Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Gặp “hoa hậu” tuổi teen trong trại giam

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa hậu tuổi teen trong Trại giam Hoàng Tiến.Tuổi 15 đẹp như trăng rằm, tôi nhớ đã có văn sỹ nào đó nói như vậy. Với Nguyễn Thị Phương Dung, nữ phạm nhân trẻ nhất trong Trại giam Hoàng Tiến (Bộ Công an), cách ví trên quả không sai. Cao 1m69, vóc dáng cân đối, mắt đen, da nâu, Dung rất xứng đáng với danh hiệu “hoa hậu” tuổi teen ở đất trại.

Trại giam Hoàng Tiến một ngày hè nhiều nắng song rợp bóng râm của cây cối, chúng tôi theo chân Trung tá Tỏ, Phân trại trưởng Phân trại 1 đi thăm nơi ăn ở, làm việc của phạm nhân. Phân trại 1 có 1.400 phạm nhân, trong đó có 400 phạm nhân nữ.

29 năm gắn bó với đất trại, Trung tá Tỏ thuộc mọi con đường, nhớ từng gốc cây trên mảnh đất đồi gò này. Không chỉ thế, anh còn là người hiểu biết về phạm nhân, nhất là phạm nhân đặc biệt. Đặc biệt ở đây là những người “gắn bó” lâu năm với trại; những người gia cảnh khốn khó; những người lớn tuổi và cả những người trẻ tuổi. Có lẽ vì thế nên khi nghe chúng tôi đề nghị gặp một phạm nhân trẻ tuổi, anh đã đưa chúng tôi đến đội phạm nhân nữ.

Hai nữ quản giáo trẻ, một đã có gia đình, một mới ra trường đang ngồi dưới bóng cây. Tưởng như các cô đang ngồi chơi nhưng thực ra họ đang làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ của hai nữ quản giáo là quản lý phạm nhân nữ đang lao động. Theo yêu cầu của chỉ huy, một trong hai nữ quản giáo đứng dậy đi gọi Nguyễn Thị Phương Dung.

Chúng tôi rất bất ngờ trước sự xuất hiện của cô bé. Dung sải những bước dài, mái tóc ngắn búi gọn. Không có vẻ ngượng ngùng, Dung chào chúng tôi rồi cười hồn nhiên. Đôi mắt đen với làn mi dày, mỗi khi nhìn xuống chứa đầy sự e ấp của thiếu nữ.

Tôi hỏi Dung năm nay bao nhiêu tuổi, cô bé trả lời “cháu 15 tuổi”. Giật mình, tôi hỏi lại đồng chí Tỏ. Đang ở tuổi vị thành niên, Dung phải thi hành án phạt tù hẳn tội rất nặng. Đồng chí Tỏ cười hiền lành bảo hỏi Dung sẽ rõ. Nghe vậy, Dung cúi xuống nhìn nền đường trải xi măng.

“Nếu bình thường, năm nay Dung học lớp mấy?”, tôi hỏi. “Cháu học lớp 9, bây giờ đang nghỉ hè” – sau một hồi tính toán – Dung trả lời. “Nhưng cháu bỏ học từ năm học lớp 6”, Dung nói. “Sao cháu bỏ học sớm vậy?”, tôi hỏi. Ngập ngừng một lát, Dung bảo do không thích học.

Bỏ học, tụ tập với đám bạn quen trên mạng, cả bọn đi bụi và sống theo kiểu bầy đàn. Nhà Dung ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Bố làm nghề bán cơm, mẹ bán cà phê. Mỗi người theo đuổi một con đường, họ bỏ nhau và gần như quên lãng đứa con gái đang tuổi lớn. Ở với mẹ chán, Dung sang ở với bố hoặc ngược lại. Chính vì sự đi, ở không theo quy củ của Dung khiến bố mẹ không biết thực ra Dung đang ở đâu.

Không biết có phải chịu ảnh hưởng của chuyện kiếm hiệp hay do Internet mà từ lúc bỏ nhà đi bụi, Dung lấy “nghệ danh” là Nguyễn Tú Linh. Cái tên này nức tiếng trong giới chát chít trên Internet và cả trong những nhóm trẻ thích chơi hơn học. Tôi hỏi nickname của Dung là gì, cô bảo nhiều lắm không nhớ hết.

Tôi lại hỏi cách chơi của Dung, cô bé bảo “cả nhóm thuê nhà nghỉ ở chung, ăn chung và đi chơi khắp nơi”. “Như thế có gì thú vị?”, tôi hỏi tiếp. “Không thú vị lắm nhưng thích hơn ở nhà”.

Dung còn khoe, tuy nhỏ tuổi nhất trong nhóm nhưng cô là người chỉ huy. Nhóm chỉ có hai nữ, còn lại là nam, có người hơn Dung 5-6 tuổi nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo của cô. “Cháu có biệt tài gì vậy?”, tôi hỏi. “Không có gì đặc biệt nhưng cháu biết bày binh bố trận”, Dung thỏ thẻ.

Chống đối bằng cách… hát

“Hồi còn tạm giam, Dung đánh lộn với đồng bọn đấy”, đồng chí Tỏ cho biết. Hoá ra, thiếu nữ tuổi teen đang ngồi trước mặt tôi đây không hiền lành như vẻ ngoài của cô. Các nữ quản giáo còn cho biết, khi mới nhập trại, Dung bất tuân lệnh. Suốt ngày, Dung chỉ hát và hát. Trong buồng giam, tiếng hát của Dung bay ra ngoài, lan tỏa trong không gian vốn yên tĩnh của trại giam.

