Từ học sinh trường nghề, đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi tay nghề, các bạn đã trở thành đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022.
Học nghề để… làm chủ
Tốt nghiệp THPT, Vũ Hoàng Trinh (sinh 1996, quê Đắk Lắk) không vào ĐH mà rẽ ngang học nghề bếp ở trường TC nghề. Với thầy cô và bạn bè, đó là một quyết định rất… không bình thường. Riêng gia đình thì không mấy ngạc nhiên, bởi trước đó Trinh đã chia sẻ nhiều về ước mơ của mình với người thân. Dù không vui lắm nhưng gia đình vẫn luôn đồng hành, ủng hộ quyết định của Trinh. “Giờ nghĩ lại, tôi thấy lúc đó mình cũng… ngông lắm. Trong những năm học THPT, nhà trường hay tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, lúc đó tôi đã chia sẻ với ba mẹ là không vào ĐH mà sẽ đi học nghề bếp. Lúc đó, ba mẹ im lặng, nhưng sau đó có đôi lần khuyên tôi đăng ký học trường ĐH này, trường ĐH kia… Tôi biết là ba mẹ tâm tư lắm, nhất là khi đó có nhiều anh chị và bạn bè trong xóm học ĐH”, Trinh nhớ lại. Thời điểm đó, Trinh cho biết có rất đông bạn bè đăng ký học ngành sư phạm mầm non, và đó cũng là ngành mà gia đình hướng bạn theo học cho nhẹ nhàng thân con gái; tuy nhiên, bạn lại không mấy hứng thú với nghề “cô nuôi dạy trẻ”…
Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022 Vũ Hoàng Trinh
Trinh cho biết ngay từ nhỏ, những câu chuyện mà bạn hay trao đổi với bạn bè, người thân luôn bắt đầu bằng các loại bánh, từ truyền thống đến hiện đại. Hễ đi đến đâu, được ăn bánh ngon là bạn cố tìm hiểu về nguyên liệu, gia vị… để thực hành khi có cơ hội. Được sự hỗ trợ của mẹ ở một số khâu, ngay từ năm 8 tuổi, Trinh đã có thể làm được một số loại bánh ngon và đẹp không thua gì bánh bán ở tiệm. Trinh chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi khăn gói xuống TP.HCM theo học nghề bếp tại Trường TC Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Khi đã quyết định học nghề, tôi thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề. Đó là phải học đạt kết quả cao, có việc làm tốt để chứng minh với gia đình, thầy cô và bạn bè con đường mình chọn là đúng. Trải qua thời gian đầy áp lực, đương đầu với thử thách, tôi thấy mình rắn rỏi hơn, tự tin hơn”.
Là 2 trong 8 đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022 vừa được Bộ LĐ-TB&XH bổ nhiệm, cả Vũ Hoàng Trinh và Lê Minh Bằng đều cho rằng đây là một vinh dự nhưng cũng là thử thách lớn. Bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa để truyền đạt kỹ năng, chuyên môn cho các bạn trẻ… |
Được học nghề yêu thích, Trinh thỏa sức sáng tạo, trải nghiệm thực hành các món ăn từ truyền thống đến hiện đại, từ món Á sang món Âu… Vừa học, Trinh còn xin làm phụ bếp ở một số nhà hàng để cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm. Nhờ có năng khiếu, đam mê và trách nhiệm với công việc, đến môi trường nào Trinh cũng được đánh giá là có triển vọng với nghề. Đó là quãng thời gian cho bạn nhiều điều thú vị mà chắc hẳn ai theo nghề cũng muốn khám phá, trải nghiệm. Chính niềm đam mê, chấp nhận thử thách và khả năng sáng tạo đã đưa Trinh đến với Kỳ thi tay nghề quốc gia, sau đó là Kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới ở tuổi 21. Cái tên Vũ Hoàng Trinh được vinh danh với chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc (nghề nấu ăn) tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tổ chức ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) một lần nữa chứng minh lựa chọn của bạn là đúng.
Trở về từ Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44, Trinh được nhiều nhà hàng lớn tại TP.HCM mời làm việc với mức lương khá cao; tuy nhiên, đến năm 2021, bạn quyết định rời TP.HCM về quê mở quán ăn. “Đi làm lương cao, có cơ hội học hỏi và trải nghiệm, nhưng mở quán và dạy nghề cho những ai có nhu cầu, có sở thích là ước mơ của tôi từ những ngày còn đi học nghề”, Trinh giải thích về quyết định của mình.
“Nghề giáo với tôi là duyên lớn”
Lê Minh Bằng (35 tuổi) trở thành đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022 khi là giáo viên tại Khoa Bảo trì cơ khí (Trường TC nghề kỹ thuật – công nghệ Hùng Vương). Được biết, anh cũng là cựu học sinh của trường này.
Anh Bằng chia sẻ: “Nghề giáo với tôi là duyên lớn. Năm 2004, khi không trúng tuyển vào ĐH, tôi đã quyết định đi làm để có thu nhập lo cho bản thân và gia đình. Sau thời gian làm công nhân vận hành ở một công ty nhựa, tôi nhận thấy phải trang bị cho mình một cái nghề để có thể bảo trì, sửa chữa các máy móc, thiết bị đang vận hành, đồng thời có thu nhập cao hơn. Được sự động viên của gia đình và lãnh đạo công ty, năm 2006, tôi đăng ký học chuyên ngành cơ điện tử tại Trường TC nghề kỹ thuật – công nghệ Hùng Vương. Thời gian học ở trường, được các thầy cô quan tâm dìu dắt tận tình, đó là động lực để tôi quyết tâm theo đuổi nghề giáo”.
Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022 Lê Minh Bằng (phải) hướng dẫn học sinh thực hành
Thời gian học tại trường, anh Bằng được chọn tham dự các hội thi tay nghề, xuất sắc giành giải nhất Hội thi tay nghề trẻ cấp thành phố và cấp quốc gia. Vinh dự hơn nữa là anh được chọn vào đội tuyển Cơ điện tử Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN tại Malaysia năm 2008 và xuất sắc giành huy chương đồng. “Từ kết quả này, tôi được xét tuyển vào học khối K ngành kỹ thuật điện – điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Thời gian đó, tôi đang được huấn luyện để tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2009 tổ chức tại Canada và đạt chứng chỉ tay nghề xuất sắc”, anh Bằng cho biết. Với thành tích trên, anh Bằng được Trường TC nghề kỹ thuật – công nghệ Hùng Vương giữ lại trường giảng dạy và huấn luyện học sinh tham dự các hội thi tay nghề. Thời gian này, anh được trường cử tham gia khóa đào tạo 12 nghề trọng điểm quốc tế tại Úc để giảng dạy chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế tại trường. Không chỉ được chọn huấn luyện học sinh tham dự các hội thi tay nghề cấp quốc gia, chuyên gia huấn luyện đội tuyển Tự động hóa công nghiệp Việt Nam, anh Bằng còn là chuyên gia kỹ thuật – giám khảo tại các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới. “Xuất phát điểm là một công nhân, rồi học sinh trường nghề nhưng tôi đã phấn đấu và đạt được một số thành tích nhất định. Thành tích này không của cá nhân tôi mà là của tập thể, những thầy cô giáo, đồng nghiệp luôn bên cạnh tôi. Theo tôi, nếu chúng ta có đam mê với ngành nghề mà mình theo học thì con đường tiến thân lập nghiệp sẽ mở ra”, anh Bằng chia sẻ.
Bài, ảnh: T.An
Bình luận (0)