Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gặp tác giả trong sách giáo khoa: Kỳ 3: Từ Em Ký đi học đến Bàn chân kỳ diệu

Tạp Chí Giáo Dục

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký có ba bài thơ được chọn đăng trong sách giáo khoa bậc tiểu học ở các thời kỳ.

Chuyện về Em thương

Thực tế lâu nay, không ít học sinh có thể thuộc làu những bài thơ, đoạn trích trong sách giáo khoa ở tất cả các bậc học nhưng hiểu biết về tác giả còn hạn chế. Theo NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, việc nắm rõ nguồn gốc tác giả sẽ để lại ấn tượng và kích thích sự ham học của học sinh.

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký là tác giả của 33 cuốn sách (25 cuốn dành cho thiếu nhi), gồm thơ, câu đố, truyện cổ tích. Trong đó, có ba bài thơ được đưa vào sách giáo khoa ở các giai đoạn khác nhau là Nặn đồ chơi; Con đường làng Em thương và một số bài sử dụng trong sách Tập đọc và sách Kể chuyện bậc tiểu học. Hiện nay, do yêu cầu đổi mới chương trình, chỉ còn bài Em thương tiếp tục được sử dụng trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4.

Bài thơ Em thương được tác giả viết vào năm 1990. Em thương được chọn và đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 từ năm 2000. NGƯT Nguyễn Ngọc Ký thông tin: Bài thơ này của tôi đoạt giải khuyến khích cuộc thi Văn học dành cho thiếu nhi toàn quốc của Hội Nhà văn năm 1992.

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: T.AN

Em thương được các bà, các mẹ ở các vùng quê đọc (ngâm) để ru con, cháu ngủ. Lời ru ngọt ngào, chân chất, nhẹ nhàng, xúc cảm mà có lần bắt gặp ở đâu đó:

Em thương làn gió mồ côi

Không tìm thấy bạn vào ngồi trong cây

Em thương sợi nắng đông gầy

Run run ngã giữa vườn cây cải ngồng.

Thơ viết cho chính mình

Mặc dù không còn sử dụng trong sách giáo khoa nữa nhưng hai bài thơ Nặn đồ chơiCon đường làng của NGƯT Nguyễn  Ngọc Ký được nhiều thế hệ học trò thuộc nằm lòng. Nặn đồ chơi tồn tại trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 suốt 17 năm (từ 1983-2000). Theo NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, đây là bài thơ mà ông viết cho chính ông, từ thực tế cuộc sống đang diễn ra quanh mình. Đơn giản chỉ là một cậu bé thích nặn đồ chơi nhưng bàn tay thì bị liệt. Mãi đến khi vào ĐH năm thứ 2 (năm 1967), chợt nhớ lại kỷ niệm cũ và quyết tâm nặn đồ chơi bằng chân. Bài thơ ra đời từ đó, trẻ con nào mà chẳng ưa lời thơ và càng thích chí khi được nghe nhạc?

Bên thềm gió mát

Bé nặn đồ chơi

Mèo nằm vẫy đuôi

Tròn xoe đôi mắt

 

Đây là quả thị

Đây là quả na

Quả dành phần mẹ

Quả dành phần cha

 

Đây chiếc cối nhỏ

Bé nặn thật tròn

Biếu bà đấy nhé

Em nặn đồ chơi

Giã trầu thêm ngon

 

Đây là thằng chuột

Tặng riêng chú mèo

Mèo ta thích chí

Vểnh râu meo meo

Con đường làng (sách giáo khoa Tiếng Việt 2, bộ cũ). Đây cũng là một trong số những bài thơ mà NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã sáng tác từ thời sinh viên. Cụ thể là trong dịp nghỉ hè, tác giả về quê đi trên con đường làng quen thuộc. Bài thơ phác họa cảnh được mùa, mọi thứ phấn chấn, hồ hởi, cái này rượt đuổi cái kia nhưng lại rất trẻ con và gần gũi:

Con đường làng

Vừa mới đắp

Xe chở thóc

Đã hò reo

Rượt đuổi nhau

Cười khúc khích

 

Con đường làng

Vừa mới đắp

Em đến lớp

Mỗi tinh sương

Trông thấy đường

Sao đẹp quá

Nếu không nhắc đến sách giáo khoa, một số ít người nhầm tưởng Con đường làng của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký và Con đường làng của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng, cũng viết cho thiếu nhi: Con đường rợp bóng tre/ Uốn mình trong nắng hạ/ Tiếng chim rơi ngọt quá/ Khẽ động cọng rơm vàng… / Ai một lần đi xa/ Con đường cong nỗi nhớ/ Lòng luôn thầm nhắc nhở/ Con đường làng thiết tha.

Cũng với giọng văn nhẹ nhàng, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký còn sáng tác nhiều bài thơ với lời giàu tính nhân văn. Mời gió là một ví dụ:

Gió không có cửa nhà

Mỗi lần gió đi qua

Là bông hoa lại nhớ

Giấu chút làn hương nhỏ

Dành tặng gió gió ơi

 

Gió không có cửa nhà

Biết ai là mẹ cha

Chị Mây thương gió lắm

Mỗi lần gió qua chơi

Chị Mây vui kết bạn

Rủ gió đi khắp trời

 

Gió không có cửa nhà

Lang thang gió đi xa

Chắc mỏi chân lắm đấy

Em mở rộng cửa ra

Mời gió vào nghỉ vậy.

Trần Trọng Tri

Những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường chắc hẳn không bao giờ quên những bài học như Em Ký đi học (sách tập đọc lớp 3, từ 1964-1983); sau sửa lại Anh Ký đi học (sách Kể chuyện lớp 4, từ 1983-2000) và sau nữa là Bàn chân kỳ diệu mà nhà văn Cửu Thọ viết về trò Ký trong sách giáo khoa Tiếng Việt 4 từ năm 2000 đến nay. 

 

Bình luận (0)