Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Gặp cậu bé chăn bò đậu thủ khoa ĐH Dược

Tạp Chí Giáo Dục

Cậu bé ngày ngày dắt bò ra đồng mang theo “cẩm nang” là chiếc cặp sách ở thôn Thông Tự vừa làm nên một kỳ tích: Đậu thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội. Cậu bé chăn bò học giỏi đó là Trần Trọng Biên.

Học bài trên lưng bò
Khắp xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) những ngày qua, nơi đâu cũng nghe thấy những lời trầm trồ thán phục dành cho cậu học trò nghèo Trần Trọng Biên ở thôn Thông Tự, vốn là học sinh Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai. Biên vừa đỗ thủ khoa một trường ĐH danh tiếng ở Hà Nội – Trường ĐH Dược – với số điểm 29,5. Ngoài ra em còn trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội.
Khi chúng tôi tới tìm, em đang đi chăn bò ở ngoài đồng. Cậu bé trở về tiếp chúng tôi với gương mặt bám bùn đất, quần xắn ống thấp ống cao. Chưa kịp rửa mặt, cậu bước vào nhà chào khách đầy thân thiện: “Nghe bố nói nhà có khách nên em gửi bò cho bạn chạy ù về nhà ngay”.  
Biên cùng bố mẹ trước ngôi nhà của mình (Ảnh: Biện Nhung)
Biên sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó. Tuổi thơ của em dường như không có những giây phút thanh thản, nô đùa cùng chúng bạn. Ngoài những giờ học chính khóa trên lớp, về đến nhà là em lại lao vào phụ giúp bố mẹ công việc nhà cũng như việc đồng áng. Không có điều kiện học thêm, Biên tìm ra cách vừa đi chăn bò vừa học bài.
“Có hôm mượn được quyển sách hay của đứa bạn có anh trai làm ngoài Hà Nội mua cho, em mải mê đọc đến tối mịt mới rời ra, để bò đi lạc đâu mất. Em hoảng quá chạy cuống cuồng về nhà báo mọi người đi tìm. Gần 3 tiếng đồng hồ sau mới biết là bò bị người ta bắt vì ăn khoai của họ. Về nhà bị bố mẹ mắng cho một trận ra trò” – Biên nhớ lại kỷ niệm khó quên trong những lần học bài lúc chăn bò. 
 
Những năm tháng chăn bò và tranh thủ học bài đã tôi luyện nên tân thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội (Ảnh: Biện Nhung)
Cuộc sống của gia đình Biên bị đảo lộn khi bố em gặp phải tai nạn giao thông, phải điều trị mất 3 năm trời mới có thể đi lại được. Lúc này gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai gầy yếu của người mẹ. Thương bố, thương mẹ, Biên càng quyết tâm trong học tập. Không phụ lòng bố mẹ, kỳ thi chọn vào cấp 3, Biên đã đậu vào lớp chuyên Toán trường Năng khiếu tỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên em đành phải học cấp 3 tại trường Nguyễn Thị Minh Khai.
Ba năm cấp 3 ở trường huyện, em đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Năm lớp 10, em đạt giải khuyến khích tỉnh môn Toán, lớp 11 em đạt giải nhì và lớp 12 giành được giải nhất.
Bí quyết thủ khoa
“Hồi cấp 1, cấp 2, em luôn là một học trò ưu tú, xuất sắc của trường nhưng khi bước vào cấp 3 em mới thấy có rất nhiều bạn giỏi hơn em. Nhưng cũng chính được học trong môi trường có sự cạnh tranh khốc liệt đó mà em càng phải quyết tâm “chăm nhặt chặt bị, biết mình biết ta” phấn đấu hơn nữa. Nếu không có sự phấn đấu thì mình sẽ thua kém các bạn” – Biên chia sẽ về bí quyết học giỏi của mình.

Xác định rõ hướng đi nên Biên đã lên kế hoạch học cho riêng mình. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em xác định phải tự học ở nhà là chính. Biết những anh chị nào học giỏi lớp trước, em đều đến hỏi  “bí quyết học giỏi” và mượn hoặc xin tài liệu tham khảo. Các anh chị học lớp trước biết hoàn cảnh em nên cũng rất quan tâm. Những tài liệu nào các anh không còn sử dụng đến nữa đều nhường lại cho em tham khảo” – Biên tâm sự.

Ngoài ra, Biên còn thường xuyên tới những nhà sách ở thị trấn để “đọc cóp” những quyển sách hay. Biên kể: “Có nhà sách tuần mô em cũng ghé qua đọc nhưng họ không thấy em mua quyển mô hết. Thời gian đầu bà chủ quán có vẻ không thích nhưng sau đó em nói thật với bà là nhà nghèo không có tiền mua nên những lần sau em vô đọc sách là bà luôn quan tâm tạo điều kiện cho em”.
Chia sẻ về những thành tích của mình, Biên khiêm tốn: “Khi biết tin mình đậu thủ khoa mọi người xung quanh vui mừng lắm. Với em thì khác, vui thì cũng vui thật nhưng trước mắt em đang là một quãng đường đầy gian nan thử thách. Có thể em sẽ vào Đại học Dược nhưng dù vào trường nào, điều quan trọng nhất là em phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để không phụ niềm tin yêu của mọi người, không phụ công ơn của bố mẹ đã vất vả nuôi em ăn học”.
Theo Dan tri

 

Bình luận (0)