Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm
|
40 năm sau, chúng tôi lại được nghe về giây phút hạnh phúc của những người lính hải quân chỉ huy và trực tiếp chiến đấu khi cờ giải phóng cắm trên quần đảo Trường Sa.
Trường Sa, quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc được giải phóng, cảm xúc vỡ òa trong hàng triệu trái tim người Việt. Cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên dẫu đã qua bao thăng trầm thời gian. Trong căn nhà riêng ở đường Trần Não, P.Bình An, Q.2, TP.HCM Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (nguyên Hiệu phó Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Hải quân, nay là Học viện Hải quân) ngồi gạch đầu dòng từng cái tên đồng đội.
Thời điểm ấy, nhiều chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam không thành, Tổng Quân ủy lệnh Đoàn 125 mở thêm lớp kỹ thuật viên dẫn tàu thiên văn hàng hải, ông Lâm là người đứng lớp. Lớp này đã đào tạo nhiều chính trị viên, thuyền trưởng, hàng hải trưởng từng có mặt trên nhiều chuyến tàu không số và sau này tham gia giải phóng Trường Sa như Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Xuân Thơm, Trần Phấn, Trần Phong…
Ông Lâm bảo: Hơn 40 năm rồi nhưng mình vẫn nhớ chính xác họ tên, quê quán, tuổi tác, tính tình và sở thích đồng đội, học trò. Ông rê ngòi bút dò lại tên rồi buông một nốt trầm: “Đồng đội mình hy sinh nhiều lắm, có người vĩnh viễn nằm lại nơi đáy biển sâu. Mình đã nhiều lần trở lại Trường Sa và cứ mỗi lần lại có một cảm xúc khác”.
Đại tá Trần Phong, nguyên thuyền trưởng tàu Phương Đông 1, quyền Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125 kể: Tháng 8-1968, tôi được phân công lên tàu số 42 cải trang tàu cá Trung Quốc mang tên Nguyên Sương Nhất Hiệu. Tàu 42 đi từ sông Đá Bạc, Hải Phòng ra Trường Sa, vùng biển phía Nam Đông Nam Á, qua Vịnh Thái Lan, Nam Du, Thổ Chu rồi trở về Hoàng Sa để nắm tình hình trên biển. Ông Phong nhận định và báo cáo tình hình với Bộ Tư lệnh về những mặt thuận lợi để giải phóng Trường Sa và ông được giao thảo kế hoạch điều động chuyển quân. Ông Phong cùng đồng đội vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) nhận nhiệm vụ.
Đại tá Trần Phong
|
Ngày 9-4-1975, Biên đội giải phóng Trường Sa, Đoàn 125 do đồng chí Trần Phong chỉ huy lên đường vượt qua sóng gió. Biên đội Trường Sa có ba tàu: Tàu 673, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm, tàu 674, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức. Tàu thứ 3 do thuyền trưởng Phạm Duy Tam cùng nhiệm vụ chở Đại đội đặc công hải quân tiến ra đảo Song Tử Tây vào sáng 11-4-1975.
Đến 1 giờ sáng 14-4-1975, ba con tàu áp sát đảo. Sau 30 phút chiến đấu, 6 giờ sáng cùng ngày cờ giải phóng của ta đã tung bay trên đảo Song Tử Tây bắt sống 33 tên và tiêu diệt được 7 tên địch. Trần Phong lệnh cho tàu 647 chở tù binh trên đảo Song Tử Tây về Tiên Sa. Cùng thời điểm, biên đội Trường Sa được tăng cường thêm tàu 641 do ông Trần Tú làm thuyền trưởng từ Khu V ra hỗ trợ. Ngày 21-4, ông Trần Phấn làm thuyền trưởng tàu 642 cũng nhận lệnh thẳng tiến đảo Nam Yết.
Cũng trong ngày 21-4 cả biên đội tàu 673, 674, 675, 641 được lệnh, xuống tiếp cận đảo Nam Yết, nhưng cả hai lần tiến tới gần đều gặp tàu khu trục hạm địch đang hoạt động ở đó nên được lệnh tạm lui về Song Tử Tây và đảo Sơn Ca. Từ Khánh Hòa, ngày 21-4 một biên đội tàu Đoàn 125 do Trần Phấn chỉ huy, đưa quân đặc công Khu 5 xuất phát ra yểm trợ.
Đảo Nam Yết được giải phóng ngày 27-4, sau đó một ngày cờ giải phóng tung bay trên đảo Sinh Tồn. Đúng 9 giờ sáng ngày 29-4-1975, biên đội tàu 673-674-675-641 chở đặc công Đoàn 126 đổ bộ giải phóng Trường Sa.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)