Người lạ khi đến nơi đây hẳn nghĩ, phạm nhân đang hát kia hẳn là một người yêu đời. Không ai ngờ, tiếng hát này là thể hiện sự chống đối. Phải thừa nhận, Dung hát khá hay. Nhưng hát phải đúng lúc, không thể lấy việc hát ra để bất tuân nội quy, mệnh lệnh.

Để Dung thuần phục như ngày hôm nay, các nữ quản giáo đã mất rất nhiều công sức. Họ phải tìm hiểu, động viên, khuyên Dung nên cải tạo tốt để ra trước thời hạn. Dần dà, Dung cũng hiểu ra. Nay, Dung đang là đội viên của đội sản xuất dán giấy bạc.

Công việc nhẹ nhàng, song đòi hỏi phải kiên nhẫn. Dung đã học được tính kiên nhẫn khi hàng ngày cần mẫn ngồi dán giấy bạc. Vui mừng khi thấy thành phẩm mình làm ra ngày càng đẹp hơn, nhiều hơn.

Nữ tướng cướp táo tợn

Nữ tướng cướp 9X và đồng bọn khi bị bắt.Lật lại vụ án do Nguyễn Thị Phương Dung cầm đầu mới thấy mức độ nguy hiểm do cô bé này gây ra đối với xã hội. Đó là đêm 13/8/2007, anh Nguyễn Đình Bính, ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đang chở người yêu đi trên xe Wave Alpha trên đường 200, thuộc xã Trung Hoà, huyện Yên Mỹ thì bị cướp.

Bọn cướp là một nhóm thanh niên dùng vũ khí đánh vào tay, vào người anh, lấy xe rồi bỏ đi. Sau phút bàng hoàng, anh Bính đến Công an huyện Yên Mỹ trình báo.

Kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn gần đây xuất hiện một nhóm thanh niên thuê 3 phòng nghỉ ở nhà nghỉ Trường Giang, khu vực Phố Nối, huyện Mỹ Hào gần một tháng. Hành vi của nhóm thanh niên này có nhiều biểu hiện bất thường như thường tụ tập ăn đêm, cười nói oang oang, phóng túng.

Khi Công an đến nhà nghỉ này thì nhóm thanh niên đã đi mất, chủ nhà nghỉ cho biết trong nhóm này có một nữ tên Linh, một người nam tên Vinh còn những người khác không rõ tên tuổi, quê quán.

Xác minh nhiều chiều, cơ quan Công an biết tên Vinh có tên đầy đủ là Vũ Duy Vinh, 24 tuổi, trú tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Còn Linh có tên thật là Nguyễn Thị Phương Dung, 15 tuổi, trú tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Dung bị bắt khi đang lên mạng tại một quán Internet ở huyện Mỹ Hào.

Cơ quan Công an cũng làm rõ các đối tượng trong nhóm gây án cùng Dung gồm: Đỗ Trọng Toàn, 18 tuổi, ở xã Nhân Hòa, Mỹ Hào; Doãn Văn Nghiệp, 22 tuổi, ở Liêu Xá, Yên Mỹ; Doãn Văn Tư, 20 tuổi, ở Liêu Xá, Yên Mỹ; Đào Quyết Thắng, 24 tuổi, ở Bạch Sam, Mỹ Hào; Nguyễn Trung Nghiêm, 22 tuổi; Đặng Văn Lợi, 20 tuổi; Nguyễn Văn Dũng, 20 tuổi đều ở thôn Văn Nhuế, thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào.

Tại cơ quan Công an, Dung khai nhận do nợ tiền bạn, cộng với việc phải trả nợ tiền nhà nghỉ nên cả bọn bàn nhau đi cướp xe máy. Sau khi thăm dò, nhóm của Dung quyết định chọn anh Bính để ra tay khi thấy anh cùng người yêu đang tâm sự bên đường. Gây sát thương nạn nhân, nhóm của Dung lấy cả giấy tờ xe rồi đem đi cắm được 10.000.000đ. Số tiền này cả bọn lại đem đi tiêu xài. Với vai trò chính, Dung bị kết án 4 năm rưỡi tù giam.

Nếu so với đối tượng lớn tuổi nhất trong nhóm, Dung kém tới 9 tuổi nhưng do bản tính táo tợn, sống hoang dã, Dung đã thể hiện tốt vai trò chỉ huy của mình. Với một thiếu niên có tố chất như Dung, nếu phát huy trong môi trường tốt, em sẽ trở thành con người khác hẳn. Tôi cứ hình dung, nếu Dung ở vai trò của người lớp trưởng chẳng hạn, chắc chắn lớp của Dung sẽ hoạt động quy củ, học hành đâu ra đấy.

Bức thư mới đây Dung gửi về cho mẹ, cho bà ngoại có đoạn “Con ở trong này khoẻ, công việc phù hợp với con. Con nhớ bà, nhớ mẹ lắm”. Gần một năm ở trong tù, từ đáy lòng Dung gửi đến mẹ, đến bà tình cảm trong trẻo. Các cán bộ quản giáo nhận xét, Dung đã cải tạo tốt, thay đổi nhiều so với thời gian mới vào trại.

Mong rằng, với sự tác động, giáo dục của những cán bộ quản giáo, với những đêm không ngủ trong Trại giam Hoàng Tiến và bài học đau đớn thuở đầu đời, cô bé sẽ sớm trở về gia đình với một suy nghĩ khác và hành động khác. Dung còn rất trẻ, mãn hạn tù cô mới 18 tuổi. Cái tuổi đủ để bắt đầu mọi thứ.

Theo Cao Hồng – Việt Hà (CAND)

Bình luận (0)