Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Gặp người cõng chữ lên ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy giáo Hà Công Văn hỏi han các em sau kỳ nghỉ hè

Tháng 9, đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông Trường Sơn độ này bồng bềnh sắc trắng hoa trẩu ngời sáng trên nền trời xanh đẹp như đi trong mộng. Lượt lượt học trò từ các bản làng hẻo lánh áo trắng quần xanh tấp nập đổ về điểm trường chính Húc Nghì (huyện Đakrông, Quảng Trị) khai giảng năm học mới. Người Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn nói, đó là tài sản của thầy giáo Hà Công Văn – người đầu tiên mang ánh sáng cái chữ Bác Hồ đến với bản làng.
Từ thành phố Đông Hà vượt gần 120kmđường đèo dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Húc Nghì (xã Húc Nghì, Đakrông). Ngôi nhà sàn lợp tranh tre nứa lá vừa dựng lại sau cơn lũ quét năm 2009 của vợ chồng thầy giáo, Anh hùng lao động Hà Công Văn nằm cạnh cổng trường, sát khu nhà bán trú dành cho học sinh vùng hẻo lánh.
Tiếng gọi trái tim
Bày ra sàn nhà bát ngô rang và ấm nước lá rừng mời khách, thầy Văn chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên tình nguyện đến với vùng núi hoang vu, nghèo khó này.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê Quảng Ninh (Quảng Bình), 20 tuổi (năm 1977), khi vừa tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Đồng Hới (Quảng Bình), thầy Văn tình nguyện đến xã Tà Long (Đakrông) dạy học. Những năm sau chiến tranh, Tà Long cũng như các bản làng vùng cao Quảng Trị còn nghèo lắm. Khắp rừng núi, suối khe còn vương vãi hố bom, mảnh đạn. Những ngôi nhà sàn nối nhau bằng vệt mòn giữa bãi cỏ hoang. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa rẫy và hầu hết trong số họ đều mù chữ.
Sau hơn 3 ngày ròng rã lội bộ, vượt suối băng rừng, thầy Văn mới đến được bản Ly Tôn của xã Tà Long. Nghe tin có thầy giáo mang cái chữ Bác Hồ đến cho bản làng, tất thảy già làng, trưởng bản cho đến trẻ con đều tập trung đến nhà già làng Vỗ Say mở tiệc ăn mừng.
Những ngày ấy, để chuyện trò được với người Vân Kiều, Pa Cô đã là một việc làm khó khăn, nói gì đến sống cùng bà con, bởi có rất ít người thạo tiếng Kinh mà thầy Văn lại là người Kinh duy nhất ở xứ sở này. Thầy Văn nghĩ, muốn hòa nhập được với bà con, phải “hóa thân” trở thành người miền núi, cùng ăn, cùng ở với dân bản, phải học tiếng Vân Kiều, Pa Cô để thuyết phục bà con nghe theo mình. Hàng ngày, thầy bày họ cách trồng lúa nước, trồng rau, ngô, nuôi cá… Đêm xuống, tay xách đuốc, tay cầm gậy, lội suối đến từng nhà vận động bà con cho con em mình đi học. Ban đầu được vài em, sau nhiều lần như thế, lớp học đông dần lên 42 em. Không có nơi học hành, thầy cùng bà con chặt tre nứa, lá dựng trường. Giữa đại ngàn Trường Sơn sau bao nhiêu năm chỉ rặt tiếng bom rơi đạn nổ đì đùng, nay có một lớp học ê a đọc bài theo nhịp thước của thầy giáo như chuyện cổ tích.
Sau khi dạy học ở Ly Tôn chừng một tháng. Một ngày, có rất đông các cụ già từ bản Ba Ngay đến tìm thầy. Vừa gặp thầy, già làng Vỗ Thiệu vào chuyện ngay: “Bọn miềng đến đây để mua thầy về dạy cho con em trong bản”. Thầy Văn bối rối chưa biết trả lời sao thì già Vỗ Thiệu tiếp: “Bà con bản miềng sẽ trả công cho thầy mỗi tháng 2 xếp thuốc lá, 220 lon gạo nếp và 10 con gà”. “Số của cải ấy so với tiền lương công chức của tôi lúc đó thì gấp chục lần. Nghe qua ai cũng tưởng mấy ông ấy ngạo mạn, nhưng nghĩ kỹ mới hiểu được nỗi khát khao học con chữ của bà con quá lớn lao, thật cảm động. Tôi quyết định dù khổ đến mấy cũng ở lại với bà con, truyền con chữ cho con em đồng bào”, thầy Văn bộc bạch.
Trong cái khó… ló cái thông minh

