Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Gặp “người của Harvard” mắc nợ tiếng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Tiến sĩ Ngô Như Bình đã có cuộc trò chuyện về con đường để trở thành Giáo sư ở một trường Đại học danh tiếng nhất thế giới – Đại học Harvard, Mỹ.

Người của Harvard!

 

TS Ngô Như Bình: Từ năm 1992 đến nay, tôi phụ trách chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á (Department of East Asian Languages and Civilizations).

Ngoài công việc giảng dạy, tôi là thành viên của tiểu ban ngôn ngữ của bộ môn, hai năm vừa rồi là thành viên của tiểu ban cố vấn cho chủ nhiệm khoa về ngoại ngữ; làm cố vấn cho sinh viên năm thứ nhất.
Sinh viên năm thứ nhất là những người mới từ trung học lên, còn nhiều bỡ ngỡ trong năm đầu tiên ở đại học, cần có người hướng dẫn về việc học tập cũng như các hoạt động khác trong trường. Mỗi năm tôi hỗ trợ cho ba sinh viên thường có xu hướng chọn chuyên ngành về khoa học xã hội hoặc nhân văn gần với chuyên ngành của tôi.
Từ năm 2003 đến nay tôi là Chủ tịch Tổ chức các trường đại học giảng dạy tiếng Việt ở Mỹ (Group of Universities for the Advancement of Vietnamese Abroad – GUAVA).
Tôi mới nộp bản thảo cuốn sách tiếp theo của tôi là Continuing Vietnamese cho nhà xuất bản. Cuốn sách sẽ ra mắt trong năm 2010.
Từng giảng dạy ở những trường lớn như Lomonosov (Nga)… bây giờ là Harvard. Ông có nghĩ rằng mình may mắn?
(Cười) Trong mọi thành công do kết quả của nỗ lực, không nhiều thì ít, bao giờ cũng có yếu tố may mắn.
Lý do nào mà Harvard mời ông về gây dựng và giảng dạy bộ môn tiếng Việt?
Đại học Harvard thường chỉ mời một người nào đó từ nơi khác đến làm việc nếu thấy người ấy có khả năng đoạt giải thưởng Nobel trong tương lai gần.
Trường hợp của tôi cũng như tuyệt đại đa số trường hợp các giảng viên khác là phải nộp đơn cho một tiểu ban xét duyệt tuyển người (search committee) của trường khi họ tuyển người giảng dạy tiếng Việt. Ở Mỹ có đến cả triệu người Việt làm ăn sinh sống, trong số họ không ít người có bằng cấp rất cao của các cường quốc về giáo dục ở phương Tây.
Cách đây hơn 17 năm, khi nộp đơn, tôi không mấy hy vọng mình sẽ được tuyển. Vì sao Đại học Harvard lại chọn tôi, cho đến tận bây giờ tôi cũng chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.
Tôi cho rằng kết quả công việc giảng dạy và nghiên cứu của tôi tại Đại học Quốc gia Moskva (M.V.Lomonosov) trong hơn mười năm có tác động không nhỏ đến quyết định của ban xét duyệt. Phải nói thêm rằng, giới khoa học Mỹ rất khách quan trong việc đánh giá thành tựu của các trường đại học nước ngoài, trong đó có Đại học Lomonosov.
Một kỉ niệm đáng nhớ của ông khi còn là một sinh viên?
Có lẽ điều đáng nhớ nhất là cái đói triền miên, đói từ những năm cuối cùng của trung học cho đến tận những ngày cuối cùng của đại học (tôi tốt nghiệp khoa tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội tháng 7/1973).
Có hai loại thực phẩm người Mỹ thích là ngô (corn) và bí đỏ (pumpkin). Còn tôi thì thấy "ngại" mỗi khi phải ăn mà không từ chối được, vì ở Việt Nam tôi đã ăn quá nhiều ngô và bí đỏ trong những năm chiến tranh. Nói ăn quá nhiều ngô và bí đỏ cũng chưa thật chính xác, vì những năm tháng ấy ngay cả ngô (thay cơm) và bí đỏ (thay các loại thực phẩm khác) cũng làm gì có đủ mà ăn.
Nợ với tiếng mẹ
Là một nhà ngôn ngữ học, chiêm nghiệm lại, ông thấy mình chọn tiếng Việt hay tiếng Việt chọn mình?
Tôi bắt đầu bị chinh phục bởi sức mạnh và vẻ đẹp của tiếng Việt có lẽ là vào thời điểm những năm cuối của trung học. Tuy nhiên, trong năm năm học tại khoa tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, chương trình tiếng Nga và văn học Nga khá nặng nên tôi không có điều kiện đi sâu vào tiếng Việt.
Khi chuẩn bị thi nghiên cứu sinh tôi mới có điều kiện đi sâu vào lý thuyết tiếng mẹ đẻ của mình để so sánh với tiếng Nga. Song, chuyên ngành tôi học nghiên cứu sinh tại Viện tiếng Nga thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) ở Moskva là ngữ nghĩa tiếng Nga.
Luận án của tôi nghiên cứu một nhóm trường nghĩa trong tiếng Nga. Khi đã nắm vững một thứ tiếng nước ngoài, tôi thấy hết sức thú vị trong việc dùng kiến thức về ngôn ngữ học đại cương cũng như về thứ tiếng ấy để nhìn lại tiếng Việt.
Cũng vào thời gian này, Bộ môn ngữ văn các nước Đông Nam Á, Triều Tiên và Mông Cổ tại Học viện các nước Á-Phi thuộc Đại học Lomonosov cần người bản ngữ giảng dạy tiếng Việt. Tôi xin vào đấy để có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về tiếng Việt.
