Nhân kỷ niệm 15 năm (2009 – 2024), tập thể cựu tù yêu nước Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Ban Liên lạc cựu tù tổ chức gặp mặt cựu tù yêu nước tại Khu Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt.
Các cựu thù thiếu nhi dự buổi gặp mặt
Tham dự gặp mặt, có Ban Ban Liên lạc Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù toàn quốc TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, TP. Đà Lạt và gần 300 cựu tù thiếu nhi, hiện đang sống tại các tỉnh/thành trong cả nước.
Tại buổi gặp mặt, Ban Liên lạc cựu tù yêu nước Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đã ôn truyền thống đấu tranh của tập thể cựu tù trong những năm đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn dựng lên cái gọi ban đầu là “Trại Cải huấn Thiếu nhi Đà Lạt”, nhằm đánh lừa dự luận. Dù tồn tại chưa đầy 3 năm (1971 – 1973), nhưng Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt – một kiểu nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới, nơi đã giam cầm 600 tù nhân từ 12 đến 17 tuổi, với một chế độ tù đày hết sức dã man; chúng đã đánh đập, tra tấn các tù nhân nhỏ tuổi không khác gì người lớn. Tại đây, đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình của các thù nhân nhỏ tuổi chống lại bọn cai ngục; giết chết tên chỉ điểm; đặc biệt, có 3 tù nhân thiếu nhi đã tự mổ bụng mình để phản đối chế độ nhà tù hà khắc; tổ chức 7 cuộc vượt ngục để trở về với cách mạng, tiếp tục tham gia kháng chiến…
Quỹ “Sáng mãi tình đồng đội” của Ban Liên lạc Trung ương, TP.HCM trao quà cho các cựu tù bệnh tật, khó khăn
Nhiều cựu tù ngày ấy đã kể lại những câu chuyện cảm động; tạo sức lan tỏ mạnh mẽ về lòng yêu nước, căm thù giặc cho các đại biểu, nhất là thề hệ trẻ hôm nay. Các cựu tù tặng quà, động viên nhau vượt khó khăn, bệnh tật trong cuộc sống; thăm lại nơi mình đã từng bị giam cầm cách nay đã hơn nửa thế kỷ…
Cựu tù thăm các mô hình tái hiện hình ảnh tù nhân thiếu nhi bị tra tấn
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình, độc lập đã hiện hữu; song, hậu quả chiến tranh vẫn còn lưu lại nặng nề trên cơ thể từng người tù với những vết thương, bệnh tật… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Đồng xin tri ân những tấm gương anh hùng, bất khuất của các cựu tù thiếu nhi ngày ấy. Việc tổ chức gặp mặt truyền thống vừa là dịp để các cựu tù gặp lại nhau, thăm hỏi, động viên nhau vượt qua ốm đau, bệnh tật; vừa là hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ Lâm Đồng, nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết trân quý giá trị cuộc sống hôm nay đã phải đánh đổi biết bao xương máu của các thế hệ cha, anh năm xưa…
Cựu tù tham quan không gian trưng bày tư liệu lịch sử tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt
Theo tài liệu, từ khi được phục dựng và đưa vào hoạt động (tại số 9A Hồ Xuân Hương, phường 9, TP.Đà Lạt), Di tích Lịch sử quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ cả nước. Đã có 150 ngàn lượt khách tham quan, nghiên cứu; có 233 tổ chức Đoàn Thanh niên và hơn 100 tổ chức Đảng đã đến đây làm lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên mới…
Tin, ảnh: Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)