Trong 04 nhà khoa học người Việt vào danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới (theo công bố ngày 15/11/2017 của Clarivate Analytics – công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu khoa học, tham khảo tại https://clarivate.com/hcr/), PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành CIRTECH trực thuộc Viện Công nghệ cao HUTECH, đồng sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Khoa Hệ thống thông tin quản lý (MIS), và tham gia giảng dạy tại khoa Xây dựng, trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) – là người duy nhất hiện làm việc tại Việt Nam.
Danh sách của Clarivate Analytics (trước đó là Thomson Reuters) bao gồm những nhà nghiên cứu xuất sắc là tác giả những bài báo thuộc tốp 1% bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong 10 năm qua. Số lượng trích dẫn chính là một trong những “thước đo” tầm ảnh hưởng của công trình cũng như của nhà nghiên cứu.
03 lần thuộc “Top” 1% ảnh hưởng nhất thế giới và hành trình “Đi để trở về!”
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng là cựu sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Anh học Thạc sĩ về Cơ học môi trường liên tục, nhận học bổng và lấy bằng Tiến sĩ về Cơ học tính toán tại ĐH Liège (Bỉ). Nghiên cứu của anh tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mô phỏng số trên máy tính, ứng dụng trong lĩnh vực liên ngành Kỹ thuật, Vật liệu, Môi trường,… Hiện anh có 120 công bố ISI (với hơn 4400 trích dẫn và chỉ số H=41 theo Web of Science và hơn 6.000 trích dẫn và chỉ số H=48 theo Google scholar), lần thứ tư đứng trong danh sách 1% nhà khoa học có trích dẫn nhiều nhất thế giới trong 21 danh mục chuyên môn nghiên cứu được chọn lọc. Anh cũng là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới liên tục ba năm 2014, 2015, 2016 và là người đầu tiên nhận giải thưởng Nguyễn Văn Đạo của Hội Cơ học Việt Nam, người trẻ nhất nhận giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt – Đức, cùng một số giải thưởng nghiên cứu khác.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng là một trong 1% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 3 năm liền
Những thành tựu khoa học mang đến cho PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng không ít cơ hội làm việc ở nước ngoài, nhưng anh vẫn chọn trở về Việt Nam. Anh chia sẻ: “Với tôi, quê hương vẫn là lựa chọn ưu tiên”. Sự gắn bó với gia đình, với văn hóa, con người Việt Nam và mong muốn đóng góp cho đất nước cũng là những lý do khiến anh “đi nước ngoài và phải chạy về”. Đối với nhà khoa học trẻ, quan trọng nhất vẫn là môi trường tự do trong nghiên cứu, phát huy được năng lực bản thân, tạo ra được những sản phẩm sáng tạo.
Không ít cơ hội làm việc ở nước ngoài, nhưng anh vẫn chọn trở về Việt Nam
Tháng 7/2015, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng cùng với với hai cộng sự TS. Trần Đức Khánh (ngành Khoa học máy tính, ĐH Henri Poincaré – Pháp), và TS. Nguyễn Ngọc Đức (thành viên Công viên Nghiên cứu ĐH Illinois – Hoa Kỳ), đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành CIRTECH, trực thuộc Viện Công nghệ Cao HUTECH, và đảm nhận vị trí Giám đốc. Dù tham gia nhiều hoạt động quốc tế khác nhau, giảng dạy, NCKH và chuyển giao công nghệ tại HUTECH vẫn được anh ưu tiên nhất.
Niềm tin vào một tập thể giáo dục khai sáng
Là người đam mê khoa học, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng trở thành tiêu biểu của HUTECH và như một cách để đóng góp đáng kể cho công tác NCKH Việt Nam. Với Nguyễn Xuân Hùng, “CIRTECH phải là nơi đào tạo tập trung, tạo ra sự khác biệt và luôn luôn tự đặt câu hỏi: làm sao để tạo ra giá trị khác biệt. Một tập thể cùng khát khao, cùng hoài bão, cùng trăn trở và cùng làm nên sự khác biệt. Đó mới gọi là một tập thể giáo dục khai sáng”.
