Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gạo nội gắn mác gạo ngoại để bán giá cao

Tạp Chí Giáo Dục

Tại các siêu thị và các quầy hàng gạo hiện nay nhan nhản các loại gạo gắn mác ngoại như thơm Thái, thơm Mỹ, gạo Đài Loan, gạo Nhật… mà thực chất đều là gạo nội. Việc này vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa khiến nông dân bất bình.

Các loại gạo được bán tại một cửa hàng ở phố Quan Nhân, Hà Nội.
Đội lốt gạo ngoại
Chủ một đại lý gạo tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá các loại gạo ngoại thường đắt hơn gạo nội từ 2- 3 lần. Những người khá giả, sính hàng ngoại thì thích mua gạo ngoại… Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Học – Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ GSD chuyên kinh doanh mặt hàng gạo (có cửa hàng ở phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết:
Hầu hết những sản phẩm gạo gắn mác ngoại bày bán ở trong các siêu thị, cửa hàng hiện nay đều không phải được nhập khẩu, mà chỉ là giả nhãn mác hàng ngoại, hoặc đó là sản phẩm từ các giống lúa ngoại trồng ở Việt Nam. Hiện phổ biến tình trạng các loại gạo được sản xuất trong nước, nhưng chỉ cần gắn mác ngoại thì giá đã tăng 30-50% so với gạo nội…
Thời gian gần đây, trên thị trường Việt Nam xuất hiện loại gạo Akita – một thương hiệu gạo nổi tiếng của Nhật Bản đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Chỉ có điều, theo giá chào hàng trên website của Hiệp hội Gạo Akita Nhật Bản, thì loại gạo này được xuất khẩu vào EU với giá 27 euro/kg (tức trên 70.000 đồng/kg).
Thế nhưng ở các siêu thị tại Việt Nam, loại gạo này lại chỉ được bán với giá 35.000- 50.000 đồng/kg. Ông Học cho biết, Công ty GSD cũng bán loại gạo này, với giá 28.000 đồng/kg. Đây là giống lúa của Nhật Bản cung cấp cho nông dân ở Thái Bình trồng trên cánh đồng mẫu lớn, được đóng bao để xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Thế nhưng, rất nhiều siêu thị, cửa hàng nhập nhèm bằng cách họ đóng vào bao bì với nhãn mác tiếng Anh và giới thiệu gạo này nhập khẩu từ Nhật Bản.
Một cách lập lờ khác về nguồn gốc gạo, theo tìm hiểu của chúng tôi, biết người Việt Nam thích loại gạo tám thơm của Thái Lan, nên nhiều loại gạo tám do người dân tộc Thái ở Sơn La, Điện Biên sản xuất đã được các doanh nghiệp kinh doanh gạo đóng bao bì với nhãn mác chỉ vỏn vẹn chữ “Tám Thái”.
Chính cái kiểu ghi nhãn mác lấp lửng như vậy đã tạo ra sự ngộ nhận, khách hàng cứ tưởng là gạo nhập khẩu từ Thái Lan. Chủ một đại lý buôn gạo ở Dịch Vọng, Cầu Giấy tiết lộ, các cửa hàng bán gạo thường pha trộn, ướp hương liệu theo chủng loại rồi đóng bịch, dán mác ngoại để bán “sản phẩm gạo nhập khẩu”.
Không chỉ giả mạo gạo ngoại, nhiều đơn vị kinh doanh, cửa hàng cũng “mượn áo” những tên tuổi gạo đặc sản trong nước khoác cho gạo thường. Bà Hoàng Thị Nhẫn- Chủ tịch Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu (Thái Bình) chia sẻ: “Rất nhiều lần, người ta gọi điện từ các tỉnh, thành về cho tôi, trách rằng gạo tám Hải Hậu đặc sản mà ăn chẳng ngon. Hải Hậu chúng tôi bây giờ làm gì có gạo tám xoan mà bán. Tất cả gạo mang danh tám xoan Hải Hậu bán trên thị trường đều là rởm hết”.
Theo bà Nhẫn, bây giờ hầu như chẳng mấy nhà ở Hải Hậu trồng lúa tám xoan để bán nữa, chủ yếu người ta trồng để ăn hoặc cung cấp cho anh em họ hàng, chứ không có gạo tám hàng hóa bán ra thị trường.
Gạo nội yếu thương hiệu
Thống kê nhập khẩu gạo chính ngạch cho thấy, năm 2011 tổng lượng gạo nhập khẩu vào Việt Nam là 5.800 tấn, năm 2012 là 27.600 tấn, 6 tháng đầu năm 2013 mới nhập gần 13.000 tấn. Nếu so với mức tiêu thụ gạo trong nước khoảng 19- 20 triệu tấn/năm, thì lượng gạo nhập khẩu không đáng kể. Từ những con số này cũng có thể nhận ra lượng gạo lớn được gắn mác ngoại trên thị trường là sự nhập nhèm biến hóa gạo nội thành gạo ngoại để lừa người tiêu dùng.
Trong đề án phát triển nông nghiệp, huyện Hải Hậu từng đặt mục tiêu phát triển 1.500ha lúa tám xoan vào năm 2010, thế nhưng hiện nay diện tích cấy tám xoan chỉ còn chưa tới 30ha, tập trung ở các xã Hải Đường, Hải Anh. Mỗi năm, cả huyện chỉ thu hoạch được khoảng 80 tấn thóc, tương đương 45 tấn gạo

Theo kỹ sư Võ Hùng Anh – Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, rất nhiều sản phẩm gạo trên thị trường có tên gắn với nước ngoài vì có nguồn gốc từ các giống lúa nhập khẩu.

Cụ thể, gạo thơm Thái Lan là sản phẩm của giống lúa Jasmine có nguồn gốc từ Viện Lúa quốc tế – IRRI, gạo thơm Đài Loan là giống lúa VD20 có nguồn gốc Đài Loan, còn thơm Mỹ là sản phẩm của giống lúa Kown Dak Mali. Tuy nhiên, qua nhiều mùa vụ sản xuất tại Việt Nam, nhiều đặc tính ban đầu của các giống lúa này đã bị thoái hóa, chất lượng hạt gạo không còn thơm, dẻo, ngon như ở nước xuất xứ.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế và nông nghiệp, những loại gạo đặc sản cổ truyền nổi tiếng thì số lượng sản xuất rất ít, không đủ để thành hàng hóa. Cả nước có khoảng 200 giống lúa đang được gieo trồng, nhưng lại thiếu thương hiệu gạo đủ uy tín, ổn định về chất lượng, sản lượng. Các giống lúa của Việt Nam hiện nay thoái hóa rất nhanh, không tồn tại lâu dài để phát triển thương hiệu hàng hóa. Đó cũng là một lý do mà gạo nội bị gắn mác gạo ngoại…
Theo Chu Khôi
Dân Việt

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)