Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Gặp người gieo chữ bên chân sóng

Tạp Chí Giáo Dục

20 năm nay, ngày nào cô giáo Oanh cũng vượt biển, trèo đèo đến với học trò làng Hòa Vân
Nằm tựa lưng vào chân đèo, hướng mặt ra biển, làng Hòa Vân (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Muốn thăm Hòa Vân chỉ có cách “trượt” theo sườn núi hoặc thuê thuyền thúng vượt hàng cây số đường biển mới đến được. Vậy mà suốt 20 năm nay, có một cô giáo đã lặng thầm tình nguyện mỗi ngày vượt 20 cây số với muôn vàn gian khổ để mang cái chữ đến cho con em làng đảo này. Đó là cô Hà Thị Thu Oanh (48 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Hòa Vân 2.
Cái nắng của mảnh đất miền Trung những ngày đầu hạ bỏng rát. Sau gần ba giờ đồng hồ vừa cuốc bộ vừa hỏi thăm đường, cuối cùng chúng tôi được một lão ngư tốt bụng đồng ý dẫn đường đến làng Hòa Vân.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là vẻ im ắng của một ngôi làng nhỏ tựa lưng vào vách núi, mặt quay về phía biển. Những ngôi nhà thưa thớt chỉ có đôi ba bóng cụ già ngồi trên bậu cửa nhìn xa xăm về phía biển. Nơi “rộn ràng” nhất ở cái xóm nhỏ này có lẽ là Trường Tiểu học Hòa Vân 2. Lão ngư vui vẻ cho chúng tôi hay: “Trường học của con em làng Hòa Vân đấy. Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng chúng tôi luôn nhắc nhở các cháu phải cố gắng thật nhiều để kiếm cái chữ đặng mà ra phố với bạn bè, tìm nghề nghiệp ổn định, mở mày mở mặt cho làng xóm. Gần 20 năm nay, nhiều người đến rồi đi. Nhưng cũng may vẫn còn có những người tốt như cô giáo Oanh đã không ngại khó khăn ở lại truyền tri thức cho con em chúng tôi…”.
20 năm, lặng thầm “mang” chữ ra đảo
Cô giáo Hà Thị Thu Oanh sinh năm 1967, quê ở xã Điện An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Năm 20 tuổi, cô tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Đà Nẵng và nhận công tác ở quê. Không may mắn như bao bạn bè đồng trang lứa, ngay từ tuổi chập chững biết đi, gia cảnh chia lìa, cô sống thiếu sự che chở của cha. Rồi một ngày, người mẹ bỏ đi biệt xứ không biết vì lý do gì. Càng lớn, nỗi nhớ mẹ trong cô càng dày thêm. Bốn năm dạy ở huyện miền núi Quảng Nam, cô không ngừng tìm kiếm thông tin về mẹ. Mãi cho đến một ngày cô biết tin mẹ mình đang vật vã với căn bệnh phong tại một ngôi làng cheo leo tận Hòa Vân (Đà Nẵng). Đó là ngày cô quyết định xin chuyển công tác về một làng đảo xa xôi.
Lần tìm đến được làng Hòa Vân đã vất vả nhưng quả thật, theo chân cô giáo Oanh trên chặng đường trở về thành phố chúng tôi mới thấm thía hết nỗi nhọc nhằn và cảm phục tấm lòng của người thầy một đời lặng thầm “gieo chữ” ấy. “Đường từ nhà đến trường chỉ có thể đi bằng thuyền hoặc đi bộ men theo đường tàu chạy quanh triền đèo. Nhưng chủ yếu là đi bộ vì thuyền ra làng Hòa Vân hiếm lắm, hầu như khi nào có công chuyện cần họ mới ra chứ ở vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này không phải là nơi lý tưởng để người ta tìm kế sinh nhai”, cô giáo Oanh chia sẻ.
Một đôi giày vải mòn gót, một ba lô con cóc trên vai, mỗi ngày cô giáo Oanh cuốc bộ ngót chục cây số với bao nhiêu đèo, dốc, đá tảng chắn đường rồi có đoạn phải lội dưới nước để đến với học trò. Nguy hiểm nhất là đoạn đường băng đường ray ở hầm đèo Hải Vân dài ngót hai cây số, không chút ánh sáng lại phải canh chừng tàu chạy ngang qua. Đó là chưa kể mỗi bước chân cô phải đối mặt với rắn rết ẩn trong cỏ cây, lau sậy um tùm.
20 năm với vạn dặm bước chân cô giáo Oanh trải dài trên đường đến với trẻ em làng Hòa Vân không chỉ là con số đơn thuần mà là cả tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề chảy trong huyết quản. Cô nói làm vậy là để trả món nợ ân tình của người dân Hòa Vân với mẹ mình. “Lúc đầu cũng thấy vất vả lắm nhưng đi riết thành quen. Thương bà con vất vả, thương học trò chịu nhiều thiệt thòi nên mình động viên chồng con cố gắng để mình ra ngoài này dạy chữ cho các cháu”, cô Oanh bộc bạch.
Mong tương lai các em tươi sáng

