Không ít người hiện đang công tác trong ngành giáo dục nhưng thu nhập chính lại từ những việc làm thêm bên ngoài như buôn bán bất động sản, bán hàng online; điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn gây khó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng lãnh đạo Bộ buổi gặp gỡ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục
Điều kiện sống khó khăn, thu nhập thấp vẫn là mối tâm tư, trăn trở của rất nhiều người lao động, giảng viên ĐH và hôm nay, một lần nữa được gửi gắm đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Làm ngành giáo dục nhưng thu nhập chính từ… bán hàng online
Chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giảng viên, lãnh đạo các trường ĐH trên cả nước thông qua hàng trăm điểm cầu trực tuyến. Ngoài trên 6.200 ý kiến đã gửi đến Bộ trưởng trước sự kiện thì trong sáng và chiều nay, hàng loạt ý kiến, đề xuất cũng đã được các trường phổ thông, sở GD-ĐT, trường ĐH trực tiếp gửi đến người đứng đầu ngành giáo dục.
Tại buổi gặp, ông Phạm Ngọc Minh (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Y Hà Nội) đề cập, đặc thù đào tạo của ngành y là thời gian đào tạo rất dài. Để trở thành giảng viên, ngoài được đào tạo trong 6 năm, người học còn phải qua 3 năm bác sĩ nội trú, tổng cộng là 9 năm; chưa kể phải học lên tiến sĩ… Theo ông Minh, trách nhiệm còn nặng nề hơn vì đội ngũ này vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc, ngoài giảng dạy tại trường còn kiêm nhiệm công tác tại bệnh viện. Thời gian làm ở bệnh viện tương đương thời gian giảng dạy ở trường, nếu không như vậy, khó đào tạo ra lực lượng bác sĩ giỏi. Thế nhưng, đội ngũ này chủ được hưởng 1 loại lương.
Dù mong muốn xây dựng được đội ngũ giảng viên vừa tài vừa đức, tâm huyết nhưng ông Minh cho biết, cũng như những trường khác, nhiều giảng viên của trường đã chuyển ra giảng dạy tại các trường ngoài công lập. Việc “giữ chân” được giảng viên theo ông Minh, rất cần những chính sách phù hợp đặc thù với khối đào tạo y dược.
Đại diện các trường ĐH trình bày ý kiến với Bộ trưởng
Ông Trần Trọng Đạo (Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Nha Trang) cũng nêu lên một thực trạng là hiện nhiều viên chức, người lao động công tác trong ngành giáo dục chịu nhiều áp lực do thu nhập thấp, đời sống khó khăn, xin thôi việc, chuyển công tác… Đáng nói hơn, theo ông Đạo, không ít viên chức, người lao động hiện vẫn đang công tác trong ngành giáo dục nhưng lại làm thêm nhiều công việc khác như buôn bán bất động sản, thậm chí… bán hàng online. Điều này dẫn đến một kết quả là những việc chính thì đem lại thu nhập phụ, còn việc phụ lại đem lại thu nhập chính. Trong khi đó, công việc chính đòi hỏi cần dành nhiều thời gian, trí tuệ, tâm sức nhưng nhiều viên chức đã không đáp ứng được. Ông Đạo cho rằng, hậu quả tất yếu là chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng và việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đạo nêu đề xuất Bộ GD-ĐT nghiên cứu để có chính sách tiền lương riêng cho các nhà giáo. Mặc dù đây là vấn đề khó nhưng ông Đạo cho rằng giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu nên hoàn toàn có cơ sở. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất việc cho vay vốn ưu đãi để giảng viên, viên chức trẻ, sinh viên… có thể mua đất làm nhà, đi học, nâng cao điều kiện sống.
“Có bảng lương riêng là khó vào thời điểm này”
Ghi nhận ý kiến và chia sẻ với tâm tư, trăn trở của giảng viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng luôn mong muốn giảng viên có thể sống được bằng thu nhập, thậm chí phải sống đàng hoàng để xứng đáng với trí tuệ, công sức học tập, làm việc. Dù mong muốn như vậy, nhưng việc thực hiện cần thời gian và rất nhiều giải pháp.
Bộ trưởng nhận định, trong Nghị quyết 29 có nêu định hướng phấn đấu là với ngành giáo dục thì giáo viên có được mức lương cao nhất trong bảng lương của các viên chức khối sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, để có được bảng lương riêng là khó vào thời điểm này, sẽ còn cần nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường CĐ sư phạm, cơ sở giáo dục ĐH. Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào những nhóm vấn đề lớn như: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…). Đối với giáo dục ĐH, các ý kiến tập trung vào những nhóm vấn đề như: Tự chủ ĐH và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ ĐH; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường ĐH với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới… Bộ GD-ĐT cho rằng, những ý kiến trên cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn. Qua đó, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo. |
Riêng đối với một số trường ĐH tự chủ, theo Bộ trưởng, nếu nguồn lực khá lên, trong đó có cả nguồn đầu tư, hỗ trợ, học phí và những nguồn khác thì có thể tạo được một phần thu nhập tăng thêm cho giảng viên, từ đó, góp phần giảm thiểu khó khăn.
Với sáng kiến về vay ưu đãi cho giảng viên, sinh viên, Bộ trưởng ghi nhận để tiếp tục xem xét trong thời gian tới. Liên quan đến đặc thù đào tạo ngành y, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ cần cùng làm việc lại với nhau để đưa ra giải pháp sao cho những người giỏi, người tài không bị phiền lụy bởi những vấn đề hành chính, thay vào đó, chú trọng vào thực chất năng lực, trình độ của họ.
Mê Tâm
Bình luận (0)