Thầy giáo Hà Công Văn với học sinh ngày khai giảng năm học mới (2010-2011)

15 năm sau (1992), việc học chữ Bác Hồ của dân bản Ly Tôn đã có nhiều tiến triển. Thế hệ học trò đầu tiên đã có thể đứng lớp, truyền lại cái chữ cho thế hệ sau. Thầy Văn lại một lần khăn gói lặn lội ngót 20km đường rừng đến với bà con xã Húc Nghì (Đakrông). Địa hình Húc Nghì vô cùng hiểm trở, để đến được lớp học rất nhiều học sinh từ các bản Kợp, La Tó… phải băng qua quãng đường 12km, trèo 3 con dốc, lội 4 cái suối với bao hiểm nguy rình rập. Thương các em, thầy Văn sáng tạo ra mô hình nội trú bằng cách cùng bà con dựng lán ngay cạnh trường học. Ngoài thời gian lên lớp, thầy lên rẫy thâm canh hoa màu phụ giúp bữa ăn cho các em.
Những năm 1990, miền núi Quảng Trị chưa có trường trung học cơ sở, học sinh của thầy Văn học xong tiểu học đành gác bút, quay về rẫy. Nhiều đêm trắng ngồi bên bậc cửa nhà sàn, nhìn vào khoảng không trước mặt, thầy Văn trăn trở: Không thể lãng phí tài nguyên. Thầy chợt reo lên sung sướng: “Lớp nhô”! Sau đêm đó, thầy bàn bạc với đồng nghiệp quyết định mở lớp “nhô” đầu tiên cho học sinh vừa học xong lớp 5 tiếp tục học lên lớp 6 ngay tại Trường Tiểu học Húc Nghì. Lớp 6 “nhô” đầu tiên của trường chỉ có 20 học sinh. Bây giờ đã có hàng trăm em theo học các lớp 7, 8 và 9, ăn ở nội trú tại trường. Tỷ lệ học sinh giỏi các môn văn, toán ngày càng tăng cao. Năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh giỏi toán toàn trường chiếm 20%, giỏi văn 11,2%.
Một sáng kiến nữa của thầy Văn đó là phương pháp dạy học luân chuyển theo lớp. Theo thầy, nhiều học trò vùng cao nói cũng như nghe hiểu tiếng Kinh rất chậm, bên cạnh đó các em có tâm lý ngại thầy giáo mới. Trong khi đó, mỗi năm các em lại có một thầy cô chủ nhiệm nên việc học các em rất khó tiến bộ. Là Hiệu trưởng, thầy đã mạnh dạn áp dụng phương pháp cho các thầy cô chủ nhiệm theo từ lớp 1 đến lớp 5. Cô giáo Hương từng hai lần luân phiên theo lớp cho biết: “Việc một cô giáo theo các em từ lớp 1 đến lớp 5 rất có hiệu quả, kết quả học tập của các em tiến bộ rõ rệt, các em lại ngoan hơn rất nhiều”.
33 năm hi sinh tuổi thanh xuân cõng con chữ lên ngàn, thầy giáo, Anh hùng lao động Hà Công Văn đã giúp hàng ngàn bà con Vân Kiều, Pa Cô (Quảng Trị) biết đọc, biết viết con chữ Bác Hồ. Nhiều học trò của thầy đã trở thành những thầy cô giáo ưu tú đang đứng lớp truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau, hay đang là những cán bộ cốt cán góp sức xây dựng quê hương, bản làng.
Chia tay Húc Nghì giữa ráng trời chiều miền Tây đẹp như tranh vẽ, trong những ngôi nhà sàn cheo leo bên vách núi, tiếng trẻ con đọc bài vang cả núi rừng, tôi nhớ mãi lời già làng Vỗ Thông nói lúc chia tay: “Thầy giáo Hà Công Văn tốt bụng lắm. Nó hy sinh tuổi thanh xuân của mình để ươm lên hàng triệu mùa xuân cho con em các bản làng Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

 

Suốt cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, với nhiều cống hiến đầy sáng tạo, năm 2005, thầy giáo Hà Công Văn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Bình luận (0)