữa ăn của nhiều gia đình.
Gạo Thái Lan, Đài Loan trên sạp – Ảnh: Diệp Đức Minh
“Dân đã quen ăn gạo nhập”
Tại các tỉnh ĐBSCL, gạo ngoại hiện đang được bày bán tràn lan đến mức lấn át cả gạo trong nước. Một tiểu thương chợ Tịnh Biên (An Giang) giải thích: “Gạo của Campuchia thơm ngon nên nhiều người chuộng ăn lắm. Vì vậy, giới tiểu thương ở Tịnh Biên chủ yếu bán gạo ngoại từ 80% – 90%, trong khi tỷ lệ sử dụng gạo nội chỉ khoảng 10% – 20%”.
Không riêng gì Tịnh Biên mà tại các khu vực biên giới ở Châu Đốc, cửa khẩu Khánh Bình, Vĩnh Xương (An Giang); Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp); Hà Tiên (Kiên Giang)… nhiều loại gạo xuất xứ từ Campuchia và Thái Lan được bày bán nhan nhản. Ngay cả những nơi xa biên giới như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… các loại gạo ngoại cũng rất   phổ biến.
Một vị lãnh đạo Công ty lương thực Long An thừa nhận: “Hiện nay ở dọc vùng biên giới của Long An như Mộc Hóa, Tân Hưng, Đức Huệ… gạo Thái chiếm ưu thế. Gạo Thái giá chỉ khoảng 13.000 – 14.000 đồng/kg trong khi gạo cao cấp của VN phải đến 15.000 – 16.000  đồng/kg. Lâu nay người dân vùng biên giới đã quen ăn gạo nhập”.
Ở TP.HCM, hầu hết các điểm bán lương thực đều có gạo ngoại. Tại đại lý gạo Gia Định (đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình), gạo Thái Lan được bán giá 11.000 đồng/kg, gạo Đài Loan từ 12.000 – 13.500 đồng/kg. Cách đó không xa, đại lý gạo Kim Chân cũng niêm yết gạo thơm Đài Loan: 13.500 đồng/kg, gạo thơm Thái Lan: 12.500 đồng/kg. Trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), các vựa, cửa hàng gạo như Thanh Phong, Tấn Phát, Tố Nga… đều bán gạo thơm Thái Lan, Nhật, Đài Loan, Mỹ. Tại vựa Thanh Phong, gạo Đài Loan được niêm yết giá 11.500 đồng/kg, gạo Thái Lan loại thường từ 10.000 – 11.000 đồng/kg, loại ngon từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, gạo Mỹ 11.000 – 14.000 đồng/kg, gạo Nhật Bản 12.000 đồng/kg…
“Muốn cải thiện chất lượng hạt gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt thì không nên chạy mãi theo số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng. Bởi chất lượng mới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thời buổi cạnh tranh hiện nay” – Giáo sư – tiến sĩ Võ Tòng Xuân
Gạo Việt ở đâu?
Trên thực tế, người dân thích ăn gạo nhập ngoại còn do yếu tố gạo thơm trồng ở Thái Lan hoặc Campuchia có mùi thơm hơn, ngon hơn gạo cùng loại được trồng ở nước ta, vì chủ yếu là lúa mùa dài ngày, như gạo Khaodawk Mali trồng ở vùng đông bắc Thái Lan. Trong khi đó thì gạo Nàng Hương Chợ Đào cũng là đặc sản nổi tiếng của VN, nhưng diện tích chỉ có khoảng 400 ha tại ấp Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An. Nếu tính năng suất tối đa là 6 tấn/ha thì mỗi năm cũng chỉ có 2.400 tấn lúa, tương đương khoảng 1.200 tấn gạo, quá ít so với nhu cầu tiêu thụ rất lớn.