Lớp học “ba trong một” ở Trường Tiểu học Hòa Vân 2
20 năm ở lại với làng Hòa Vân là 20 năm cô giáo Oanh luôn đóng vai trò người thầy “ba trong một”. Năm học vừa rồi, cô tiếp tục được giao phụ trách lớp ghép 1+2+3 với tổng số sáu học sinh. Trong phòng học cấp 4, điều đặc biệt nhất là cả hai đầu và cuối phòng đều có bàn giáo viên và có bảng, phấn… học trò ngồi quay lưng vào nhau. Cô giáo Oanh như con thoi đi lại hai đầu bảng để giảng bài. Học trò lớp 3 cặm cụi làm bài tập, cô lại sang giảng bài cho các em lớp 2 rồi lại chạy đến tập viết cho các em lớp 1. “Dạy lớp ghép vất vả lắm. Riêng mỗi đêm cũng phải soạn đủ 3 giáo án rồi ngày lên lớp phải dạy ròng rã 10 tiết (2 buổi). Nhưng bù lại chúng tôi có điều kiện theo sát nên biết rõ năng lực từng em”, cô Oanh cho biết.
Vào thăm lớp học của cô giáo Oanh, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là “thư viện sách” lèo tèo tầm hơn chục cuốn truyện “thập cẩm” được đóng trên giá sách treo tường. Nhiều học trò tranh thủ giờ giải lao cắm cúi đọc sách. Cô giáo Oanh phân bua: “Đấy là sách của các đoàn từ thiện sau mỗi lần đến thăm gửi tặng các em. Bọn trẻ ở đây dù thiệt thòi nhưng dễ thương lắm, rất ham học hỏi. Tôi tin, nếu được chỉ bảo tận tình từ nhỏ, sau này chắc chắn các em sẽ trở thành người thành đạt. Chỉ tiếc rằng các em không có được đầy đủ các điều kiện như các bạn cùng lứa”.
“Điều đáng mừng nhất trong cuộc đời dạy học của mình đó là sự trưởng thành của học sinh. Các em không chỉ dừng lại ở chỗ biết đọc viết mà không ít em trong số đó nay đã trở thành thạc sĩ, cử nhân đang góp sức mình xây dựng quê hương. Đã ra đến đây, chúng tôi không ngại khó chỉ mong các em học giỏi, có tương lai tươi sáng. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề giáo”, cô Oanh trải lòng.
Chia tay cô trò Trường Tiểu học Hòa Vân 2 lúc xế chiều, đâu đó trên những nóc nhà tranh vách lá nép mình bên bờ biển khói lam chiều nhòa theo con sóng bạc đầu. Chúng tôi càng thấm thía hơn tấm lòng của những người thầy một đời thầm lặng như cô giáo Oanh; sự nỗ lực, niềm mong mỏi của những người dân quê chân thật. Trường lớp dưới chân đèo Hải Vân này tuy không khang trang, đầy đủ vật chất như các trường tiểu học khác, thế nhưng từ cái lớp học đơn sơ nơi ngôi làng heo hút chỉ có 325 nhân khẩu, trong đó có tới 2/3 là người già và trẻ nhỏ, lại có tới gần 40 em theo học tại các trường ĐH, CĐ và trung cấp. “Sự nghèo khó của quê hương, sự vất vả của gia đình và hơn hết là sự tận tụy của các thầy cô giáo đến với làng đảo này là động lực lớn nhất giúp cho em cố gắng học để giúp đỡ quê nhà mai này không phải vất vả như bây giờ nữa”, em Đỗ Ngọc Anh, hiện là giáo viên Trường THPT Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) bộc bạch.
Bài, ảnh: Lệ Phan

Bình luận (0)