Từ ngày ấy đến nay, tôi gắn bó với tiếng Việt, nhìn tiếng Việt từ góc độ của người bản ngữ và đối chiếu nó với những ngôn ngữ châu Âu mà tôi nắm vững.
Cảm nghĩ của ông thế nào khi làm công việc này?
Tôi chỉ thấy rằng cần phải cố gắng hết sức mình để số sinh viên ghi tên học tiếng Việt ổn định từ năm này sang năm khác, để sinh viên nhận xét đánh giá các lớp tôi dạy như thế nào đó mà các lớp sinh viên sau đó tiếp tục ghi tên học tiếng Việt (kết quả nhận xét đánh giá của sinh viên được đưa công khai lên trang mạng của Đại học Harvard).
Tôi vui mừng khi thấy tiếng Việt được giảng dạy liên tục tại Đại học Harvard, và vui mừng khi thấy tiếng Việt có tên trên tấm biển của bộ môn, ngang hàng với tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Tuy nhiên, cũng phải nói sự thật rằng số sinh viên ghi tên học tiếng Việt ít hơn nhiều so với số sinh viên ghi tên học tiếng Trung  và tiếng Nhật.
Ông có nghĩ rằng, về một khía cạnh nào đó, ông cũng nợ và mang ơn tiếng Việt không?
Quá đi chứ! Một người mà không mang ơn tiếng mẹ đẻ của mình thì người ấy khó mà biết trân trọng nó, và từ đấy, khó mà biết trân trọng nền văn hoá của dân tộc mình. Tôi sẽ quay trở lại vấn đề gìn giữ tiếng Việt, và điều đó hoàn toàn hợp lẽ với nghề của tôi!
Khi nói về Việt Nam cho các sinh viên ngoại quốc, câu đầu tiên mà ông thường nói là…?
Tôi thường nói: "Tôi giúp các bạn học tiếng Việt để các bạn có dịp sang thăm Việt Nam. Tôi cam đoan với các bạn rằng ở đó, các bạn sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị để rồi gắn bó với đất nước ấy".
Tuyệt đại đa số sinh viên của tôi đã có dịp sang Việt Nam. Có những người Nga tôi giúp học tiếng Việt cách đây hơn hai mươi năm đến bây giờ vẫn sinh sống ở Việt Nam. Người Mỹ cũng thế, có những người trước đây là sinh viên của tôi hiện công tác tại Việt Nam từ nhiều năm nay.
Ông bồi đắp lòng yêu nước cho người Việt ở những nơi ông dạy bằng cách nào?
Tôi giúp họ học tiếng Việt, dùng tiếng Việt để tìm hiểu văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Có một điều thú vị là sinh viên của tôi càng hiểu nhiều về những vấn đề Việt Nam phải đương đầu trong quá khứ cũng như trong hiện tại thì lại càng muốn làm một cái gì đó cho Việt Nam.
3 “key words”…
Theo ông, tố chất nào giúp ông có thể tồn tại trong một môi trường học thuật đầy cạnh tranh như Harvard?
Làm việc tận tâm, làm hết sức mình, học hỏi liên tục để nâng cao trình độ, học từ sách vở, học bạn bè đồng nghiệp, học ngay chính sinh viên của mình. Tôi rất biết ơn cha mẹ tôi cùng các thầy cô giáo của tôi ở Hà Nội, đặc biệt là các thầy cô giáo khoa tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, đã dạy tôi cách tự học để vươn lên.
Quan điểm sống mà ông luôn theo đuổi là…
Có lẽ điều tôi luôn cố gắng phấn đấu là sống có trách nhiệm với những người xung quanh và với chính bản thân mình…
Hồi trẻ, ai là người tạo cho ông cảm hứng để đứng lên sau những lần ngã?
Hồi trẻ tôi va vấp và nhận về rất nhiều thất bại. Nhưng bố mẹ tôi, thầy cô giáo độ lượng của tôi, những người bạn chân tình của tôi không xa lánh tôi sau những thất bại như thế mà ngược lại, động viên tôi rút kinh nghiệm để sống cho tốt hơn. Tôi rất thích câu tục ngữ của người Nga: Học qua những sai lầm, của người khác và của chính mình.
Cũng vào thời trẻ, nỗi sợ lớn nhất của ông là gì, và vì sao?
Tôi sợ nhất là những người xung quanh mình không hiểu được thiện ý của mình.
Thế rồi làm thế nào để ông vượt qua nỗi sợ hãi đó?
Có lẽ là vì tôi luôn sống thẳng thắn, chân thành với mọi người.
Câu danh ngôn mà ông thấy thích nhất?
Cũng lại là một câu ngạn ngữ của người Nga: Những gì người khác làm được thì mình cũng làm được, kể cả những việc rất khó. Nói tóm lại là phải tự tin ở sức mình.
Nếu có 3 "key words" để thành công, ông sẽ nói 3 từ nào?
Nghiêm túc, tự tin, phấn đấu không mệt mỏi.
Ông cảm nhận gì về người trẻ trong nước hiện nay (cụ thể là qua tiếp xúc với các học trò người Việt)?
Tôi mừng cho các bạn trẻ ở Việt Nam sống trong những điều kiện lý tưởng để phấn đấu vươn lên, những điều kiện mà cách đây ba, bốn mươi năm thế hệ chúng tôi không bao giờ dám mơ ước đến. Còn tận dụng những điều kiện thuận lợi như thế nào lại là chuyện khác.
Xin cảm ơn GS!
TheoLê Ngọc Sơn
Sinh Viên Việt Nam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)