Ngoài đặc sản gạo Nàng Hương Chợ Đào, Long An còn có gạo Khaodawk Mali trồng ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước cũng thơm và rất ngon cơm nhưng diện tích lại không nhiều, sản lượng quá ít nên không đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ gạo cấp cao của thị trường.
Anh Võ Quốc Hưng, chủ một doanh nghiệp cung ứng gạo xuất khẩu tại TP Mỹ Tho, kể: “Thường dịp Tết Nguyên đán nhiều người có nhu cầu mua gạo thơm để làm quà biếu nhưng năm nay do nhuần, không trúng thời điểm thu hoạch nên gạo Nàng Hương Chợ Đào càng hiếm. Gạo Nàng Hương Chợ Đào bây giờ mất tiếng vì bị pha trộn quá nhiều. Có năm tôi phải mua lúa tận gốc từ Cần Đước đem về xay ra gạo nhưng cũng không thơm vì giống đã bị lai tạp. Vì vậy Tết năm nay tôi đã mua lúa Lài sữa từ Campuchia đem về để xay ra gạo, dù chất lượng không bằng Nàng Hương Chợ Đào nhưng cũng rất thơm, mềm và   ngon cơm”.
Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam, khi còn là Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, đã thừa nhận: “Đúng là chất lượng gạo của chúng ta chưa thể cạnh tranh được với gạo Thái. Cùng trên một cánh đồng nhưng chúng ta có đến hàng trăm giống lúa đã bị lai tạp, trong khi ở Thái Lan chỉ có 1, 2 giống, được trồng đồng nhất trên cả nước. Chính vì vậy khi nấu thành cơm, gạo Thái Lan luôn ngon và thơm lâu hơn gạo VN”.
Giáo sư – tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang, cũng nói: “Chúng ta không thiếu những loại gạo đặc sản, chất lượng cao như Nàng Nhang, Nàng Hương, Tám Xoan…, tuy nhiên diện tích trồng những loại gạo này quá ít không đủ tiêu thụ nội địa, nói gì đến xuất khẩu. Muốn cải thiện chất lượng hạt gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt thì không nên chạy  theo số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng. Bởi chất lượng mới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thời buổi cạnh tranh hiện nay”.
Khuyến cáo chung chung…
Dù thế nào thì từ thực tế dân ở vựa lúa ĐBSCL, nơi chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, lại đi ăn gạo ngoại đang là một một nghịch lý buộc các ngành chức năng phải suy nghĩ. Trong khi chúng ta chỉ tập trung vào sản xuất gạo cấp thấp để phục vụ xuất khẩu thì gạo ngoại cao cấp đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa bởi nhu cầu sử dụng gạo cao cấp của người tiêu dùng trong nước đã tăng lên rất nhiều.
Thế nhưng trong định hướng sản xuất lúa vụ đông xuân 2009-2010, Bộ NN-PTNT cũng chỉ khuyến cáo chung chung: “Mỗi tỉnh, thành nên chọn 3 – 5 giống chủ lực, 2 – 3 giống bổ sung và một vài giống lúa triển vọng có thể thay thế giống chủ lực khi gặp điều kiện không thuận lợi. Cơ cấu một giống lúa không vượt quá 20% diện tích lúa của toàn tỉnh; trong trường hợp đặc biệt, giống lúa có nhu cầu thị trường rộng, diện tích không vượt quá 30%. Các giống chủ lực có thể bố trí sản xuất tập trung theo từng giống để thuận lợi cho việc thu mua, chế biến. Một số địa phương có điều kiện thuận lợi có thể trồng các giống lúa thơm cao sản để cung cấp gạo chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu”.
Chính vì không có một quy hoạch cụ thể nên việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu cao cấp vẫn lâm vào cảnh cung không đủ cầu và từ đó nhường hẳn sân chơi cho sản phẩm ngoại nhập. Để không bị thua ngay trên sân nhà, ngay từ bây giờ việc quy hoạch cụ thể những vùng trồng lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu phải nhanh chóng thực hiện.

Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)