Y tế - Văn hóaThư giãn

Gạo tam nông

Tạp Chí Giáo Dục

 Tuần rồi, gạo ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chở lên bán đại hạ giá nhan nhản khắp thành phố. Có 3 loại: loại hạt dài, dẻo, thơm, thường ngày bán 14.000đ/kg, nay bán 7.400đ/kg. Loại nở, mềm xốp 11.000đ/kg, còn 6.000đ. Loại gãy, mục để chăn nuôi gia súc: 2.000đ/kg. Gạo đóng thành bao 25kg, mua bao nhiêu cũng có.

Tuần rồi, gạo ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chở lên bán đại hạ giá nhan nhản khắp thành phố. Có 3 loại: loại hạt dài, dẻo, thơm, thường ngày bán 14.000đ/kg, nay bán 7.400đ/kg. Loại nở, mềm xốp 11.000đ/kg, còn 6.000đ. Loại gãy, mục để chăn nuôi gia súc: 2.000đ/kg. Gạo đóng thành bao 25kg, mua bao nhiêu cũng có.
Vợ chồng chú Năm Eo thấy xe gạo đổ ngay trước cửa nhà mình bèn mua một lúc 2 bao gạo loại 7.400đ/kg. Trưa hôm đó, thím Năm lấy gạo ấy nấu thử, vừa ăn vừa khen ngon đáo để. Chú Năm có vẻ không đồng tình, thở dài nói: 
– Tui thì thấy chén cơm sao mà đắng quá, làm như có trộn mồ hôi nước mắt của nhà nông, nuốt không vô! 
Thím Năm đang ăn, nghe nói vậy bỗng ọe một cái, nhả miếng cơm ra nói: 
– Người ta đang ăn, khi không ông nói nghe thấy ghê! 
– Vậy chứ bà có biết vì sao mà mình mua được loại gạo rẻ vậy không? 
– Thì nông dân trúng mùa, gạo ăn không hết tất nhiên phải bán rẻ. 
– Sao lại ăn không hết? Trên thế giới cả tỉ người đang thiếu gạo. Xa thì châu Phi, gần thì Philippines. Ngay như vùng U Minh Hạ nước ta, cũng có gia đình bữa đói bữa no. Gần nữa là trong xóm mình, gạo rẻ vậy mà có nhiều hộ dân nghèo không mua nổi một bao. Còn như bà con nông dân dưới tỉnh cong lưng làm mãn mùa mà phải bán tống bán tháo với giá rẻ mạt thế này có nghĩa là… 
 – Là sao? 
 – Là trúng mùa mà cũng như mất mùa. 
– Biết vậy sao không giữ gạo lại mà ăn, đem đi bán làm chi? 
 – Bà con ở vùng thấp trũng, không có kho lẫm để cất giữ. Nếu không bán, nước lên gạo sẽ mục nát là mất trắng. Thà bán đổ bán tháo, vớt vát lại được đồng nào hay đồng nấy. 
– Vậy sao Nhà nước không cho xây những kho, vựa ở các vùng thấp trũng để bảo quản gạo cho nông dân? 
– Không biết. Nghe nói ở Cần Thơ có một cái tổng kho kêu bằng sì-lô sì liếc gì đó to đùng, chứa được cả chục ngàn tấn gạo, nhưng cũng thường bỏ không. Có lẽ làm kho cho dân không có lời; làm sân golf, xây khách sạn, khu du lịch… sướng hơn! 
– Vậy sao không thu mua để xuất khẩu, để xóa đói giảm nghèo, hoặc bố thí cho dân nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng bão lụt… phải có ích hơn để gạo mục nát rồi bán cho… gia súc? 
– Không biết. Có lẽ họ ăn quá no nên lo chưa tới. 
– Họ là ai? 
 – Không biết. Còn ai ngoài những ông Lương thực, Quản lý Thị trường, Dự trữ Quốc gia, Phát triển Nông thôn, Xuất nhập khẩu, Xóa đói giảm nghèo… 
 – Sao cái gì cũng nói không biết. Vậy chứ ông có biết “Tam nông” là cái gì không? 
 – Là chủ trương của Nhà nước tập trung làm tốt 3 khâu công tác: Nông dân, nông nghiệp, và nông thôn. Ủa mà sao bà cũng biết cả những chuyện quốc gia đại sự đó? 
 – Thì tui đọc báo thấy nói lui nói tới hoài chứ gì! 
– Rồi sao? 
Thím Năm múc thêm một chén cơm, mỉm cười nói: 
 – Xưa rày, mình từng ăn các loại gạo có tên là Thần Nông, Nàng Hương Chợ Đào, Kim Kê, Tài Nguyên gì gì đó. Cứ như tình hình hiện nay thì loại gạo mình đang ăn đây cũng cần đặt cho nó một cái tên mới thật hay mới được. 
 – Tên gì? 
 – Tui đặt tên là gạo “Tam Nông”. 
Ông nghe được không? 
 – Hay hay! 
Thím Năm Eo lại nói thêm một câu Kiều lẩy: 
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!…  
HOÀNG THIẾU PHỦ (TTO)
 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)