Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gặp gỡ đầu tuần: Bảo hiểm y tế cho HSSV còn nhiều bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 khám bệnh thường kỳ tại trường. Ảnh: Q.H

Bộ GD-ĐT vừa có công văn 6974/BGDĐT-CTHSSV (gọi tắt là công văn 6974) gửi các cơ sở GD-ĐT (học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN) về việc tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh, sinh viên (HSSV) và Nghị định 62/2009NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 62). Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Xê – Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xoay quanh vấn đề này.
Ông có thể nói rõ hơn về công văn 6974?
– Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo tại nhiều tỉnh, thành phố thì tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trong năm học 2010-2011 chưa đạt 100%. Để triển khai, thực hiện tốt Luật BHYT và Nghị định 62 trong trường học, Bộ GD-ĐT có công văn 6974 yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức chỉ đạo thực hiện BHYT theo quy định, tập trung vào các nội dung sau: Tăng cường công tác giáo dục truyền thông về vai trò của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HSSV. Vận động cha mẹ HS tham gia mua BHYT cho HSSV là việc làm thiết thực để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đối với HSSV; Chủ động hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội của địa phương tổ chức cho HSSV mua và được cấp thẻ BHYT theo quy định của Luật BHYT và Nghị định 62; Tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT tối thiểu đối với HSSV thuộc hộ cận nghèo và không thuộc hộ cận nghèo từ ngân sách của địa phương theo quy định hiện hành.
Còn Nghị định 62 có những quy định gì về BHYT cho đối tượng HSSV?
Kể từ ngày 1-1-2010, mức đóng BHYT của các đối tượng trên là 4,5% của mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và bằng 3% mức lương tối thiểu đối với HS, SV. Từ ngày 1-1-2012, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức đóng góp bằng 4,5% mức lương tối thiểu. Từ 1-1-2014, mức đóng BHYT của thân nhân người lao động có hưởng lương là 3% mức lương tối thiểu; 4,5% mức lương tối thiểu được áp dụng cho xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Cũng theo Nghị định 62, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ ngày 1-7-2009. Hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng đối với HS, SV mà thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng đối với HS, SV mà không thuộc hộ cận nghèo, chính sách này được thực hiện từ ngày 1-1-2010. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng BHYT từ ngày 1-1-2012. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có từ 2 thân nhân trở lên tham gia BHYT thì người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 90%, 80%, 70% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất. Từ ngày 1-7-2009, HS, SV đóng 60.000 đồng/người (khu vực thành thị) và 50.000 đồng/người (khu vực nông thôn, miền núi)… Từ ngày 1-1-2010, mức đóng góp hằng tháng đối với đối tượng tự nguyện tham gia BHYT bằng 4,5% mức lương tối thiểu và do đối tượng đóng.
Có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc triển khai công văn 6974 của Bộ GD-ĐT, thưa ông?

Học sinh Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM khám răng tại phòng y tế trường. Ảnh: Q.H

– Luật BHYT đã được Quốc hội ban hành từ ngày 14-11-2008 và ngày 27-7-2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2009/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Ngày 26-10-2009, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 9490/BGDĐT-CTHSSV gửi các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, TCCN (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục) tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật BHYT và Nghị định 62 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Tuy nhiên, khó khăn của công văn 6974 đó là hiện nay vẫn chưa thống nhất được danh sách cụ thể về đối tượng là SV sẽ do ai quản lý. Vì khi xác định được đối tượng này do địa phương hay các trường ĐH, CĐ, TCCN quản lý, mới có thể lập hồ sơ cho các đối tượng này. Hiện nay chưa có hướng dẫn và thống nhất trong việc BHYT cho đối tượng HSSV thuộc hộ cận nghèo và không thuộc hộ cận nghèo. Thế nhưng theo văn bản chỉ đạo, các sở LĐ-TB-XH, Y tế, GD-ĐT theo thẩm quyền được phân cấp phê duyệt danh sách; có ý kiến đề xuất trình UBND thành phố quyết định mức hỗ trợ và nguồn kinh phí đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT cho đối tượng người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, hộ gia đình cận nghèo và HSSV thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do địa phương quản lý; trong đó bao gồm các trường công lập, ngoài công lập, các trường do bộ, ngành thành lập giao cho địa phương quản lý.
Thưa ông, TP.HCM đã có hướng giải quyết cho những đối tượng hưởng chính sách và hộ nghèo năm 2011 như thế nào?
– Sở LĐ-TB-XH đã có công văn trình UBND TP.HCM về kế hoạch bố trí kinh phí mua thẻ bảo hiểm cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo… và được thành phố ra văn bản số 4676/UBND-XV, về kế hoạch bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng năm 2011. Theo đó, chấp thuận bố trí kinh phí hơn 411,5 tỷ đồng để mua BHYT cho các đối tượng năm 2011 tại các quận, huyện. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng Sở LĐ-TB-XH và 24 quận, huyện thực hiện bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng của các quận, huyện vào dự toán ngân sách quận, huyện năm 2011… Kế hoạch đã được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận ký duyệt.
Thưa ông, những đối tượng nào đã được thành phố chấp thuận hỗ trợ 100% phí mua BHYT?
– TP.HCM thực hiện chính sách mua BHYT bắt buộc cho thành viên của hộ nghèo có mức thu nhập từ 8 triệu đồng/người/năm trở xuống và đối tượng bảo trợ xã hội được ngân sách TP hỗ trợ 100%. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo 50% chi phí mua thẻ BHYT bắt buộc đối với hộ có thu nhập trên 8 triệu đến 12 triệu đồng/người/năm theo phương thức tổ chức vận động hộ nghèo đóng 50% chi phí mua thẻ BHYT và ngân sách TP hỗ trợ 50%.
Riêng nhóm đối tượng HSSV thuộc hộ nghèo của thành phố, ngoài việc được hưởng chế độ hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT còn được hưởng các chế độ khác như: chính sách miễn giảm học phí và tiền cơ sở vật chất trường học, được nhận học bổng và phương tiện học tập…
Xin cám ơn ông!
Lê Quang Huy (thực hiện)

Bình luận (0)