Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gặp gỡ yêu thương

Tạp Chí Giáo Dục

Gói bánh chưng tặng trẻ em nghèo vùng cao, thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, viết câu đối cho các du học sinh nước ngoài tại Việt Nam,… đó là những hoạt động ý nghĩa của tổ chức Đoàn, Hội trên cả nước nhằm giúp bạn trẻ Việt Nam, quốc tế hiểu hơn về Tết cổ truyền Việt Nam.

Gặp gỡ yêu thương
Du học sinh nước ngoài tại Việt Nam hào hứng gói bánh chưng. Ảnh: Lưu Trinh

Trải nghiệm đặc biệt cho du học sinh nước ngoài

Những du học sinh nước ngoài tại Việt Nam vừa có những trải nghiệm đặc biệt: Thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, viết thư pháp, kéo co, nhảy sạp,… tại chương trình giao lưu “Gặp gỡ Việt Nam”. Đây là chương trình lần đầu tiên T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức nhằm giúp các bạn sinh viên Việt Nam, đặc biệt là du học sinh nước ngoài tìm hiểu và trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết Nguyên đán.

Tay thoăn thoắt gói bánh chưng trong sự trầm trồ, ngạc nhiên của bạn trẻ Việt Nam, Yazana Yaldeh, du học sinh đến từ Palestine tếu táo: “Gói bánh chưng chỉ khó… bình thường thôi. Các bạn thấy tôi gói bánh chuyên nghiệp không, đẹp không?”. Được các bạn trẻ vỗ tay tán thưởng, Yazana Yaldeh cười hạnh phúc, hướng dẫn thêm các bạn du học sinh nước ngoài tại Việt Nam cùng gói bánh chưng. Yazana Yaldeh cho biết, đây là lần thứ 3, cậu đón Tết cổ truyền Việt Nam. Mỗi năm, Yazana Yaldeh về gia đình của một người bạn đón Tết, cùng đi chợ sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

“Tôi được gia đình bạn tôi đối xử như một người con trong gia đình, họ kể cho tôi nghe phong tục ngày Tết cổ truyền, hướng dẫn tôi gói bánh chưng. Lần đầu gói bánh tôi thấy khó lắm, sợ mình làm hỏng bánh. Nhưng khi được bạn hướng dẫn tôi gói rất nhanh và bạn tôi khen gói đẹp. Tôi thích nhất là món bánh chưng, hương vị rất đặc biệt”, Yazana Yaldeh nói.

Đây là năm thứ 2 Adam Tallouri, du học sinh đến từ đất nước Palestine, sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội đón Tết ở Việt Nam. Năm ngoái Adam Tallouri đón Tết Nguyên đán cùng gia đình người bạn ở Thái Nguyên. “Ấn tượng lớn nhất của tôi là người Việt Nam rất thân thiện và tốt bụng. Tôi không ăn được thịt lợn nên gia đình bạn tôi đã quyết định gói bánh chưng bằng nhân thịt bò để ăn. Điều đó khiến tôi rất cảm động. Tôi được bạn dẫn đi chúc Tết gia đình bạn bè, người thân. Dù lần đầu gặp mặt nhưng họ đều quý và mừng tuổi cho tôi”, Adam Tallouri vui vẻ kể. Năm nay, Adam tiếp tục về Thái Nguyên đón Tết và đi du lịch Sa Pa để tìm hiểu thêm về đất nước và văn hóa con người Việt Nam.

 Chương trình giao lưu “Gặp gỡ Việt Nam” có sự tham gia của 252 đại biểu là sinh viên nước ngoài đến từ 17 nước và vùng lãnh thổ đang học tập tại Việt Nam: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Cu Ba, Mông Cổ, Sri Lanka, Ukraine, Palestine, Brazil, Đài Loan, Đức, Iran, Philippines, Triều Tiên; 178 sinh viên Việt Nam từ các trường đại học lớn tại Thủ đô: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Hà Nội, Đại học Công đoàn, Học viện Ngoại giao, trong đó có 100 tình nguyện viên là sinh viên của Đại học Hà Nội. Các bạn sinh viên Việt Nam và du học sinh nước ngoài được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của ngày Tết Nguyên đán: Bày mâm ngũ quả; gói bánh chưng; viết thư pháp; làm thiệp chúc Tết trao gửi thông điệp “Tôi yêu Việt Nam”; nặn tò he; tham gia các trò chơi dân gian Việt Nam.

Bánh chưng cho trẻ em nghèo vùng cao

Hơn 2.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện trong nước và quốc tế cùng các em học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa gói 1.500 bánh chưng tại lễ hội “Gói bánh chưng, gói trọn yêu thương” được tổ chức tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội).

Chương trình nằm chuỗi sự kiện “Tết sẻ chia, Tết yêu thương” do CLB Liên kết Trẻ, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trung tâm Anh ngữ Sunrise và nhóm CHEF Thiện chiến tổ chức.

Anh Vũ Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia chia sẻ, hàng ngàn học sinh, sinh viên thành phố cùng tham gia góp sức gói bánh chưng là hành động ý nghĩa, giàu tính nhân văn, giúp cho các bạn nhỏ vùng cao có một cái Tết truyền thống đủ đầy. “Lễ hội gói bánh chưng là hoạt động giúp các bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu về những nét đẹp, những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc trong những ngày Tết. Đồng thời, giới thiệu cho các bạn bè quốc tế biết rõ về ý nghĩa, giá trị truyền thống của ngày Tết Việt”, anh Minh Lý nói. Anh Lý cho biết, trong 2 ngày (15, 16/1), những chiếc bánh chưng này được Ban tổ chức mang đến trao tận tay cho trẻ em nghèo vùng cao tại Bắc Kạn, Cao Bằng trong hành trình “Tết sẻ chia, Tết yêu thương”. Ngoài những chiếc bánh chưng yêu thương, Ban tổ chức còn trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa, tặng 1 Ngôi nhà Khăn quàng Đỏ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Ba Bể, Bắc Kạn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tổ chức 1 bữa cơm Tất niên cho các em học sinh tại điểm trường Nà Slien (Ba Bể, Bắc Kạn).

Từ nay đến dịp giáp Tết Nguyên đán, Ban tổ chức sẽ tiếp tục mang “Tết sẻ chia, Tết yêu thương” về với trẻ em vùng biên giới Hà Tĩnh, trẻ em lang thang đường phố, người vô gia cư tại TPHCM, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo trong các bệnh viện, và tại trung tâm nhân đạo nuôi dưỡng các em nhỏ tại tỉnh Bình Dương với những món quà ấm áp tình người.

Anh Doãn Hồng Hà, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cho hay, chương trình giao lưu là dịp để các bạn du học sinh nước ngoài tại Việt Nam có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm vẻ đẹp truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam. Đó là những ngày sum họp, đoàn viên lớn nhất trong năm của người Việt, để thêm yêu, thêm quý đất nước, con người Việt Nam từ những điều bình dị nhất.

Lưu Trinh – Quang Lộc (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)