Đọc nhiều lần những trang ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? nhưng tận hôm nay, tôi mới có dịp gặp gỡ tác giả trong đời thường. Nhà văn đã già tuổi tác, nói nhỏ, âm mất âm lạc nhưng giọng kể mượt ngọt ngày xưa trong những bài ký trữ tình vẫn vương vít trong chất giọng Huế nhẹ nhàng.
Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường uyên bác lại trữ tình, vừa giàu thông tin lại không thiếu chất thơ. Những tương phản ấy tưởng chừng trái ngược nhưng làm phong phú hơn giá trị văn chương của nhà văn. Dẫu không có nhiều thời gian để đọc hết ký của ông nhưng độc giả chắc hẳn không xa lạ với tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? – tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 12 từ nhiều năm nay. Đó là “bản trường ca đầy chất thơ tạo cho sông Hương và xứ Huế một tâm hồn mang tinh hoa văn hóa đất Kinh kỳ xưa, là sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc, là tác phẩm không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn là một minh chứng thuyết phục cho tính hấp dẫn đặc biệt của thể ký”. GS. Trần Đình Sử đã ví “hành trình của sông Hương từ nguồn ra biển là hành trình của tâm hồn xứ Huế” với những cung bậc “vừa mãnh liệt vừa lắng sâu, vừa trữ tình thiết tha, vừa bình thản trí tuệ”. Gấp lại những trang ký, ta mơ màng nhớ về một dòng sông thơ mộng trôi chảy êm đềm, thấp thoáng trong sương mờ, đi giữa màu xanh tre trúc, uốn lượn duyên dáng qua những khúc quanh; ta bâng khuâng nghĩ đến những cô gái Huế dịu dàng, tài hoa, tình tứ mà kín đáo. Đọng lại ngọt ngào nhất có lẽ là giọng kể “mượt ngọt như dòng nước Hương Giang bốn mùa xanh thẳm”.
Nhưng bây giờ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thật khó rời xa căn nhà của mình, cái ghế quen thuộc với bánh xe lăn. Mùa hè 1998, nhà văn bị tai biến sau một đêm thức khuya. Ông bị liệt, tay chân không nhúc nhích được. Trước đây, ông không thể cầm viết. Nhưng với nghị lực phi thường, từng ngày tập vận động đôi tay, bây giờ ông đã có thể viết lại. Và ông vẫn viết từng ngày. Tự tay viết chứ không nhờ người khác! Niềm đam mê được viết vẫn chưa dứt và vẫn còn đó những khao khát được chia sẻ, đồng điệu qua từng trang chữ! Chỉ có một tâm hồn yêu văn chương đã chiến thắng được mọi bệnh tật và khó khăn.
Giữa bận rộn mưu sinh, vội vã những công việc, trăn trở lo toan của cuộc sống hôm nay, ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn đem đến cho ta những phút giây nhẹ nhõm tâm hồn, lặng những xao xuyến trước những cái đẹp thật giản dị của sắc màu, hương thơm, dáng vẻ và những trầm tích văn hóa của đất nước quê hương.
ThS. Đoàn Thị Hải Lý
(GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)
Bình luận (0)