Liệt sĩ Võ Thị Tần (ảnh tư liệu) |
Liệt sĩ Võ Thị Tần không chỉ nổi tiếng về lòng quả cảm và sự hy sinh anh dũng khi chỉ huy tiểu đội 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc mà còn được nhiều người biết đến với một mối tình thủy chung xúc động. Với chị, mối tình đầu đáng trân trọng đó là chàng trai cùng quê Nguyễn Đức Hồng – anh bộ đội đóng quân trên đảo Cồn Cỏ thời đánh Mỹ.
Trước mặt tôi là ông Nguyễn Đức Hồng – nay là cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 – dù đã 74 tuổi sức khỏe không còn như xưa nhưng làn da nhăn vẫn hồng hào, đôi mắt tươi trẻ tưởng như thời thanh xuân vẫn còn trên nét mặt.
Thủy chung với lọn tóc thề
Nhắc lại chuyện xưa, ông kể với giọng nói sang sảng: “Lần này vợ chồng tôi vào TP.HCM là để thăm đứa con trai đang sinh sống ở Bình Dương và kết hợp đi khám sức khỏe tổng quát tại BV Chợ Rẫy”. Tối hôm đó, tôi gặp ông trong hoàn cảnh bất ngờ khi vợ chồng ông từ Bình Dương tìm đến TP.HCM để tới thăm cha con ông Võ Xuân Tửu là em trai kế của nữ liệt sĩ Võ Thị Tần đang ở Gò Vấp. Dù cách xa cả ngàn cây số nhưng tình cảm của gia đình ông với gia đình chị Tần vẫn gần gũi, gắn bó như thuở nào.
Mặc dù câu chuyện tình yêu thời trai trẻ của chàng trai mảnh đất Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đi vào ký ức hơn nửa thế kỷ nhưng mỗi lần nhắc lại, ông Hồng vẫn còn thấy hiển hiện trong lòng như mới hôm qua. “Tôi sinh năm 1943, hơn Tần một tuổi nhưng hai người lại học cùng một lớp từ nhỏ. Nhà ở gần nhau nên chúng tôi chơi thân và Tần hay sang nhà tôi để nhờ giải toán”. Sau khi học hết xong phổ thông, họ lại sinh hoạt chung một chi đoàn ở địa phương nên tình yêu đã “lên men” lúc nào không hay mặc dù trước đó chị Tần có nhiều người trong làng để ý vì nết na và xinh đẹp. May mắn đã đến với chàng trai tuổi 20 khi cô Phó Bí thư Đoàn xã Thiên Lộc chấp nhận và trân trọng tình yêu đầu đời và thiêng liêng đó.
Theo lời kể của ông Hồng, nhà chị Tần có 3 chị em nhưng chị là cô con gái rượu đầu lòng nên được ông bà Võ Nhân Cung cưng chiều: “Chính vì thế khi biết tôi chuẩn bị lên đường nhập ngũ, gia đình hai bên khuyên chúng tôi tổ chức đám cưới để nên vợ nên chồng”. Vì thế, chỉ sau một thời gian tại xóm núi Tân Hạ đã có một lễ đính hôn đơn giản và ấm cúng cho đôi trai gái trong làng trước khi ông lên đường nhập ngũ. Bất ngờ nhất đối với ông là trong ngày lễ trọng đại đó, cô dâu tương lai đã trao cho chàng rể một lọn tóc thề. Tuy lúc đó, chị Tần không nói ra nhưng ông hiểu đó là lời thề hẹn ước không đơn sai tấm lòng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thời chống Mỹ, chiến tranh vẫn còn khốc liệt nhưng không thể ngăn cản tình yêu và hạnh phúc của hàng vạn đôi trai gái ở hậu phương và tiền tuyến. Khói lửa đạn bom càng làm cho tình yêu của họ thêm bền chặt và son sắt.
