Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Gặp gỡ tác giả Cô đơn trên mạng: Sau tình yêu mới là sex

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Ba Lan Janusz Leon Winiewski vừa đến VN trưa 20-11 để bắt đầu chương trình hoạt động năm ngày gặp gỡ các độc giả hâm mộ tác phẩm Cô đơn trên mạng và Tình nhân của ông.

Nhà văn Winiewski (bìa phải) và dịch giả Thanh Thư cùng trả lời các câu hỏi của báo chí – Ảnh: L.Điền

Cuộc gặp gỡ đầu tiên, nhà văn của Cô đơn trên mạng đã dành cho dịch giả Thanh Thư và Tuổi Trẻ:

* Ông đã đi nhiều nơi và lắng nghe tâm sự của nhiều thành phần độc giả khác nhau, ông cho rằng những người đọc tiểu thuyết hiện nay có vai trò như thế nào đối với công việc sáng tác của nhà văn?

– Đúng thế, Cô đơn trên mạng và những cuốn sách khác của tôi cho tới lúc này đã có mặt ở tám nước khác ngoài Ba Lan. Tôi đã gặp gỡ độc giả từ nhiều nước khác nhau, và giờ đây là các bạn đọc VN. Nói đúng ra tôi đã viết tất cả các cuốn sách của mình cho… chính mình. Đây quả là một cách tiếp cận khá ích kỷ nhưng là sự thật. Tôi viết vì những cảm xúc của mình, vì những suy nghĩ của mình.

Chỉ khi xuất hiện trong các hiệu sách, chúng mới có ý nghĩa quyết định đối với tôi. Kể từ lúc đó, chúng không còn là của riêng tôi nữa. Chúng bắt đầu cuộc sống riêng của mình, và cuộc sống được các bạn đọc truyền miệng hoặc được kể lại trong các bức email đã cho tôi thấy những gì mình viết ra được tiếp nhận khác nhau như thế nào.

Tôi có may mắn là phần lớn sách của tôi đều nằm trong danh sách best-seller. Do đó phần lớn ý kiến, nhận xét là những ý kiến, nhận xét tích cực. Song có thể hơi ngược đời một chút, tôi lại lắng nghe nhiều hơn những nhận xét không phải là những lời ca ngợi mà mang tính phê bình. Tôi học được từ chúng rất nhiều. Như vậy là bạn đọc đã sáng tạo nên mỗi tác phẩm tiếp theo của tôi. Thậm chí muốn chỉ viết cho bản thân thì tôi vẫn khai thác từ trí nhớ những nhận xét của bạn đọc một cách có ý thức.

* Ông từng quan niệm “làm việc cật lực, chơi và không cảm thấy sự khác biệt giữa hai việc đó”, vậy đối với ông điểm giống nhau giữa “chơi” và “làm việc cật lực” là gì? Và khi viết văn, ông đã chơi hay làm việc cật lực để có hiệu quả?

– Không bao giờ tôi coi viết sách như một công việc. Không bao giờ! Văn chương giống như người tình, mà vì người ấy tôi phản bội vợ tôi: khoa học. Điều này hoàn toàn không có nghĩa sống cùng với vợ là một “công việc nặng nhọc”. Dù vậy, khi viết tôi cảm nhận không chỉ niềm vui. Tôi cảm nhận cả nỗi buồn, sự tức giận, niềm xúc động, sự khinh bỉ, ghê tởm, ý muốn trả thù… tất cả cung bậc của cảm xúc.

Chưa bao giờ tôi nghĩ đến hiệu quả của công việc viết lách. Thậm chí tôi không biết hiệu quả của công việc viết lách là cái gì. Tôi viết những cuốn sách của mình cũng như mọi người đọc chúng vậy: mở trang giấy trắng đầu tiên và tự tôi tò mò không biết tiếp theo sẽ là gì.

* Cảm nhận đầu tiên của ông khi biết có một người VN nào đấy muốn dịch sách của mình?

– Hết sức ngạc nhiên và cả tự hào nữa. Tôi không nghĩ rằng cuốn sách (Cô đơn trên mạng – NV) ấy lại đi xa đến như vậy. Sau đó là niềm vui vô hạn khi biết sách của mình đã đến tay bạn đọc từ một nền văn hóa khác rất xa xôi. Chính bạn đã làm nên điều đó. Và tôi rất cảm ơn bạn vì điều này. Còn nền văn hóa đó và tính cách ấy hóa ra không đến nỗi xa xôi lắm. Những bức email từ bạn đọc VN của tôi không có gì khác so với những email của bạn đọc Ba Lan, Nga hay CH Czech…

* Cô đơn trên mạng là một cuốn sách hiện đại, trong đó có nhiều nội dung tình dục hiện đại, đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả Việt Nam – một đất nước châu Á, nơi sex vẫn bị coi là một đề tài cấm kỵ. Vậy ông nghĩ gì về điều này?

– Từ sex làm đơn giản hóa và phiến diện hóa vấn đề. Nó bị lạm dụng. Trong các cuốn sách của tôi là tình yêu. Sau tình yêu mới là sex. Đối với tôi, tình yêu bao giờ cũng gắn liền với khát khao được đụng chạm. Với số đông mọi người cũng thế. Lãng quên điều này hay giả vờ như không có nó sẽ là giả dối và không đúng.

Những người đang yêu nhau muốn được gần gũi nhau. Luôn luôn gần gũi là tốt nhất. Bởi hóa học về sự đụng chạm là bộ môn hóa học đẹp nhất, và không có một “tabu” (tabou – đề tài cấm kỵ) nào ảnh hưởng đến nó. Mọi người muốn đọc về điều đó và thường muốn tự mình trải nghiệm. Trong vấn đề này, Việt Nam không khác các nước khác.

Tại TP.HCM chiều 20-11, nhà văn Janusz Leon Winiewski đã có cuộc gặp gỡ rất cởi mở với các cơ quan truyền thông, xuất bản. Mọi người thấy thú vị khi biết tác giả có chín đầu sách với nhiều tựa đang là best-seller này vốn là một nhà khoa học, thạc sĩ vật lý, tiến sĩ tin học và tiến sĩ khoa học về hóa học.

“Tôi có mối quan hệ vợ chồng với khoa học nhưng lại có mối tình nồng nàn với văn chương; tôi cho rằng “vợ tôi” không biết việc này và hai việc này không cản trở nhau…” – hài hước và lịch lãm, nhà văn nhạy cảm với nỗi cô đơn tâm sự. Dù vậy, ông cũng thừa nhận: “Những chương trình máy tính tôi viết chỉ khoảng 100 người trên thế giới biết đến, nhưng đã có hàng triệu người biết đến tên Janusz Leon Winiewski thông qua các đầu sách văn học của tôi. Đó là sự bất công đối với khoa học”.

Khi nghe tin sách của mình sẽ được dịch và phổ biến ở Việt Nam, ông đã nhiệt tình miễn phí tác quyền cho NXB Trẻ trong hai năm đầu sau khi in sách.

8g30 sáng nay 21-11, nhà văn Janusz Leon Winiewski tiếp tục có cuộc giao lưu rộng rãi với sinh viên TP.HCM và những bạn đọc quan tâm tại tầng 4 tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận).

Một truyện ngắn mới của ông cũng sẽ được đăng trong chuyên mục Truyện ngắn 1.200 trên số báo Tuổi Trẻ ngày 22-11.

THANH THƯ – LAM ĐIỀN (Theo TTO)

Bình luận (0)