Là mũi nhọn trong chiến lược đầu tư cho NCKH tại HUTECH, CIRTECH hiện tại là sự kết hợp của những giá trị cốt lõi: Sáng tạo (Creativity) – Đổi mới (Innovation) – Trách nhiệm (Responsibility). Từ giá trị cốt lõi đó, CIRTECH tập trung những cá nhân xuất sắc để thực thi 03 nhiệm vụ chính gồm nghiên cứu cơ bản & công bố quốc tế; nghiên cứu ứng dụng & chuyển giao công nghệ; đào tạo & phát triển nhân lực khoa học công nghệ.
Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành CIRTech ra đời năm 2015, đặt trụ sở tại HUTECH
Không chỉ đóng góp những sản phẩm thực tế ra thị trường, CIRTECH còn tạo bệ phóng cho các sinh viên HUTECH đam mê khoa học. Từ khi thành lập đến nay, CIRTECH đã làm được 04 việc cơ bản là hỗ trợ các lớp nâng cao kiến thức NCKH, hỗ trợ thực tập tốt nghiệp có lương trong các dự án của trung tâm, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu giữa với các ĐH trên thế giới và hỗ trợ học bổng tham gia khóa đào tạo chuyên gia của Tập đoàn Intel – những chiến lược “đường dài” để phát triển nguồn nhân lực khoa học cho tương lai. Đặc biệt, với sự đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong phân tích dữ liệu, CIRTECH chủ trì xây dựng ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS) hướng Phân tích dữ liệu, đào tạo theo thông lệ quốc tế.
Nhà khoa học trẻ và những dự án truyền cảm hứng
Hiện tại, Trung tâm CIRTECH do PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng đứng đầu đang thực hiện các dự án hợp tác chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm với đối tác là các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp uy tín trên thế giới. Cộng sự chính của anh tại CIRTECH là TS. Nguyễn Ngọc Đức, cùng những sinh viên ưu tú do CIRTECH lựa chọn từ trong và ngoài nước, đặc biệt là sinh viên chất lượng cao ngành MIS hướng Phân tích Dữ liệu từ Khoa MIS, HUTECH.
Một trong những công trình quan trọng CIRTECH đang thực hiện là Dự án phòng chống sạt lở cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu khởi động từ năm 2016 với tổng kinh phí 300.000 Euros do Quỹ VLIR-UOS (Vương quốc Bỉ) tài trợ. Cùng với các nhà nghiên cứu ĐH Ghent (Bỉ) và doanh nghiệp Việt Nam, nhóm của anh sẽ tính toán, mô phỏng phát triển một mô hình mẫu và xây dựng thử nghiệm tại một số địa phương, sau đó rút kinh nghiệm để áp dụng trên toàn bộ khu vực.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa HTTQL (MIS) của HUTECH
Hơn nữa, CIRTECH cũng đang thực hiện một số dự án hợp tác với các trường Đại học và các công ty tại châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản,… như dự án xử lý và phân tích số liệu với các công ty Dược (Eli Lilly, Takeda, Elanco, Johnson &Johnson) và Trueson, Hà Lan, DMT Techonology, Hoa Kỳ; dự án Horizon 2020 (tức H2020) về hydraulic fracturing (nứt thủy lực) của EU – dự án rất uy tín do EU tài trợ nhằm mục đích trao đổi và góp phần phát triển nguồn nhân lực làm nghiên cứu cho Việt Nam với tổng vốn lên đến 1.7 triệu Euros. Một số sản phẩm thương mại hóa của trung tâm có thể kể đến là quạt không cánh (tài trợ bởi quỹ Newton, Học viện Kỹ thuật Hoàng Gia, Anh quốc, và Chính phủ Anh), máy chưng cất tỏi lên men (Đề tài cấp Quốc Gia), phần mềm phân tích dữ liệu trong ngành Dược và Tài chính Chứng khoán,…
Sự có mặt của CIRTECH với “ngọn cờ đầu” là PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng vừa là động lực, vừa tạo nền tảng cho phong trào NCKH sinh viên tại HUTECH. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để những sinh viên xuất sắc trực tiếp tham gia làm khoa học cũng như được giới thiệu học lên các bậc cao hơn tại trường Đại học, Viện nghiên cứu là đối tác của CIRTECH ở các quốc gia phát triển.
Tạ Thúy
Bình luận (0)