Một tình yêu bất tử
Ông Hồng cùng với con dâu và cháu nội tại TP.HCM. Ảnh: Hương Thủy |
“Một ngày tháng 2 năm 1964, mang theo lời ước hẹn của mối tình đầu, tôi lên đường trong cảm xúc lâng lâng. Sau gần một tuần hành quân bộ gian lao, tôi cùng đồng đội có mặt nơi địa đầu tuyến lửa Vĩnh Linh – Quảng Trị và trở thành thế hệ đầu tiên của Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến”. Cũng bắt đầu từ đó kỷ vật thiêng liêng của người con gái ở hậu phương đã theo ông suốt những tháng năm dài chinh chiến. Dù ở núi rừng biên cương hay ra tận hải đảo xa xôi lúc nào ông cũng cảm thấy có người con gái sông La bên cạnh cùng với mối tình thủy chung với bao lời hẹn ước mỗi khi mở ra nhìn lọn tóc thề.
Một năm sau ngày ông lên đường nhập ngũ, ông biết tin Tần đã tình nguyện tham gia lực lượng TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. Thế nhưng sau đó, khi nhận lệnh ra chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ, ông đã hoàn toàn mất liên lạc. “Giữa năm 1968, tôi bị trọng thương trong một trận chiến đấu giữ đảo. Sau thời gian điều trị, trở về thăm quê, tưởng rằng sẽ được gặp người thương ai ngờ mộ Tần đã phủ màu xanh của cỏ, cô ấy đã hy sinh hơn một năm về trước”. Mỗi khi đứng trước nấm mộ còn nguyên đất đỏ ông không cầm được nước mắt vì nỗi đau quá lớn. Trong trái tim ông tình yêu của họ vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Quá nhớ thương nhiều lúc ông vẫn cảm thấy hình bóng người con gái ông đã trao tình yêu vẫn còn vương vấn trong lòng. Hơn ai hết, gia đình cụ Võ Nhân Cung cũng hiểu được sự mất mát lớn lao đó nên vẫn dành tình yêu thương cho chàng rể chính thức dù chưa sống chung nhà.
Ở Đồng Lộc, những lần chuyển mộ các liệt nữ từ nơi này sang nơi khác đều có ông Hồng tham gia để đưa hương hồn 10 cô gái về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc. Chính vì thế nhiều năm nay ông đã trở nên thân thiết với nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc – nơi chị Võ Thị Tần và đồng đội yên nghỉ trong lòng đất mẹ với tuổi thanh xuân của mình. |
Sau 4 năm chiến đấu trở về, tuổi ông Hồng không còn trẻ nữa, bạn bè cùng lứa đều đã có gia đình. “Sau khi mãn tang con gái, cụ Cung ngỏ lời đi hỏi vợ cho tôi và sau đó dắt tôi mang trầu sang nhà cô Minh là hàng xóm của Tần làm lễ xin dâu… Đây là điều làm cho nhiều người thấy bất ngờ nhất và với tôi lại càng quý trọng tấm thịnh tình của gia đình Tần hơn”. Đối với gia đình cụ Cung, bây giờ ông không còn là người xa lạ nữa mà chính là một thành viên, một người con thân yêu trong gia đình. Nhìn thấy ông hạnh phúc mà gia đình cụ Cung cũng vui lây, thật ít có ai mà có được tình cảm sâu nặng đó.
Cảm phục trước sự cao cả của gia đình chị Tần, vợ chồng ông xin phép cụ Cung được mang ảnh Tần về nhà lập bàn thờ phúng viếng. Đây là điều hình như chưa có tiền lệ nhưng chính là điều mà trái tim vợ chồng ông mách bảo. Suốt bốn chục năm nay họ đối xử với cụ như thân sinh của mình. Đó cũng là cách ứng xử cao đẹp và đầy tình người của bà Võ Thị Minh – vợ ông sau này. Trong tâm khảm của gia đình ông Hồng, chị Tần vừa gần gũi thân thiết như máu thịt vừa linh thiêng để ngưỡng vọng, tôn thờ. Một tình yêu không bao giờ chết dù kẻ còn người mất.
Hương Thủy
Bình luận (0)